30-10-2019 | VĂN HỌC

Tìm Hiểu Độc Giả Mỹ

  HUY NGUYỄN

Một trong những mối quan tâm của nhiều bố mẹ Việt Nam và những người làm văn hóa là làm sao để cho con em của mình biết được nguồn gốc và duy trì văn hóa Việt Nam mặc dù họ được sinh trưởng trên đất Mỹ. Đối với thế hệ thứ hai được sinh ra ở Mỹ, Việt Nam là một nước xa lạ. Họ chỉ biết nơi mà họ đang sinh sống, do đó nước Mỹ mới chính là quê hương của họ. Tôi muốn thử đặt một câu hỏi người Mỹ nghĩ gì khi họ đọc các tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt mang những đề tài liên quan đến những người Việt Nam tị nạn? Qua thái độ của những người Mỹ bản xứ, tôi có thể suy luận ra thái độ của những người Mỹ gốc Việt khác vì họ cũng sẽ có những suy nghĩ giống người bản xứ.


Cách dễ dàng nhất mà tôi có thể dùng để thăm dò phản ứng của độc giả Mỹ là xem những phê bình mà họ viết ở trên trang mạng của Amazon. Đây là một cách thăm dò không có tính chất khoa học vì mình chỉ biết được quan điểm của những người chịu khó viết phê bình. Thêm nữa những người phê bình này không đồng dạng vì có thể họ chỉ đọc và phê bình một cuốn sách thôi nên không thể so sánh sự phê bình của họ với một cuốn sách khác. Tuy nhiên đây chỉ là một thăm dò không chính thức để hiểu biết thêm về quan niệm của độc giả Mỹ và tiện thể xin giới thiệu ba tác phẩm bằng Anh-ngữ có đề tài liên quan đến người tị nạn Việt Nam.


Một cách quảng cáo và thu hút khách hàng là đánh giá hoặc phê bình, cho điểm các dịch vụ hoặc sản phẩm. Khi đi ăn ở một nhà hàng nào thì đa số mọi người dùng dịch vụ của trang mạng Yelp để xem các phê bình về nhà hàng đó. Họ muốn biết xem nhà hàng đó nấu đồ ăn có ngon không, phục vụ có tốt không. Khi mua đồ thì đa số các doanh nghiệp trên mạng nhất là công ty Amazon sẽ có mục đánh giá hoặc phê bình của khách hàng để mọi người tìm hiểu thêm về món hàng, từ phẩm chất cho đến phục vụ khách hàng của công ty sản xuất. Trong thời buổi này ít ai khi đi mua đồ hoặc dùng dịch vụ nào mà không tìm đọc các phê bình để cho có một chọn lựa tốt. Phong trào phê bình này được trở nên thịnh hành từ khi công ty Amazon khuyến khích các độc giả phê bình những tác phẩm được đăng bán trên trang mạng của công ty ngay từ lúc ban đầu khi Amazon mới chỉ có bán sách mà thôi. Sau này khi công ty bán thêm các sản phẩm khác, họ vẫn tiếp tục truyền thống đánh giá và cho điểm các sản phẩm này.


Nếu muốn biết phản ứng của độc giả về một cuốn sách, chúng ta hãy tìm đọc các phê bình ở trên trang mạng của Amazon. Nếu có càng nhiều phê bình thì có lẽ sách có nhiều người đọc và có ấn tượng hoặc phản ứng mạnh nên họ mới chịu khó viết phê bình để khen hoặc chê cuốn sách. Nhân tiện đọc ba tác phẩm của ba nhà văn Mỹ gốc Việt viết về cuộc sống của người tị nạn Việt Nam trên đất Mỹ, tôi muốn tìm hiểu phản ứng của các độc giả Mỹ qua những phê bình của họ trên mạng của Amazon. Những phê bình này khác với những lời khen hoặc điểm sách của những nhà văn, những nhà phê-bình-gia chuyên nghiệp. Tôi nghĩ nó thực tế hơn vì phản ảnh được tâm tình của độc giả. Có người khen, có người chê, tất cả tùy theo cách giải thích, phân tách của họ. Thí dụ cho dù một tác giả viết một tác phẩm thật giá trị nhưng nếu nó có một trình độ cao siêu hoặc khó hiểu thì độc giả trung bình sẽ không cảm nhận được thì sẽ không hiểu được giá trị của nó - vô tri bất mộ. Tôi không muốn chỉ đọc những lời khen hoặc giới thiệu sách hay những phân tách tỉ mỉ của những người viết chuyên nghiệp. Tôi muốn biết xem độc giả Mỹ bình nghĩ gì khi đọc những tác phẩm với đề tài cuộc sống của người tị nạn Việt Nam trên đất Mỹ. Những người Việt được đẻ ở Mỹ dù muốn hay không thì họ cũng là người Mỹ và suy nghĩ như người Mỹ. Do đó khi tìm hiểu phản ứng của độc giả Mỹ, tôi gián tiếp muốn tìm hiểu tâm lý của những người Việt thế hệ thứ hai này để có thể truyền đạt văn hóa Việt Nam đến với họ một cách hữu hiệu hơn.


