Bài nói chuyện trong dịp kỷ niệm trăm năm sinh nhà văn Khái Hưng (1897-1996) tại Offenbacham Main, Đức quốc, ngày 21-12-1996.
Khái Hưng, Chapa, 1936
Trong sự hiểu biết có chừng mực về văn chương, và với một số tài liệu có được, tôi xin cùng quý vị ôn lại hai giai đoạn lịch sử của đất nước: giai đoạn 1913-1932 và giai đoạn 1932-1947, nghĩa là lấy năm 1932, năm Khái Hưng cùng Nhất Linh bắt đầu hoạt động mạnh trên tờ Phong Hóa làm mốc thời gian; tôi xin kể sơ chuyện 19 năm trước đó, và phần chính chuyện 15 năm sau đó.
Chuyện 19 năm trước 1932 sẽ cho chúng ta một cái nhìn khái quát về tình hình sinh hoạt văn học nước nhà trước khi Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) ra đời.
Chuyện 15 năm sau 1932 sẽ nói về những hoạt động của Khái Hưng và TLVĐ có thể xem như là cuộc vận động cách mạng văn hóa xã hội, có ảnh hưởng rất sâu rộng vào thời đó, mà dấu ấn vẫn còn đến bây giờ, dù rằng trong suốt 30 năm (1945-1975), một nửa phần đất nước cố tình bôi xóa hay không nhắc đến. Cho mãi tới năm 1994 nhà xuất bản Khoa học Xã Hội -Hà Nội- mới được phép in bộ Văn xuôi lãng mạn Việt nam (1930-1945), gồm ba tập, mỗi tập in 2000 cuốn; tất cả có 15 truyện của các nhà văn trong TLVĐ và các nhà văn khác cùng thời. Lời nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, cũng như bài giới thiệu của Nguyễn Hoành Khung, nêu lý do việc đánh giá dòng văn học lãng mạn 1930-1945, do tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội VI của đảng CSVN; đồng thời giải thích thái độ, mà họ gọi là, nghiêm khắc, bất công, hẹp hòi, cứng nhắc ... đối với TLVĐ.
Những phong trào vũ trang kháng Pháp lần lượt tan rã vào những năm cuối thế kỷ 19.
Phan Đình Phùng mất ở Hà Tĩnh năm 1895, Nguyễn Thiện Thuậtkhái hưng bỏ Bãi Sậy sang Tàu 1897, và cũng năm đó Hoàng Hoa Thám hạ khí giới ở Nhã Nam.
Đối với tầng lớp sĩ phu có trách nhiệm với sự hưng vong của đất nước, chân lý mạnh thắng yếu thua quá rõ ràng. Muốn mạnh thì phải canh tân xã hội và học thuật theo gương các nước Tây phương. Đó là nguyên do các phong trào duy tân khởi lên đầu tiên ở nước ta.
Phong trào Đông kinh Nghĩa thục kéo dài có ba năm ngắn ngủi. Từ lúc dấy lên (1905), đến lúc bị Pháp bắt đày đi Côn đảo (1908), các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Châu Trinh đã làm được các việc cụ thể: truyền bá Quốc ngữ, dạy các kiến thức phổ thông theo tây học, bỏ quốc phục mặc âu phục, hớt tóc ngắn, đề cao những nghề nghiệp thực dụng như khai đồn điền, mở hội buôn, làm công nghệ.
Cơn gió duy tân hối thúc xã hội Việt Nam thời đó chuyển mình. Năm 1913 Đông Dương Tạp Chí do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương ra đời, và năm 1917 Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh xuất hiện. Hai tờ báo này đều sống được 17 năm, và ảnh hưởng rất lớn vào suy nghĩ và cách sống của dân tộc ta thời bấy giờ.
Đông Dương Tạp Chí (Tân nam tử Nguyễn Văn Vĩnh)
Nguyễn Văn Vĩnh được mệnh danh là "Thủy tổ nhà báo xứ sở." Ông bắt đầu ra tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo sau khi đi Pháp dự hội chợ đấu xảo (foire d' exposition) Marseille về. Sau đó ông liên tiếp chủ trương nhiều tờ báo, mà nổi bật là ĐDTC. Lập trường ông có thể gom vào các điểm sau:
- thù phong kiến, chống thực dân
- đả đảo Hán học, ông gọi là 'cái hàng rào cản bước văn minh'
- tuyên truyền văn minh Âu Tây
- chống phong trào Đông Du, chống bạo lực.
