1-6-2003 | VĂN HỌC

Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu

  QUỐC NAM

Đầu năm 1964, khi tôi đang là sinh viên Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và chưa đầy 20 tuổi, thì tôi bắt đầu cộng tác với tuần báo Tinh Hoa trong vai trò Thư Ký Tòa Soạn, với Chủ Nhiệm là nhà văn Nguyễn Thạch Kiên. Hàng tuần tôi đều gặp nhà văn và Quản lý Trần Văn Phương ở tòa soạn Tinh Hoa, dạo ấy đặt tại nhà in Chấn Hưng trên đường Lê văn Duyệt. Vào mùa xuân năm 1965, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đã giới thiệu tôi với thi sĩ Đinh Hùng mà tôi hằng mến mộ qua thi tập "Đường Vào Tình Sử", hồi đó thi sĩ đang phụ trách chương trình "Thi Văn Tao Đàn" của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Sau này, tôi lại có dịp quen thân người phụ trách chương trình thi ca "Mây Tần" cũng trên Đài Sài Gòn là thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, khi nhà Hương Việt xuất bản thi tập đầu tay "Tình Ca Lính Alpha Đỏ" của tôi vào năm 1968.

Thi sĩ Đinh Hùng có vóc dáng nho nhã, tóc chải vuốt dài về phía gáy, ăn nói nhỏ nhẻ, kể chuyện thật duyên dáng và dí dỏm. Tôi nhớ một buổi chiều trong một quán giải khát gần vướn hoa Tao Đàn đường Hồng Thập Tự (Sài Gòn), thi sĩ Đinh Hùng đã kể cho tôi nghe về một số thi nhân thời tiền chiến (trước năm 1945). Ông nhắc đến hai bài thơ của nhà thơ Huyền Kiêu là Tình Sầu và Tương Biệt Dạ. Rồi ông ngâm nho nhỏ:


Tình Sầu


Xuân hồng có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa thắm cài đầu,

Đi đuổi bướm vàng ngoài nội.


Hạ đỏ có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi khăn trắng quàng đầu

Đi giặt tơ vàng bên suối.


Thu biếc có chàng đến hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi tóc xõa ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi.


Đông xám có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong lòng mộ tối.


Câu cuối bài thơ, Đinh Hùng ngâm rất khẽ và nhẹ, lê thê buồn. Ông nói:

- Mỗi bài thơ là mỗi tâm sự của người nghệ sĩ. Như bài Tương Biệt Dạ dưới đây, Huyền Kiêu sáng tác nơi vườn trăng bên Hồ Tây "đầy hình ảnh Khái Hưng và Nhất Linh" đấy!


Tôi thật ngạc nhiên. Nhưng Đinh Hùng đã giải tỏa cho tôi hết nỗi ngạc nhiên. Ông kể:


Huyền Kiêu vốn là bạn thân thuở nhỏ của Đinh Hùng, ở Hà Nội ... Là hàng xóm, gần nhà Thạch Lam nơi phường Trúc Bạch, tôi thường ghé thăm Thạch Lam, bàn chuyện thơ văn rất lấy làm tương đắc. Và rồi tôi dẫn Huyền Kiêu lại giới thiệu: "Huyền Kiêu, một nhà thơ rất có triển vọng! Tên thực anh ta là Bùi Kiều. KIÊU HUYỀN KIỀU! Huyền Kiêu, giản dị vậy!"


Thạch Lam cười xòa, vui vẻ dẫn hai bạn ... thơ vào thư phòng trò chuyện. Nơi cư trú của gia đình nhà văn Thạch Lam, trong Tự Lực Văn Đoàn, là một ngôi nhà tranh đặc biệt, cất theo kiểu Nhà Ánh Sáng, do phong trào Nhà Ánh Sáng mà báo Ngày Nay phát động từ mấy năm trước. Có phòng khách, phòng ngủ, với đầu đủ tiện nghi ...Tuy là nhà lợp tranh, vách bằng đất bùn nhồi rơm, láng xi măng, quét vôi sáng sủa, ngôi nhà trông thật bề thế vì vẻ cao ráo, thoáng mát của nó. Nhất là ở cạnh Hồ Tây quanh năm thoáng mát. Có vườn hoa trồng đủ cây cảnh lạ, đẹp. Một thú chơi tao nhã của tác giả "Hà Nội Băm Sáu Phố Phường"...