Ba tác phẩm của ba nhà văn Mỹ gốc Việt được chọn để nghiên cứu trong bài này là “Stealing Buddha's Dinner” (Ăn Trộm Oản Phật) của Nguyễn Bích Minh, “Dragonfish” (Cá Rồng) của Trấn Vũ và “The Refugees” (Người Tị Nạn) của Nguyễn Thanh Việt. Ba tác phẩm này được chọn vì nó là ba thể loại văn khác nhau được bán ở trên Amazon, phổ biến rộng rãi, và đặc biệt là có nhiều người phê bình trên Amazon để tôi có tài liệu so sánh. Thông thường, thế hệ di dân thứ nhất là những người sinh trưởng ở Việt Nam và đến Mỹ khi đã trưởng thành. Thế hệ thứ hai là những người được sinh đẻ trên đất Mỹ. Như vậy cả ba tác giả thuộc về thế hệ di dân thứ một rưỡi (1.5) có nghĩa là họ tuy đẻ ở Việt Nam nhưng sinh trưởng ở Mỹ từ lúc còn bé. Cả ba đều dưới 50 tuổi nên có thể coi là những cây bút trẻ so với thế hệ thứ nhất.



“Stealing Buddha's Dinner” (Ăn Trộm Oản Phật) của Nguyễn Bích Minh được xuất bản năm 2007. Cô Bích Minh sinh năm 1974 tại Sài Gòn, rời Việt Nam vào năm 1975 và định cư tại tiểu bang Michigan. Đây là một cuốn hồi ký thời thơ ấu của cô tại thành phố Grand Rapids. Tựa đề của cuốn sách liên quan đến đồ ăn cúng Phật vì cô muốn dùng thực phẩm như một biểu tượng văn hóa. Đồ cúng Phật đây là những trái lê, trái đào mà bà Nội của cô Bích sau khi cúng cho Phật đã cắt ra cho cô ăn mỗi ngày. Cô Bích muốn kể câu chuyện lớn lên ở trên đất Mỹ trong hai văn hóa Việt và Mỹ. Ở nhà, bà Nội cho cô ăn đồ ăn Việt Nam tượng trưng cho văn hóa Việt Nam. Nhưng cô thèm những thức ăn Mỹ nhất là những thức ăn vặt mà con nít Mỹ khoái như khoai tây chiên (potato chips). Người Mỹ họ cho rằng cô Bích Minh muốn cách hòa nhập vào xã hội Mỹ qua việc cô thích ăn các thứ đồ ăn vặt Mỹ (junk foods) vì những thức ăn này tượng trưng cho văn hóa Mỹ. Vì cái nhìn hạn hẹp này, độc giả người Mỹ chỉ thấy câu truyện của một cô gái trẻ sống trong một gia đình Việt Nam nhưng mơ ước được sống như một cô gái Mỹ qua những thèm muốn của cô ta từ những món ăn vặt Mỹ cho đến con trai Mỹ.