Về văn học, ông đứng ra mở đường cho văn học mới:
- tranh đấu cho việc truyền bá Quốc ngữ
- đem vào hoạt động xã hội ta nhà in và tờ báo, hai khí cụ giúp ông xây dựng văn học mới, mở đường cho một lớp nhà văn, nhà báo với tư tưởng mới như TLVĐ, Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, Vũ Đình Long ... sau này.
Nguyễn Văn Vĩnh là một con người chịu chơi dưới mắt thanh niên trí thức Hà Nội thời bấy giờ. Ông mặc âu phục trắng, đội mũ thuộc địa trắng, đi mô tô, 26 tuổi ông đã làm Hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội. Ông hoạt động công khai chống chế độ thực dân thuộc địa và chế độ bảo hộ. Chủ trương xây dựng Bắc và Trung kỳ theo kiểu trực trị (administration directe), nghĩa là dẹp bỏ ngôi vua và để Pháp cai trị với sự tham gia hành chánh của nhân dân do Thượng, Hạ nghị viện từ nhân dân bầu cử. Ông bày tỏ rõ ràng nguyện vọng Âu hóa, khinh bỉ phong tục hủ lậu mê tín của dân mình qua các loạt bài: Xét Tật Mình, Nhời Đàn Bà, Hương Sơn Hành Trình đăng trên ĐDTC. Ở bài Hương Sơn Hành Trình ông đả kích Hội Chùa Hương và vô tích sự, chỉ đụng đầu với cái ngớ ngẩn của đám mê tín. Điểm lý thú là con ông, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, lại nổi tiếng qua bài thơ Đi Chùa Hương, mà Trần Văn Khê đã phổ nhạc. Ông mất năm 1936 lúc cùng với Cléminti, chủ tờ báo L' Argus Indochinois, đi tìm vàng ở Lào. Linh cửu được đưa về Hà Nội và được sự đón rước của cả mấy chục ngàn người.
Nam Phong Tạp Chí (Thượng Chi Phạm Quỳnh)
NPTC ra liên tục trong 17 năm (1917-1934) được 210 số, nguyên là một tờ báo do Phủ Toàn Quyền chủ trương, chống lại tuyên truyền của Đức ở Viễn Đông.
Người chủ trương là Louis Marty, phụ tá Trưởng phòng Chính trị Phủ Toàn Quyền. Ông ta đọc và nói tiếng Tàu như một nhà nho Tàu, rành tiếng Việt. Marty sáng lập ra tờ Âu Châu Chiến Sử, báo chữ Hán, tiền nhân của NPTC. Marty lập hội Khai Trí Tiến Đức. Tờ NPTC ghi ở trang đầu: L' Informatuion francaise - La France devant le monde - Son rôle dans la guerre des nations.
Khi Phạm Quỳnh được Pháp giao cho làm tờ báo, ông chủ trương 'lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ Quốc văn, cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá tư tưởng Âu tây'. Về lập trường ông là một người bảo thủ, chủ trương gìn giữ quốc hồn, quốc túy. Về văn học, ông đặt nặng việc xây dựng văn hóa quốc gia, thâu thập vật liệu âu tây cho sự tiến hóa của nước nhà, nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc.
Năm 1922, ông diễn thuyết mấy đề tài sau ở Paris: Sự tiến hóa của người Việt Nam từ khi Pháp đặt bảo hộ, Thi ca Việt Nam, Một vấn đề dân tộc giáo dục ... gây được nhiều tiếng vang trong giới trí thức Pháp. Báo chí Pháp đã so sánh lối diễn tả bằng Pháp văn của ông khúc triết, thâm thúy cỡ các bậc Hàn lâm Pháp thời đó như Emile Bourtroux hay Jules Lemaitre. Đoạn trích dẫn sau đây cho thấy lập trường của ông: "Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một quyển sách đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã mấy mươi thế kỷ nay. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những giòng chữ cũ được. Vấn đề là phải giáo dục người VN thế nào cho vừa truyền được cái học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi làm cho chúng tôi mất giống đi, mất cái quốc tính của chúng tôi đi, làm thành ra một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy cái thuộc địa cổ của người Pháp kia ..."
