5-06-2016 | VĂN HỌC

Khái Hưng Trong Tù

  MAI CHI
Tài liệu của Mai Chi


     Nhà văn Khái Hưng
    (1896 - 1947)

Để bạn đọc hiểu qua đời sống trong tù của Khái Hưng, chúng tôi trích đang dưới đây một phần bài Đợi Tết trong tù của Mai Chi, đăng trên nhật báo Dân Chủ số 925 ra ngày 9-2-1964, thuật lại những ngày Khái Hưng bị giam tại trại giam Lạc-quần (huyện Xuân-trường, Nam-định).


Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, ông Mai Chi là một chiến hữu cách mạng của Khái Hưng. Bài báo của ông, thuật theo trí nhớ của những bạn đồng ngục của Khái Hưng, có thể coi là đáng tin.

(Văn, số 22, ngày 15-11-1964)

Hồi ấy Lạc-quần là một chiến khu quan trọng của miền nam Trung-châu Bắc Việt (thuộc Liên-khu 3). Trại lính khố xanh cũ lúc đó đã biến thành Bộ Tư-lệnh của đại tá Việt-minh Hà Kế Tấn. Công-an tỉnh Nam-định đặt trại giam gần sát đó để có thể nhờ bộ đội can thiệp tức khắc nếu xẩy ra những trường hợp bất ngờ (các chính trị phạm nổi loạn hoặc các nhóm quốc gia đánh úp để giải phóng đảng viên). Anh em chúng tôi thuộc nhiều đoàn thể khác nhau: Việt-quốc, Việt-cách, Duy-dân, Dân-tộc, Công-giáo v.v... không thiếu một đảng phái chống Cộng nào. Đến trung tuần tháng chạp âm lịch tổng số lên tời gần 50 người.


Đời sống tại đây tương đối dễ chịu vì lúc đó Việt-minh còn bận tổ chức kháng chiến chống Pháp, chưa nghĩ tới việc hành hạ chúng tôi. Ngoài điểm ăn ngủ kham khổ, chúng tôi không hề bị gông cùm xiềng xích, và cũng không phải làm việc gì cực nhọc, chỉ một lần chúng tôi được đi vác gạch cho bộ đội xây đồn, nhưng vì anh Khái Hưng yếu đuối nên bị chúng loại ra, không cho hưởng cái ân huệ đó. Tuy nhiên không phải không có những cuộc tra tấn. Đêm nào chúng cũng gọi vài ba người lên phòng đồn trưởng để hỏi cung đúng vào lúc ba tiếng cồng "ngủ" dóng lên. Đánh đập, kìm kẹp, quay điện, tra tấn đủ kiểu cho tới khuya mới thả cho về. Và mỗi buổi sáng chúng tôi lại thay phiên đấm bóp và săn sóc những nạn nhân đêm trước.


Bởi vậy, ngay buổi sáng ngày thứ nhì, anh Khái Hưng đã nhìn thấy rõ "nếp sống và thủ tục" trại giam. Và cũng từ buổi đó, chẳng bao giờ chúng tôi được nghe anh nói một mảy may gì liên quan tới chính trị hay là tình thế. Mặc dầu trông đợi phiên mình, nhưng trong suốt thời gian (vào khoảng 15-20 ngày) chung sống với chúng tôi, anh chẳng hề bị bọn chúng gọi lên "chịu trận" một lần nào cả. Trái lại, có một số công an viên kể cả đồn trưởng Thịnh tỏ ra rất hâm mộ và kính nể anh.


Có lẽ không gì khổ tâm hơn cho một nhà văn khi phải sống trong cảnh hoàn toàn không giấy bút và không sách vở. Lúc ra đi, bọn công an không cho anh mang theo một chút gì để đọc và viết. Tới đây, anh đành bó tay, và luôn ngỏ ý thèm đọc, bất cứ sách gì. Một hôm nhìn thấy một tập sách cũ trong phòng một công an viên, anh nhờ Lụy tìm cách mượn dùm, nhưng đây là một quyển sách đạo mà chủ nhân là một tên khét tiếng hách dịch, bởi vậy hai người đành bỏ rơi việc đó. Rồi bỗng nhiên hai ngày sau một công anh viên khác -anh Thân- vì cảm mến Khái Hưng đã mang tặng anh một tập giấy trắng với một cây bút chì trong lúc chúng tôi đang ngồi quây lại để anh xem tướng cho từng người. Anh Khái Hưng xem tướng rất giỏi -cả tướng tay lẫn tướng mặt. Coi tay anh Lụy, anh bảo Lụy là người dễ tính và rộng rãi; anh Thành sẽ vất vả một đời vì bộ tóc rễ tre; anh Văn khó lòng sống tới năm chục tuổi... Đến nay chúng tôi thấy những lời anh tiên đoán về số mệnh đều rất đúng.