Cho đến Tháng Sáu năm 2019, có 61 phê bình dành cho cuốn sách này. Số điểm trung bình là 3.6 trên 5 sao. Có 33% độc giả cho năm sao và 38% độc giả cho bốn sao. Như vậy là hơn hai phần ba độc giả có cảm tưởng tốt về tác phẩm này, còn một phần ba còn lại không thích nó. Họ cho là nó nhàm chán hoặc không sâu sắc. Một số độc giả bị bắt buộc đọc vì tác phẩm này được chọn dùng trong chương trình dạy văn chương ở đại học cũng như các hội đọc sách. Một số còn lại đọc vì tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống của người di dân qua con mắt của một cô gái trẻ. Do đó câu chuyện của một cô gái trẻ ngoại quốc thích được giống như một người bản xứ, thích đồ ăn Mỹ không có gì là hấp dẫn đối với họ. Một số khác chọn cuốn sách này vì họ ở thành phố Grand Rapids nên họ muốn đọc xem cô Bích viết gì về thành phố của mình. Đây là số người có cho nhiều sao vì họ nhận ra được những địa danh, doanh nghiệp ở quanh vùng Grand Rapids mà cô Bích viết ở trong sách. Họ coi cô Bích như là một người giống như họ. Nhưng họ không nhận ra được những cảnh mà cô Bích tả căn nhà của Cô ở Sài Gòn hoặc những cảnh trong trại tị nạn ở đảo Guam và Fort Chaffee.


Trong lúc loạn lạc tìm đường chạy trốn vào những ngày cuối cùng tháng Tư năm 1975, bố cô đã bỏ lại mẹ cô vì lúc đó bà ta đang đi thăm mẹ và không có ở nhà. Khi đến Mỹ, cô ở với Bố, hai người chú, và bà Nội. Bố cô kết hôn với một người đàn bà người Mễ tên là Rosa. Rosa là con cả trong một gia đình làm mướn cho những người chủ ruộng. Gia đình bà đi theo công việc thu hoạch hoa quả từ Texas đến Michigan và ở luôn tại đây. Tuy xuất phát từ một gia đình đông con, nghèo và không có học thức, bà Rosa đã cố gắng theo đuổi việc học và tốt nghiệp bằng cử nhân. Cô Bích cũng kể những cản trở ngôn ngữ trong những hôn nhân khác biệt chủng tộc thí dụ như khi gia đình bà đến họp mặt với những gia đình Việt Nam khác thì bà Rosa không có ai để nói chuyện và thường thì chỉ đúng một mình trong khi chồng của mình ăn nhậu với bạn bè. Ngược lại khi họ đi ăn bên gia đình bà Rosa thì ông chồng cảm thấy lẻ loi và không có ai để trò chuyện. Chuyện tình cảm giữa hai vợ chồng càng ngày càng lạnh nhạt và có nhiều xung đột. Tuy bà không nói ra nhưng tôi đoán có lẽ bố của bà còn mang nặng tình thần chồng chúa vợ tôi của một người đàn ông Việt Nam hoặc có nhiều mặc cảm vì bà Rosa học hành đỗ đạt hơn mình.


Một điều nữa mà không độc giả nào nhắc đến trong các phê bình của họ là vai trò của bà Rosa trong gia đình Việt Nam này. Bà Rosa này tuy là một người Mễ nhưng chắc bà có máu Việt Nam ở trong người. Chẳng những bà lấy một người chồng Việt Nam, thương yêu cô Bích như con ruột của mình mặc dù cô Bích cứng đầu, hay cãi lại bà như những cô gái tuổi vị thành niên khác. Bà có một người con trai mang hai dòng máu với chồng. Thêm vào đó bà còn bảo lãnh thêm bốn trẻ em độc thân từ trại tị nạn về nuôi mặc dù không có sự hỗ trợ nào từ chính ông chồng người Việt của mình. Các độc giả Mỹ không cảm nhận được lòng cao cả của bà Rosa. Chỉ có những người tị nạn Việt Nam mới hiểu được tình bác ái thương người của bà Rosa đối với những trẻ em đang thiếu tình thương ở các trại tị nạn.


Câu chuyện của bà Rosa cũng giống như câu chuyện của người tị nạn. Họ phải đối phó với những khó khăn, kỳ thị trong xã hội khi họ là những người thiểu số, đúng ở ngoài cuộc và phải phấn đấu để hội nhập và được chấp nhận. Nhưng có lẽ đa số các độc giả không cảm nhận được điều này vì bà Rosa là người Mễ chứ không phải là một người tị nạn Việt Nam.