Ông mở khoa Ngôn ngữ và Văn chương Hán Việt ở trường Cao đẳng Hà nội, tiền thân của Đại học Văn khoa sau này. Ông tổ chức kỷ niệm ngày húy Nguyễn Du ở Hà nội năm 1924 có hai ngàn người tham dự.
Phạm Quỳnh luôn luôn mặc quốc phục, áo dài the đoạn hoặc satin, mang giày escarpin, đầu chít khăn đóng kể cả lúc diễn thuyết ở Paris. Tháng 3-1932 vua Bảo Đại hồi loan, Phạm Quỳnh được mời làm Ngự tiền văn phòng Đổng lý, sau đó làm Thượng thư bộ Giáo Dục. Tháng 8-1945 ông bị Việt Minh thủ tiêu ở Huế.
Tóm lại giai đoạn 19 năm trước 1932, hai nhân vật Nguyễn văn Vĩnh và Phạm Quỳnh với hai tờ báo ĐDTC và NPTC đã thành công trong việc xoay chuyển nhận thức của dân chúng nước ta, tiếp tục tư tưởng duy tân, âu hóa; đưa nền văn chương quốc ngữ bước những bước vững vàng. Có thể nói công chúng không những đọc báo mà còn học rất nhiều ở báo. Vũ Ngọc Phan trong tập 'Nhà văn hiện đại' nhận định NPTC là một tờ bách khoa toàn thư vào thời đó. Những văn thi sĩ khác có nhiều đóng góp vào thời kỳ này còn có Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Đông Hồ, Tương Phố, Tản Đà, Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách ...
Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản tiểu thuyết Tố Tâm năm 1925. Chuyện có năm hồi, thuật lại mối tình của một sinh viên ban văn chương trường Cao đẳng Sư phạm tên là Đạm Thủy với Tố Tâm, con bà Án, góa phụ hưu quan, có tiệm tơ lụa ở Hà Nội. Đạm Thủy đã được cha mẹ đính hôn trước và không có can đảm chống lại quyết định của gia đình nên tỏ ý cho Tố Tâm hay. Nhưng Tố Tâm chủ trương yêu để mà yêu vẫn hăng say đi tới. Về sau khi bà Án đau nặng, nằn nì con chấp thuận lấy một cậu Tú; Tố Tâm vì chữ hiếu nghe theo nhưng đau đớn vĩnh biệt với Đạm Thủy, rầu rĩ nhuốm bệnh thổ huyết mà chết, để lại cho Đạm Thủy cuốn nhật ký, ghi lại những ngày cuối của nàng: Rồi đây sau khi hương tàn khói tỏa, có lúc nào anh qua chỗ em an giấc ngàn năm, nhờ anh đề hộ vào gốc cây tảng đá hay bức tường mấy chữ rằng: 'Đây là mồ một người bạc mệnh chết vì hai chữ ái tình.' Đạm Thủy sau cái chết của Tố Tâm, đau tim phải về đồn điền của người anh an dưỡng với vết thương lòng.
Tố Tâm là một biến cố văn học, đã đáp ứng đúng vào tâm hồn sầu lụy của con người vào thời đại ấy. "Sau cơn vong quốc, hàng ngũ trí thức sĩ phu tan rã, lớp đi kháng Pháp tuẫn tiết lưu vong, lớp ra hợp tác với Pháp vì danh lợi, lớp lấy hoạt động văn hóa làm con đường thoát. Người mạnh về lý trí theo Phạm Quỳnh lao đầu vào sự nghiệp học thuât. Nhưng người giàu tình cảm không khỏi thấy sự trống rỗng ghê gớm trong lòng. Buồn mất nước, buồn nề nếp cũ đổ rơi, giá trị cũ suy tàn. Buồn thất thời thất thế, buồn trơ trọi bơ vơ. Cái buồn ấy từ bậc thức giả lan tràn ra khắp xã hội. Người ta muốn quên, muốn được an ủi. Văn học mới đã đem lại một thức ăn thích hợp, một đường lối đào vong là tiểu thuyết. Nhất là tiểu thuyết bi tình trong đó có nhớ thương, có thất vọng, có chết chóc, để người ta có thể rung động thổn thức, nhỏ lệ." Đó là nhận định của ông Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên.