Một bữa vào cuối hè sang thu, Thạch Lam nhắn chúng tôi (vẫn lời Đinh Hùng) đến nhà anh dùng bữa cơm tối. Theo thông lệ, chúng tôi đến sớm, ngồi nơi vườn hoa, ngắm cảnh chiều tà trên gương hồ bát ngát ... "gió rung trăng". Thật thế đấy, nhằm đầu tháng ta, trăng mọc sớm, lơ lửng dưới làn nước trong; từng cơn gió nhẹ lướt mặt hồ, rung động ...


Thạch Lam cười vui:

- Huyền Kiêu làm thơ đi! Nếu cần, tớ gà cho.


Tôi chẳng mấy ngạc nhiên, vì đã hơn lần được nghe Thạch Lam nói chuyện về Thơ, phẩm bình về các trường phái Thơ ...

 

Tuy nhiên Huyền Kiêu vốn khiêm tốn, chỉ ậm ừ, cười bảo:

- Để lát nữa. Có lẽ sau bữa cơm tối nay, trong lúc tửu hậu trà dư ... chúng mình thơ thẩn ...

- Được lắm!


Đúng lúc, có tiếng chị Thạch Lam gọi. Và Khái Hưng, Nhất Linh ở đâu tới, cũng ào ra vườn. Một lát lại có cả Thế Lữ nữa.


Chủ nhà nhìn mọi người, khắp lượt, bảo:

- Quần hùng tề tựu gần đủ. Thôi mời quý vị vào dùng bữa, kẻo nguội cả.

Vào nhà thì đã thấy Nguyễn Tường Bách ở đấy từ bao giờ...


Cơm xong, chuyện vãn khá lâu. Mãi khuya đêm Nhất Linh mới bảo, vẻ thật trịnh trọng: "Lát nữa tôi sẽ phải rời xa các anh em, nên có thể đây là một đêm họp mặt để tạm biệt. Chuyến hành trình này sẽ không lâu đâu. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Bây giờ chúng ta có thể chia tay nhau được rồi. Riêng tôi, tôi còn có điều nói riêng với anh Khái Hưng, vậy các bạn ra vườn chơi, hoặc đi ngủ. Thành thật cảm ơn tất cả..."


Tôi nhớ đại ý thế, vì đã quá lâu ngày. Mọi người đều buồn nhưng không ai lên tiếng - không có can đảm lên tiếng hỏi, vì đều biết Nhất Linh là người hoạt động cách mạng. Đã đến lúc phải "mạnh tay" với thực dân Pháp, chứ không còn ở giai đoạn làm văn hóa để nâng cao dân trí người mình nữa ...


Ba đứa tôi cùng kéo nhau ra vườn, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi. Có lẽ Thế Lữ đã về nhà gần đấy. Quanh quẩn vẫn chỉ có Huyền Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi. Và Thạch Lam, lại chính là Thạch Lam, khơi mào sau khi đã nghĩ lung:

- Thơ ... ra rồi! Này, hãy nghe đây! và anh đặng hắng, ngâm:

"Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề ..."


Đấy câu mở đầu đấy! Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!


Huyền Kiêu và tôi ngơ ngác. Tôi không rõ vì sao bữa nay Thạch Lam lại nhiều ... thi hứng đến thế.


- Được! Huyền Kiêu nói. "Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề ..." Ờ, được đấy. Và anh ngẫm nghĩ. Câu mở của Thạch Lam thật tuyệt. Nó gợi ý cho tôi về một cái gì có thể gọi là ..."cổ kính". Một đêm tiễn đưa nhau chẳng hạn. Hệt đôi bạn Khái Hưng và Nhất Linh trong đêm khuya nay ... trước giờ ly biệt.


- A, khá! Thạch Lam cười. Anh nắm bắt được ý thơ rồi đấy. Vậy cứ thế mà tiếp nối. Tôi vào nhà đem trà nóng ra đây nhá. Nhân thể coi xem họ ra sao?