Trần Hoàng Vũ sinh năm 1975 tại Sài Gòn. Năm 1980, ông, mẹ và một người chị lớn hơn hai tuổi đi vượt biên. Sau năm ngày lênh đênh trên biển cả, họ đã đến được Mã Lai và ở trong trại tị nạn Pulau Bidong. Ông được người bố đến trước từ năm 1975 bảo lãnh và định cư ở tiểu bang Oklahoma. Tác phẩm đầu tay của ông là “Dragonfish” (Cá Rồng) được xuất bản vào năm 2015. Tuy xuất bản sau tác phẩm của cô Bích Minh khoảng tám năm nhưng sách của ông có đến 116 phê bình với số điểm trung bình là 3.5 trên 5 sao. Có 29% độc giả cho năm sao và 27% độc giả cho bốn sao.


Truyện của Trần Vũ không dùng thể loại hồi ký giống như Bích Minh mà là một loại tiểu thuyết trinh thám với nhiều hồi hộp và gay cấn. Thú thật tôi đọc say mê vì lối hành văn hấp dẫn của Trần Vũ. Như vậy tại sao truyện của Trần Vũ không được độc giả Mỹ cho nhiều phê bình cao hơn truyện của Bích Minh? Vì truyện của Bích Minh mang sắc thái chủng tộc bởi vì câu truyện được kể do một cô gái Việt Nam còn truyện của Trần Vũ được kể bởi một anh cảnh sát người Mỹ trắng nên không còn mang tính cách chủng tộc Việt Nam.


Khi dùng quan điểm của một anh Mỹ trắng, Trần Vũ muốn sách của mình giống như văn chương bản xứ và vì vậy anh phải đối phó với nhiều cạnh tranh hơn bởi vì có rất nhiều tác giả Mỹ nổi tiếng viết thể loại truyện trinh thám, bí ẩn này. Làm sao truyện của anh Trần Vũ có thể tạo nên tiếng vang giữa một rừng tác phẩm đã đầy rẫy những loại truyện trinh thám, bí ẩn? Có lẽ vì muốn vượt ra khỏi ngoài những bản mẫu rập khuôn là tác giả Việt Nam thì chỉ có thể viết theo quan điểm của người Việt Nam chứ không thể nào có cái nhìn của người Mỹ trắng nên anh Trần Vũ gặp những phê bình khắt khe của độc giả. Họ so sánh tác phẩm của anh với những truyện trinh thám khác mà không xét đến việc anh dùng câu chuyện người tị nạn Việt Nam để khai phá thêm về vấn đề người tị nạn ở Mỹ. Là độc giả người Việt Nam, tôi rất phục anh Trần Vũ là tuy viết truyện qua con mắt của một anh Mỹ trắng nhưng tác giả đã kể rất nhiều về cuộc sống tị nạn của người Việt Nam không thua gì Bích Minh mặc dù nó được ngụy trang qua cái nhìn của một anh Mỹ trắng.


Ở trong truyện, anh ta tả cảnh người tị nạn câu cá ở ghềnh đá trên đảo, đây có lẽ là từ kinh nghiệm cá nhân khi anh ở trong trại tị nạn Pulau Bidong vào năm 1980 mặc dù lúc đó anh chỉ mới có năm tuổi. Chỉ những người đi vượt biên đã từng ở trại tị nạn mới có thể hình dung ra hình ảnh này.


Anh còn viết về những tập quán của người Việt Nam khi sống ở Mỹ kể cả nghề chính của người Việt Nam ở thành phố Las Vegas là làm nghề chia bài tại các sòng bạc. Khi đọc những lời phê bình của độc giả Mỹ thì họ không chú ý đến những chi tiết này mà chỉ chú trọng đến diễn tiến xảy ra trong hiện tại ở Mỹ. Đối với họ, đây là một câu truyện trinh thám có liên quan đến những nhân vật Việt Nam thay vì một câu chuyện về cuộc sống của những người tị nạn Việt Nam. Thí dụ, nhân vật nữ chính ở trong truyện bị nhiều ám ảnh về chuyện đi vượt biên trong quá khứ nên có những hành động khó hiểu. Đối với người Mỹ, họ có thể hiểu theo lối của họ đó là những triệu chứng của hậu chấn thương tâm lý (posttraumatic stress disorder - PTSD) mà những người lính Mỹ hay mắc phải khi tác chiến. Căn bệnh này được biết đến từ cuộc chiến ở Việt Nam cho đến những chiến dịch quân sự tại Trung Đông. Cái danh từ PTSD đã trở nên quen thuộc với người Mỹ và những ai đã trải qua những cú sốc quá mạnh trong dĩ vãng thì coi như là mắc bệnh PTSD. Họ không bị quan hóa vấn đề mà chỉ coi nó như là một căn bệnh và cần được chữa trị như những căn bệnh tâm thần khác. Chỉ có những người mất con vì bệnh tật hoặc tai nạn mới có thể hiểu được nỗi đau khổ của người mẹ khi mất con trên đường vượt biên.