Ngoài ra trước năm 1932 còn có những thay đổi quan trọng trong xã hội: năm 1930 ra đời khóa đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương với Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Võ Cao Đàm, ...; phong trào thao diễn quần vợt từ Nam ra Bắc của đội Chim Giao; phong trào phụ nữ đi bộ Hà Nội - Đồ Sơn 120 km ...
Cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Nguyễn Thái Học thất bại (1930), và sự đàn áp thẳng tay của nhà cầm quyền Pháp gieo một không khí hoang mang kinh sợ hay buồn bã hoài nghi khắp nơi. Vì thế để trấn an, Pháp cho tổ chức nhiều hội chợ từ thiện từ Sài Gòn ra Hà Nội để dân chúng vui chơi, quên đi những lo âu chính trị.
Công tử Hà Nội ăn mặc đúng mốt Ba lê, tay cầm yo yo tiến vào các chợ phiên, tung confetti, serpentin lên đầu các thiếu nữ tân thời, và cười đùa hả hê, hoặc xách can về các hội Lim, hội chùa Hương, hội đền Hùng tìm những thôn nữ mộc mạc để tán hươu tán vượn. Nhóm thanh niên du học ở Pháp về, gọi là Retour de France, gây ra phong trào yêu tiếng hát của Tino Rossi qua các bài J' ai deux amours, mon pays et Paris, Je t'aimerai toujours ... Trong đám Retour de France có Nguyễn Mạnh Tường, 22 tuổi đỗ Tiến sĩ Luật và Văn khoa. Luận án Luật của ông là ' Quyền cá thể trong xã hội Việt Nam. Khảo cứu tổng thể về bộ Luật đời Lê.' Ông Tường lúc đầu được Cộng Sản tin dùng, sau đó bị cô lập và sống nghèo đói ở Hà Nội. Ông muốn sửa xe đạp trên vỉa hè để làm kế sinh nhai nhưng: 'điều bất hạnh là kiến thức của tôi về văn chương và ngôn ngữ triệt phế hết mọi khả năng trước một chiếc xe đạp như kẻ hoạn quan trước một người đàn bà trần truồng,' như ông viết trong cuốn Un Excommunié, bản tiếng Pháp, Quê Mẹ xuất bản 1991.
Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, tờ báo Phong Hóa đổi mới và Tự Lực Văn Đoàn ra đời.
Báo Phong Hóa
Tờ Phong Hóa trước khi Nhất Linh, Khái Hưng chủ biên đã ra được 13 số do ông Phạm Hữu Ninh, người sáng lập trường Thăng Long làm quản lý. Ngày 22-9-1932 sau khi điều đình với ông Ninh, Nhất Linh làm số 14 Phong Hóa đổi mới với sự cộng tác của Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ ...
Những người cùng tâm chí gắn chặt với nhau để thực hiện hoài bão cải tạo xã hội, bước những bước cụ thể:
- 1932 làm tờ Phong Hóa
- 1933 thành lập Tự Lực Văn Đoàn
- 1940 lập đảng Hưng Việt, còn gọi là Đại Việt Dân Chính.
Tên gọi Tự Lực có nghĩa là tự sức mình gây lấy cơ sở chứ không nhờ cậy vào chính phủ hoặc một thế lực tài chánh nào; do đó có tư cách độc lập, không tuân theo một chỉ thị nào, ngoài đường lối chính họ tự vạch ra. Phong Hóa ra liên tục từ 1932 đến 1936, chỉ có đóng cửa ba tháng năm 1935 vì đả kích Hoàng Trọng Phu.
Ngày Nay ra đời năm 1934 song song với Phong Hóa. Sau 13 số thì tự đình bản để dồn nỗ lực vào Phong Hóa, rồi tiếp tục khi Phong Hóa bị đóng cửa cho đến 1940. Nhà xuất bản Đời Nay ra đời 1932, có năm in đến 54 ngàn cuốn tiểu thuyết.
Phong Hóa số 14 ra đời trúng khẩu vị độc giả. Số in từ 3 ngàn vụt lên 10 ngàn số. Sẵn đà, họ tính chuyện hoạt động lâu dài và thành lập TLVĐ.