Từ lúc có giấy bút chiều nào Khái Hưng cũng ra bờ sông ngồi viết nhật ký. Công an viên Thân thường lui tới để nhờ anh sửa văn. Và bọn anh em chúng tôi cũng bắt đầu gác bỏ đề tài Tết để nhảy sang địa hạt văn nghệ. Cũng từ bữa đó, anh Khái Hưng đã nói khá nhiều với chúng tôi về các vấn đề văn chương, thi ca, tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết vì đây là sở trường của anh. Lâu ngày quá rồi, chúng tôi không còn nhớ được nhiều. Riêng anh Lụy vẫn còn nhớ được một điểm khi hỏi anh về vai trò của Vọi trong cuốn Trống mái: "Trong tác phẩm này, khung cảnh Sầm-sơn là chính, còn vai trò của Vọi chỉ là phụ, tức là để tả cảnh Sầm-sơn và người Sầm-sơn."


Lúc nào Khái Hưng cũng tỏ ra bình thản và vui tính. Ngoài những cuộc đàm luận văn chương anh cũng còn thích đánh cờ và rất ham nói chuyện và trong bất cứ chuyện gì anh cũng cài xen vào những câu khôi hài rất dí dỏm và đầy lý thú.


Buổi tối, sau bữa ăn, anh thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tài kể chuyện của anh rất ít người sánh kịp: dù chỉ là những việc rất thường anh cũng có thể biến thành một câu chuyện đầy hứng thú, vì óc sáng tạo tuyệt diệu và giọng nói quyến rũ của anh.


Tối nào anh cũng kể cho nghe một chuyện, hoặc Liêu-trai, hoặc những kỷ niệm làm báo, viết văn và ở tù. Mẩu chuyện của anh mà cả hai chúng tôi (Lụy và Thành) nói mãi tới nay là chuyện anh tập hút thuốc lào trên trại giam Vụ-bản (Hòa-bình): "Tuy không biết hút thuốc nhưng tôi đã gắng tập hút để có thể nhập bọn và gây tình thân thiết với các chú lính Mường. Sau đó, đêm nào tôi cũng tụ họp với họ chung quanh một chiếc điếu cầy "gộc" luân phiên liên hồi hút thuốc lào và kể chuyện. Tôi đã được nghe nhiều truyện đường rừng rất ly kỳ, tôi cũng kể nhiều chuyện lịch sử và thần tiên. Chỉ một tuần sau tất cả đám lính Mường canh giữ trại đều trở nên "ghiền" chuyện, mỗi khi hơi rảnh rỗi là họ đi tìm tôi và đòi kể chuyện như đời nợ."


Ngoài ra anh Khái Hưng còn là một người rất giàu tình cảm. Mỗi lần nói chuyện hoặc kể chuyện, không bao giờ anh quên nhắc tới một vài bạn cũ, và gặp ai anh cũng tùy trường hợp hỏi thăm tin tức về những người anh đã từng quen biết. Trong thời gian với chúng tôi, một hôm cậu con nuôi muốn tới thăm anh. Và đêm hôm đó anh lại có dịp cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện tình bạn giữa anh và văn sĩ Nhất Linh, nhưng không hề đả động gì tới cuộc đời cách mạng của hai người.


Rồi một buổi chiều... Hôm đó quá rằm -có lẽ 16, 17 hay 18 tháng chạp âm lịch, một ngày cận Tết- vào khoảng 4 - 5 giờ trong khi chúng tôi sắp ăn cơm tối, tên Thoại (công an xung phong) tới bảo cho Khái Hưng biết rằng có lệnh mời anh lên "Trung ương" vì cấp Tỉnh không có quyền thẩm vấn và xét xử anh. Hắn dục anh thu xếp đồ đạc để cùng đi ngay với hắn -đi lúc chiều tối để tránh máy bay địch.


Mười phút sau, anh đã sẵn sàng trong bộ âu-phục với áo choàng, mũ "phớt" và chiếc cặp da cũ trong tay như khi anh vừa mới bước chân tới trại Lạc-quần. Bùi ngùi cảm động... anh đi bắt tay từ biệt từng anh em phạm nhân. Anh Văn rơi lệ... Mọi người buồn xỉu...


"Chào anh em ở lại", đó là lời nói cuối cùng của Khái Hưng. Câu đó tời hôm nay vẫn còn in sâu trong tâm khảm hai chúng tôi. Dù anh không nói thêm lời nào nữa, nhưng chúng tôi đều nhìn thấy trên vẻ mặt Khái Hưng một nỗi ưu tư vô hạn... Có lẽ vì đã cảm thấy rằng chuyến đi này sẽ kết liễu đời anh...


Văn, số 22, ngày 15-11-1964

Mai Chi

Nguồn: Hợp Lưu 104
Số đặc biệt về Khái Hưng