“The Refugees” (Người Tị Nạn) của Nguyễn Thanh Việt là một tập truyện gồm tám truyện ngắn. Cuốn sách được xuất bản vào năm 2017 tức là một năm sau khi cuốn “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên) của ông ta đoạt giải Pulitzer dành cho văn chương. Tuy là được xuất bản sau nhưng đây có thể nói là một tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Thanh Việt viết trong 20 năm từ khi anh bắt đầu khởi sự sáng tác. Có một số truyện ngắn ở trong sách đã được đăng kể từ năm 2007 - 2011.


Truyện ngắn đầu tiên ở trong cuốn sách được đăng năm 2007 và nhân vật chính là hai mẹ con trong một gia đình có người con trai bị hải tặc Thái Lan giết chết khi chống cự không cho người em gái của mình bị hãm hiếp. Nhưng kết cục, chúng nó vẫn hiếp cô em gái còn là vị thành niên sau khi vứt xác của anh ta xuống biển. Câu chuyện đau thương như vậy, thử xem phản ứng của độc giả người Mỹ như thế nào?


Tiểu sử của Nguyễn Thanh Việt được đề cập chi tiết trong bài “Ba Nhà Văn Mỹ Gốc Việt” đăng trên báo Văn Hóa Việt Nam số 84 Mùa Xuân 2019 nên sẽ không cần nhắc lại ở đây. Tên tuổi của anh nổi như cồn trong giới văn chương Mỹ từ khi anh thắng giải Pulitzer vào năm 2016.


Cuốn sách “The Sympathizer” có 2084 phê bình ở trên Amazon với số điểm trung bình là 4.1 trên 5 sao. Có 54% độc giả cho năm sao và 22% độc giả cho bốn sao. Vậy thì cuốn sách tiếp theo có được độc giả đón xem hay không? Cuốn sách “The Refugees” có 173 phê bình ở trên Amazon với số điểm trung bình là 4.4 trên 5 sao. Có 64% độc giả cho năm sao và 24% độc giả cho bốn sao. Điều này cho thấy so với hai tác phẩm của Nguyễn Bích Minh và Trần Hoàng Vũ thì sách của Nguyễn Thanh Việt được độc giả Mỹ ưa chuộng hơn hết.


Tám truyện ngắn trong tập truyện “The Refugees” của Nguyễn Thanh Việt trải dài một khoảng cách rộng lớn, từ truyện ngắn đầu liên quan đến một người con gái bị hải tặc hiếp cho đến chuyện cuối cùng là một cô gái ở Việt Nam mong được định cư ở Mỹ. Xen vào đó là những câu chuyện về cuộc sống ở Mỹ với nhiều nhân vật và đề tài khác nhau như một người tị nạn được bảo lãnh bởi hai người đàn ông đồng tính luyến ái cho đến một cựu phi công Mỹ trở lại Việt Nam thăm một người con gái đang dạy học ở đó. Tất cả các câu chuyện với cốt ý là để diễn tả tâm trạng của người tị nạn. Chỉ có 12% độc giả là cho điểm thấp, còn lại 88% độc giả khen Nguyễn Thanh Việt viết văn hay, tư tưởng sâu sắc, lột trần ra được sự thật. Một số người còn so sánh ông với những đại văn hào thế giới.


Nếu viết để cho người Mỹ hiểu được được tâm trạng của người tị nạn thì có lẽ Nguyễn Thanh Việt là thành công nhất qua những lời khen của độc giả Mỹ. Riêng cá nhân tôi, tôi chỉ tội nghiệp cho những nhà văn Việt Nam đã viết những câu chuyện của người tị nạn Việt Nam rất hay nhưng không được người Mỹ biết đến bởi vì tác phẩm của họ không được viết bằng tiếng Anh.