TLVĐ lúc thành lập có bảy người với ý nghĩa hội Thất tinh (la pleiade, die Plejade, das Siebengestirn, chòm sao Rua) với:
- Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
- Khái Hưng Trần Khánh Giư
- Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu
- Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ
- Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long
- Thạch Lam Nguyễn Tường Lân
- Nguyễn Gia Trí, họa sĩ
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896 tại làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Thân sinh ông là cụ Trần Mỹ, tuần phủ Phú Thọ. Ông có một người anh trai, hai người em trai và một trong hai người em này là nhà văn Trần Tiêu. Ông là con rễ cụ Lê Văn Đính, Tổng Đốc Bắc Ninh.
Theo nhiều tài liệu, vợ ông là một người đàn bà rất đảm đang, vẫn nhuộm răng đen trong khi chồng theo tây học, có cốt cách con nhà nho phong. Ông sống sung túc, gia đình êm ấm. Có thể do đó mà Khái Hưng viết truyện với văn phong nhẹ nhàng êm ái chăng? Các nhà văn khác như Vũ Trọng Phụng, nhà nghèo, ít khi cười, viết văn luôn luôn mỉa mai, chua xót. Hay Phan Khôi, người Điện Bàn, Quảng Nam, dân nổi tiếng lý sự nên viết móc, viết xỏ xiên rất thâm, rất hay. Ví dụ giai thoại Phan Khôi dịch chữ Pomme de terre là khoai nhạc ngựa, từ chữ Hán Mã linh thư, để trêu thái độ trọng Trung Cộng của cán bộ cộng sản. Trong tập Nắng Chiều không được xuất bản, viết về cây cộng sản (herbe communiste) hay cỏ cụ Hồ, ông lại gọi là cỏ bù xít, cây cứt lợn hay cây chó đẻ.
Hồi nhỏ ông học chữ Hán, sau chuyển sang Tây học, đậu Tú tài Pháp tại trường Albert Sarraut, Hà Nội năm 20 tuổi. Ông dạy học ở trường tư thục Thăng Long, viết cho tờ Văn học của anh em ông Dương Bá Trạc, Dương Tự Quán, làm Chủ bút tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh. Đến năm 1932 gặp Nhất Linh cùng làm tờ Phong Hóa đổi mới, lúc đó ông đã 36 tuổi (hơn Nhất Linh 10 tuổi) và là người cao niên nhất trong nhóm. Khái Hưng là do lối chiết tự (anagramme) từ tên Khánh Giư mà ra. Lúc đi dạy ở trường Thăng Long, ông nổi tiếng là một ông thầy duyên dáng.
Người gầy ốm, đôi má hơi cóp và nước da hơi tái nhưng nụ cười rất tươi. Nụ cười ngụ nét hóm hỉnh, nhưng hiền hòa khả ái, chứ không hời hợt đãi bôi như Thế Lữ và không trào lộng như Nguyễn Tường Tam. Khái Hưng cũng không tự kiêu tự đắc, tính điềm và tao nhã. Tuy ở chung một tòa soạn, nhưng Khái Hưng không thích chơi với Thế Lữ. Trái lại Khái Hưng thân với Nguyễn Tường Tam và Tú Mỡ. Anh ít nói, tính điềm đạm nhưng thỉnh thoảng khôi hài đôi chút, và không làm mích lòng ai. Trong nhóm Phong Hóa anh là người được đa số nhà văn mến nhất (Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ, Khai Trí Sài Gòn 1969).
Lúc đó ở Hà Nội ngoài nhóm TLVĐ còn có nhóm Hàn Thuyên, với tờ Xuân Mới, do Nguyễn Đức Quỳnh và Trương Tửu chủ trương, sở trường về biên khảo với khuynh hướng Đệ tứ cộng sản. Sau một vài năm có nhóm Xuân Thu Nhã Tập với tờ Tinh Hoa do Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh cầm đầu. Những nhóm này không ưa gì nhau, nhưng đặc biệt xuyên qua các hồi ký, nhận định của các nhà văn tiền chiến, Khái Hưng chiếm được cảm tình trọn vẹn của hầu hết văn thi sĩ thời đó.
Trương Tửu trong nhóm Hàn Thuyên viết: TLVĐ là sản phẩm xì hơi cách mạng bằng phương tiện văn chương do linh mục Cras (Đỗ Minh Vọng) đỡ đầu. Linh mục này sau làm Bí thư cho Toàn quyền Decoux. Trương Tửu đả kích lối cách mạng xa lông của TLVĐ.