Tranh Khái Hưng & Thơ Huyền Kiêu
 (Văn Hóa Ngày Nay tập 5, trang 85)

Một lát sau Thạch Lam đem bình trà và tách ra, bảo:

- Anh ba tôi và Khái Hưng im lìm ngồi trong thư phòng. Cả hai đều không nói năng gì cả. Phòng không đèn đóm nên bóng tối chan hòa. Ánh trăng mờ tỏ ... Có con mèo tam thể tôi nuôi quyện dưới ghế Nhất Linh ngồi. Bên cửa sổ sát vách tường, bức liễn trúc treo rung động dường như cảm thông cho đôi bạn đang nhấp chén rượu suông trong phút giờ sắp ly biệt ...


Tôi chợt lên tiếng:

- Buồn thật. Mà cổ nhân cũng đã từng than: "Ôi! biệt ly sao mà buồn thế!" thật là chí lý.


Chúng tôi uống trà. Trăng vừa lặn. Gà rền tiếng gáy phía xa. Sao dần rơi ... dần rơi và tôi chợt thấy lành lạnh.


Vẫn không thấy chút động tĩnh gì nơi Khái Hưng và Nhất Linh ở trên nhà. Tôi cảm nghĩ trong giờ phút thiêng liêng ấy, ta không nên vọng động. Cũng đừng hỏi han gì cả. Trời sắp sáng rồi.


Và quả thật, ở bên Hồ Tây bữa ấy, trong sân nhà Thạch Lam, ba đứa chúng tôi đều rất dè dặt, hạn chế từng câu nói, tiếng cười. Trong khi ấy Huyền Kiêu thầm lặng "làm việc": suy tư về ý thơ và ý nghĩa của sự chia tay của đôi bạn văn Tự Lực Văn Đoàn.


Chợt Huyền Kiêu nói:

- Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ nhan đề "Tương Biệt Dạ". Hay, dở tùy nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi dục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký, bất kể trời vừa sập tối lại vì trăng đã chẳng còn.


Dưới đây là bài thơ Tương Biệt Dạ đầy hình ảnh Khái Hưng và Nhất Linh, với bối cảnh thư phòng nhà Thạch Lam, đã được chính Thạch Lam mở đầu và do Huyền Kiêu sáng tác. Tình bạn thơ - văn giữa chúng tôi thắm thiết là thế đó.


Tương Biệt Dạ


Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề

Ý sầu lên vút tới sao Khuê

Quý thay giây phút gần tương biệt

Lưu luyến người đi với kẻ về.


Ngồi suốt đêm trường không nói năng

Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng giăng

Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ

Có giống như mình lưu luyến chăng?


Đã tắt lò hương lạnh phím đàn

Thư phòng sắp sẵn để cô đơn

Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng

Một giải sương theo vạn dặm buốn


Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau

Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu

Giăng mùa Xuân đó, ai tâm sự?

Anh đã xa rồi, anh biết đâu?


Bài "Tương Biệt Dạ" của Huyền Kiêu, sáng tác vào chớm thu năm Canh Thìn - 1940, chỉ mấy tháng sau là bước sang năm Tân Tỵ - 1941, được nhà xuất bản Đời Nay tuyển chọn trong Giai Phẩm Đời Nay, Xuân 1941 cùng với bài thơ "Khúc Ca Man Dại" của tôi (Đinh Hùng).


Đấy chính thực là một Giai Phẩm, mở đầu cho những tuyển tập Văn Nghệ mang danh Giai Phẩm những thập niên sau này. Bởi tuyển tập Văn Nghệ của Đời Nay quy tụ được rất nhiều văn nghệ sĩ nổi danh như Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Trần Tiêu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tường Bách, các họa sĩ Tô Ngọc vân, Nguyễn Gia Trí, v.v... và rất nhiều nghệ sĩ khác.


Riêng bài "Tương Biệt Dạ" còn có tranh minh họa của Đông Sơn (tức Nhất Linh). Không rõ Nhất Linh vẽ lúc nào trong đêm tương biệt ấy? Chỉ biết khi hoàn thành bài "Tương Biệt Dạ", vào nhà thì Nhất Linh đã lên đường từ lúc nào rồi ...


(Trên đây là vài hàng ký ức mà tôi viết lại theo lời kể của cố thi sĩ Đinh Hùng 32 năm về trước, nhân dịp tưởng niệm cố văn hào Khái Hưng đã bỏ chúng ta ra đi về bên kia thế giới, cách đây nửa thế kỷ).


(Cao Nguyên Tình Xanh Washington tháng 10/1997)

Quốc Nam

Khái Hưng - Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối Cùng
Nguyễn Thạch Kiên thực hiện tại California, 1997