Nguyễn Thanh Việt nhận xét rằng các tác giả người Mỹ gốc Việt sau này là được huấn luyện trong các chương trình văn chương mà người Mỹ gọi là xưởng cho người viết (writers workshop) nên họ theo khuôn khổ giống nhau bởi vì được ra lò từ những xưởng viết. Tôi cũng nhận thấy điều này khác với những người viết tiên phong như bà Phùng Thị Lệ Lý Hayslip vì không được đào tạo trong trường lớp về văn chương. Do đó trong số Văn Hóa Việt Nam kế tiếp, tôi sẽ viết về hai tác phẩm bằng Anh-ngữ của bà Lệ Lý Hayslip. Cuốn đầu tiên của bà được xuất bản năm 1989 khi cả ba Bích Minh, Hoàng Vũ và Thanh Việt còn đang học ở trung học. Cuốn sách này được nhà đạo diễn Oliver Stone mua bản quyền và quay thành phim “Heaven & Earth” và trình chiếu năm 1993.


Nguyễn Bích Minh có bằng cao học văn chương. Trần Hoàng Vũ và Nguyễn Thanh Việt đều có bằng tiến sĩ văn chương. Cả ba người đều là giáo sư giảng dạy văn chương ở các trường đại học lớn ở Mỹ. Họ là những người chuyên nghiệp về văn chương Mỹ khác với đa số người viết thế hệ thứ nhất khi đến Mỹ còn phải lo kiếm sinh nhai với hai bàn tay trắng.


Sự xuất hiện của những cây bút Mỹ gốc Việt với kiến thức văn chương cao là một điều đáng mừng. Tuy nhiên số lượng người đọc gốc Việt vẫn còn hiếm hoặc rất ít người viết phê bình trên Amazon nên tôi phải gián tiếp dùng phê bình của người Mỹ để suy ra tâm lý chung của người đọc. Vì được đào tạo từ trường lớp, kỹ thuật viết văn của họ rất cao và được người đọc khen ngợi. Nhưng có lẽ ngoài sự thành công của Nguyễn Thanh Việt, các tác phẩm của họ vẫn chưa truyền đạt được tâm tình của người tị nạn Việt Nam, những u uẩn, mất mát, đau buồn mà người tị nạn phải cam chịu đến với các độc giả Mỹ. Qua những phê bình của người đọc, họ chỉ khen bề ngoài và không thấy sự rung động ở trong đó.


Tôi cho một thí dụ, một cuốn sách của một cô gái trẻ người Rwanda thuộc chủng tộc Tutsi viết về cuộc thảm sát người Tutsi vào năm 1994 mang tựa đề “A Voice in the Darkness” (Một Tiếng Gọi Trong Bóng Tối) có 39 phê bình và 5 sao. Không có một người nào đọc mà không xúc động và có thể cho điểm thấp. Tôi nghĩ rằng hay có lẽ vì người Mỹ chưa từng trải qua những kinh nghiệm của người tị nạn Việt Nam nên họ sẽ không bao giờ cảm thông được hoặc họ tìm cách không muốn nhìn thấy sự thật vì Việt Nam là chuyện mà họ muốn quên đi? Liệu những người gốc Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở Mỹ sẽ có những cái nhìn cảm thông hơn về những câu chuyện của người di dân Việt Nam hay họ cũng mang cùng một não trạng giống như những độc giả Mỹ hiện bây giờ? Tuy nhiên đây chỉ là nhận xét của riêng cá nhân tôi.


Tôi nghĩ muốn cho con em của mình biết được nguồn gốc và duy trì văn hóa Việt Nam vẫn còn cần nhiều nghiên cứu, thảo luận và trao đổi ý kiến để tìm những phương pháp thích hợp gây ấn tượng và lòng yêu mến văn hóa Việt Nam nơi những người không sinh trưởng tại Việt Nam để khuyến khích họ tìm về nguồn gốc.


Houston

Ngày 18 tháng 6 năm 2019.

---------

Tài liệu tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Bich_Minh_Nguyen

https://www.vutranwriter.com/bio-2/

https://www.npr.org/2017/02/09/512910786/memory-and-loss-haunt-thestories-in-the-refugees


Huy Nguyễn

Nguồn: Văn Hóa Việt Nam số 86, Mùa Thu 2019