Năm 1940, Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam lập đảng Đại Việt Dân Chính (có tài liệu ghi là Hưng Việt). Khái Hưng làm Đảng trưởng. Đảng có khuynh hướng dựa vào Nhật để chống Pháp. Năm 1941 Khái Hưng bị mật thám Pháp đưa đi giam ở Vũ Bản cùng với Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí, chỉ có Nguyễn Tường Tam trốn được sang Tàu. Năm 1943 Khái Hưng và các đồng chí bị Pháp đưa về quản thúc ở Hà Nội. Sau vụ đảo chính Nhật 1945 Khái Hưng được trả tự do và từ 05-5-1945 cùng Nguyễn Tưnờg Bách, Hoàng Đạo làm tờ Ngày Nay Kỷ nguyên mới với sự chỉ đạo của Nguyễn Tưnờg Tam lúc bấy giờ còn ở Liễu Châu. 'Ngày Nay Kỷ nguyên mới' là cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó Nguyễn Tường Tam về làm Bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến, thành lập ngày 02-3-1946 tại Hà nội, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nguyễn Tường Tam làm Trưởng phái đoàn tham dự Hội nghị Đà Lạt 17-4-1946. Thời gian hợp tác Quốc Cộng kéo dài không bao lâu. Ngày 20-12-1946 Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sau đó trong chính phủ Hồ Chí Minh cải tổ, Hoàng Minh Giám thay Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ngày 27-12-1946 Khái Hưng bị Việt Minh bắt, giam ở trại hối thất chính trị phạm Liên khu III ở Lạc Quần, Chi Nê, Phủ Lý. Ông bị thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà thuộc phủ Xuân Trường vào năm 1947.
Trong tập Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, cụ Hoàng Văn Chí cho biết, lúc bắt Khái Hưng ở phố Quan Thánh có cụ Phan Khôi đang tá túc trong nhà và bị bắt luôn. Nhưng cụ Phan Khôi có con là Phan Thao làm chủ nhiệm báo Cứu Quốc, và em họ là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; nên Việt Minh đem cụ lên Việt Bắc làm nhiệm vụ phiên dịch sách suốt chín năm, đến 1954.
Cái chết của Khái Hưng không được rõ ràng lắm. Theo Nguyễn Vỹ trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Khái Hưng bị Việt Minh quản thúc tại ngay làng ông. Nhân một buổi họp tại trụ sở Ủy ban xã, ông có làm một bài thơ tán dương Hồ Chí Minh ngụ ý châm biếm. Sau đó, ông bị một cán bộ xã thủ tiêu trên một đường làng gần nhà ông, vào khoảng nửa đêm. Tin này Nguyễn Vỹ có hỏi các nhà văn Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 1955 như Vũ Bằng, Tam Lang, Vi Huyền Đắc, Thượng Sĩ, ... nhưng đúng hay không, không ai xác nhận được chính xác.
Báo Ngày Nay
Khái Hưng để lại khoảng 20 tác phẩm, có thể liệt kê theo thứ tự thời gian sau đây:
- Hồn Bướm Mơ Tiên (1932)
- Nửa Chừng Xuân (1933)
- Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1934)
- Trống Mái (1935)
- Gia Đình (1935)
- Thừa Tự (1936)
- Thoát Ly (1936)
- Đẹp (1940)
- Băn Khoăn (1942)
và các tập truyện ngắn:
- Tiếng Suối Reo, 33 truyện (1932-1935)
- Đội Mũ Lệch, 27 truyện (1932-1935)
- Dọc Đường Gió Bụi (1932-1935)
- Cái Ve, 13 truyện (1935-1940)
- Hạnh, 5 truyện (1935-1940)
Ngoài ra có các vở kịch như Tục Lụy, Đồng Bệnh, và một số tiểu thuyết viết chung với Nhất Linh.
Giai đoạn 15 năm từ 1932 đến 1947 thật sự đáng kể chỉ có tám năm với những vận động đổi mới xã hội của TLVĐ từ 1932 đến 1940.
Trong tôn chỉ của TLVĐ đăng trong báo Phong Hóa số 87 ngày 02-3-1933 có 10 điều nguyên văn như sau:
1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giàu thêm văn sản trong nước,
2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hay hơn lên,
3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
Ba điều trên đây xác nhận sự ly khai với những bận tâm học thuật quốc gia của thời kỳ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Những cố gắng dung hòa học thuật Đông - Tây của Phạm Quỳnh, theo đa số giới cầm bút sau 1932, chỉ làm cho đất nước chậm tiến. Theo họ học thuật văn hóa Tây là nhất. Họkhông bận tâm đến việc đào bới quá khứ, lau chùi quốc túy, dựng lại quốc học. Phản ảnh tinh thần chung này, TLVĐ không đề cập tới công việc biên khảo, mà chỉ chú trọng tới văn học sáng tác.
4. Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An nam.
Lối văn này chúng ta bắt gặp trong hai tác phẩm đầu tay của Khái Hưng: Hồn Bướm Mơ Tiên và Nửa Chừng Xuân. Nguyên vào thời kỳ này có hai lối viết phổ biến, một loại văn Hán hóa của Nam Phong Tạp Chí, và một loại văn Tây hóa do Hoàng Tích Chu đề xướng trên báo Đông Tây từ năm 1931. TLVĐ đả kích cả hai lối. Trên tờ Phong Hóa số tháng 3-1933, Nhất Linh chế diễu hai đoạn văn Tàu và văn Tây như sau:
Văn Tàu: Bĩ nhân trầm tư mặc tưởng nghiên cứu thục lự về cái thâm ý đại nghĩa của nhân thế sau khi đã biện phục, đã xác tín, đã chứng cứ vào những lý thuyết của các nhà triết học cổ kim đông tây thì phải thừa nhận, phải công nhận, phải phục nhận rằng nhân thế là một gang tay là bạch câu quá khích vậy.
Văn Tây: Ta ngồi trong phòng trước một luồng không khí quay cuồng bởi cái quạt máy, dưới ánh sáng của ngọn đèn 120 nến, rồi ta ném làn nhỡn tuyến qua cửa sổ rơi đánh bịch một cái xuống con cóc ngồi tư lự bên cạnh hòn gạch. Cảm tình ta như nôn nao xoáy tận đáy cõi lòng tư tưởng ta nẩy phăng ra ngoài óc, tim ta hồi hộp muốn phá tan lồng ngực nhảy ra ngoài.
5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
TLVĐ đem hình ảnh những lý toét, xã xệ, cụ đồ nho vóc hạc xương mai ra làm đề tài chế riễu khinh rẻ. TLVĐ đề xướng phong trào cải cách y phục phụ nữ qua chiếc áo dài Le Mur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu. Trong văn chương chủ trương chống buồn rầu, chống thất vọng. Chuyện tình của Tố Tâm Đạm Thủy kết cục bi đát thì bây giờ chuyện tình Lan và Ngọc dẫn tới một lối thoát mới nhờ Ngọc nói: "Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình là nhân loại vũ trụ, tiểu gia đình là hai linh hồn núp dưới bóng Phật Tổ." Hay như trong Nửa Chừng Xuân, Mai vẫn yêu đời một cách tha thiết, vui lòng hy sinh hạnh phúc mình và vẫn sống mạnh.
6. Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân không có tính cách trưởng giả quý phái.
7. Trọng tự do cá nhân
8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không còn hợp thời nữa
9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10. Theo một trong chín điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
Theo đuổi 10 điều này trong Tôn chỉ TLVĐ, mỗi thành viên có một cách viết khác nhau, như Hoàng Đạo nặng về cải cách xã hội với các loạt bài Bùn Lầy Nước Đọng, Mười Điều Tâm Niệm cho thanh niên v.v... Nhất Linh với các tiểu thuyết luận đề Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng ... Thế Lữ với những chuyện kinh dị đề cao óc khoa học như Vàng và Máu, Một Đêm Trăng ...
Nhưng đặc biệt hơn cả là Khái Hưng với cách viết tiểu thuyết độc đáo của ông. Văn nghiệp của Khái Hưng là văn nghiệp tiểu thuyết.
Tiểu thuyết về ái tình
- Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân: với quan niệm cao thượng vượt ra khỏi tấn kịch đau lòng của mối tình dang dở.
- Tiêu Sơn Tráng Sĩ: yêu nhau trong sự nghiệp cách mạng giữa Trần Quang Ngọc và Nhị Nương, giữa Phạm Thái và Quỳnh Như.
- Trống Mái: ái tình thẩm mỹ. Hiền yêu Vọi, một chàng trai đánh cá có thân hình một lực sĩ, một quan niệm mới để chữa bệnh Tố Tâm, ái tình bệnh hoạn.
Ngoại lệ có hai cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng:
- Đẹp (1940): ái tình nghệ sĩ giữa họa sĩ Nam và Lan.
- Băn Khoăn (1942): hai cha con ông Thanh Đức, một nhà kinh doanh cự phú, và Cảnh, sinh viên trưnờg Luật, cùng yêu một cô gái sắc đẹp lộng lẫy. Cha muốn cưới vợ bé, con muốn chinh phục. Cô gái thì yêu cả hai người, người cha vì tiền bạc, người con vì trẻ trung.
Hai cuốn này xa rời hoàn toàn quan niệm yêu nhau trong linh hồn, thờ nhau trong lý tưởng của Hồn Bướm Mơ Tiên, của Nửa Chừng Xuân.
Tiểu thuyết về gia đình
Có ba tác phẩm quan trọng:
- Gia Đình (1935): chuyện kể cuộc đời ba cô con gái của một gia đình quyền quý ông bà án Báo. Hai cô con đầu lấy tri huyện, sống cuộc sống chán nản trong nghề làm quan. Chỉ có cô út Bảo, lấy Hạc, sinh viên trường thuốc, bỏ học đi làm đồn điền, sống hạnh phúc, đơn giản với ý nguyện làm cho người khác hạnh phúc.
- Thừa tự (1936): vạch ra bề trái của một gia đình quý phái, xào xáo nhau vì chuyện ăn thừa tự gia tài.
- Thoát Ly (1936): tiểu thuyết có tính cách luận đề. Thoát ly là lối chọn cái chết của Hồng để phản kháng ngục thất gia đình.
Qua các tiểu thuyết trên, cũng như toàn bộ các tập truyện ngắn, kịch của Khái Hưng, nhiều nhà phê bình văn học đồng ý những điểm chung sau:
- bố cục giản dị, khéo léo.
- tình tiết thưa ít, không có những ngoắt ngoéo ly kỳ.
- Không đưa đến có hậu như chuyện nôm xưa.
- không tả cảnh rườm rà, không bàn luận lôi thôi, lời văn giản dị, nhanh nhẹn, duyên dáng, hồn nhiên.
- khuynh hưnớg hài hước đối với nhân tình thế thái, những lố bịch xã hội, phong tục.
- lòng thương rộng rãi đến những khốn khổ và khuyết điểm của con người.
Đây chính là những điểm phân biệt ông với các nhà văn khác trong TLVĐ.
Hôm nay chúng ta có dịp cùnh nhau ôn lại hai giai đoạn lịch sử của đất nước mà đặc biệt là giai đoạn từ 1932, với những hoạt động văn học và chính trị của nhà văn Khái Hưng, trong TLVĐ. Theo tôi, đó là một cách kỷ niệm nhà văn Khái Hưng có ý nghĩa nhất.
Trong 'Văn học miền Nam tổng quan' ông Võ Phiến có viết như sau: "... nếu sách Việt ngữ không thoát được ra ngoài và được lưu giữ ở ngoại quốc, thì sau này người ta tha hồ ngơ ngác hỏi nhau có chăng một ông Khái Hưng? Có chăng một bà Nhã Ca? Có chăng một ông Phan Khôi? Có chăng một bà Thụy Vũ? Có chăng những nhân vật huyền hoặc, tuyệt vô tung tích ấy?"
Lo âu của ông Võ Phiến là một nỗi lo âu lớn lao. Câu hỏi "Có chăng một ông Khái Hưng" đã âm thầm chứa đựng một quá trình tìm tòi, tra cứu về ông Khái Hưng. Đó là một điều đáng mừng, vì còn có người quan tâm đến văn học nước nhà. Sợ rằng câu hỏi nêu ra dưới dạng vô tình hơn "Khái Hưng là ông nào?" Sợ rằng chỉ trong vòng 5, 10 năm nữa thôi, tất cả những gì tinh hoa về văn hóa, văn chương Việt Nam trở nên hoàn toàn xa lạ với con em chúng ta.
Đó là mối lo âm ỉ trong lòng mỗi người có chút tâm huyết với quê hương xứ sở. Cũng do tấm lòng lo âu đó mà hôm nay tôi cố gắng tìm tòi, hệ thống, mạo muội trình bày một ít hiểu biết của mình về Khái Hưng với quý vị.