03-12-2010 | VĂN HỌC

Hồ Hữu Tường (1910 - 1980)

  THỤY KHUÊ


 Chân dung Hồ Hữu Tường
 họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ

Hồ Hữu Tường, chính trị gia, nhà văn, nhà báo và là một nhân vật kỳ lạ, sống 70 năm trong thế kỷ XX, trả nhiều vòng tù tội dưới tất cả các chính quyền: thực dân, quốc gia và cộng sản. Tác phẩm của ông phản ảnh tính chất nổi loạn trong con người, một con người vừa trào lộng vừa bị đát suốt đời đi tìm phương cách giải phóng dân tộc ra khỏi mọi hình thức quản tri giáo điều: từ bị trị đến hủ tục, từ độc tôn đến độc tài, nhưng cũng suốt đời "thất bại" trong việc "chống lại định mệnh," cho đến phút chót vẫn muốn "cưỡng lại số trời" mà không được. Có lẽ ở bên kia thế giới, Hồ vẫn tiếp tục con đường thiên lý của một Phi Lạc đã đại náo trần gian: Tây, Tàu, Nga, Mỹ và giờ đây, xưống âm ty đại náo địa ngục.


Cuộc đời tranh đấu trên hai mặt trận chính tri và văn hóa của Hồ Hữu Tường đầy tính cách tiểu thuyết chiêu hồi như một truyện Tàu, nhưng cũng lại gắn bó sâu xa với định mệnh bát nháo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Hồ Hữu Tường luôn luôn giữ hai vai: một Tôn Ngộ Không nổi loạn trong Tây Du Ký và một quân sư du thuyết trong Tam Quốc Chí, khi Khổng Minh, Lỗ Túc, lúc là thằng mõ Cổ Nhuế, thằng mõ Phù Ninh....


Hành động của nhà chính trị Hồ Hữu Tường và những người cùng thời biến thành những thế võ tiếu lâm, hài hước trong tiểu thuyết, hồi ký của nhà văn. Hồ Hữu Tường là tác giả hiếm hoi, trong một xã hội đầy nghi thức, đã hóa giải những trịnh trọng của chính trị thành chuyện giễu để hóm hỉnh chọc cười và đó là một trong những lý do khiến không chế độ nào "dung" Hồ Hữu Tường. Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất vẫn là những gì Hồ Hữu Tường thuyết minh trong tác phẩm toát ra một chủ nghĩa dân tộc độc đáo, lấy văn hóa dân tộc làm phương châm và mục đích cấu thành. Hồ Hữu Tường suốt đời biện hộ cho một Việt Nam trung lập chế, chống chiến tranh. Hồ dùng văn hóa thay súng ống để giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh tối tăm nô lệ. Tranh đấu chống thực dân bắng ngòi bút của nhà báo, bằng tổ chức thợ thuyền tổng đình công, muốn đánh đuổi hai chữ "căm hờn" mà ông gọi là ác quỷ ra khỏi tâm hồn người Việt.


Con đường ông đi không có nhiều đồng hành, bởi tiếng kêu gọi của ông chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc, không ai nghe và cũng ít người hiểu. Một con người như thế, từ đâu đến và những lý do nào đã thúc đẩy ông có một nghị lực khác thường triền miên trong hành động đấu tranh cũng như trong ngòi bút?


Hồ Hữu Tường xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ phải làm tá điền cho người cậu là điền chủ, hội đồng. Tại nhà cậu, sáu tuổi đã đọc Nam Phong. Đọc đâu nhớ đấy. Cha đặt cho cái tên là thằng Thuộc vì đọc gì cũng thuộc. Bị Nam Phong "đầu độc," gieo và đầu chất "tân hủ nho" từ nhỏ, sau phải nhờ Phan văn Hùm "gột rửa." Lớn hơn chút nữa, đọc và chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của Đông Pháp Thời Báo. Tại trung học Cần Thơ, Hồ Hữu Tường và các bạn tổ chức tờ báo "trường" đầu tiên. Báo tiếng Việt, nhưng Hồ viết bài tham luận bằng tiếng Pháp để "cho Tây nó đọc," ký tên Pierre Vutren, Vutren là chữ nói lái của Ventru, dịch từ biệt hiệu Tường Bụng (Tương bụng to). Ký tên như thế là "lậy ông tôi ở bụi này," thêm việc tổ chức bãi khóa nhân vụ xử Nguyễn An Ninh, cả nhóm bị đuổi.


Lúc ấy mới 16 tuổi, gia đình cho Hồ Hữu Tưởng sang Pháp du học, năm 1926. Tại Pháp, kết bạn với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, vào đảng Đệ Tứ Quốc Tè. Bốn năm sau, 1930, Hồ Hữu Tường ở Lyon đang chuẩn bị thi thạc sĩ toán học thì được tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị xử tử; Hồ bỏ học, lên Paris, liên lạc với Phan Văm Hùm. Ta Thu Thâu, làm báo bí mật lấy tên là Tiền Quân. Báo chưa ra thì ban biên tập bi bắt vì tổ chức những cuộc biểu tình, đặc biệt là biểu tình trước điện Elysée, cả bọn bị trục xuất về Việt Nam, trừ Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường trốn thoát, chạy sang Bỉ, liên lạc với nhóm cách mạng cộng sản ở Bỉ, rồi trở lại Paris tiếp tục làm tờ Tiền Quân trong năm tháng trước khi về nước hoạt động chính trị.


Từ 1931 đến 1939, Hồ Hữu Tường làm lý thuyết gia cho nhóm Đệ Tứ ở Việt Nam, đồng thời dạy học để sinh sống và điều khiển các tờ báo bí mật như tờ Tháng Mười, từ 1931 đến 1932, tờ Thường Trực Cách Mạng từ 1934 đến 1937, tờ Quần Chúng từ 1937 đến 1938. Hoặc các tờ báo công khai như Le militant năm 1936, tờ Tháng Mười năm 1938, tờ Tia Sáng năm 1939 và tham gia tờ La lutte của Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu.


Tháng 11 năm 1932, Hồ Hữu Tường bi Pháp bắt lần đầu, giam sáu tháng. Ngày 1/5/1933 ra tòa bị xừ án treo ba năm. Trong thời gian bị giam giữ, ông xuất bản nhật báo "nhẩm" Thiên Thu. Thiên Thu là "cứu cánh" của tạp chí Tháng Mười sau này. Trong suốt mười năm làm báo (1930- 1939), ông đã viết rất nhiều nhưng nay không còn lưu lại được gì.


Đầu tháng 6 năm 1939, Hồ Hữu Tường bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác; ngày 29 tháng 9 năm 1939, bị nhà cầm quyền Pháp bắt, cuối năm 40 bị đầy đi Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hốm, Tạ Thu Thâu... và những người chống Pháp khác. Đến cuối năm 1944 mới được trả tự do (Phan Văn Hùm bị phù thũng, Nguyễn An Ninh mất trong tù ngày 14/8/1943).


*


1945 Nhật đảo chính Pháp. Hồ Hữu Tường ra Hà Nội để sang Tầu nhưng bị kẹt tại Hà Nội cùng với Tạ Thu Thâu; có đề nghị với Hồ Chí Minh nên để Việt Nam trung lập nhưng không được chấp nhận. Thời gian này bắt đầu viết Xã hột học nhập môn, chống lại biện chứng pháp, và một loạt sách chính trị, kinh tế khác.

 

1946 Hồ Hưu Tường được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam nhưng cũng không phát biểu gì. Kế đó, ông giúp bộ Giáo Dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thiết lập chương trình soạn và in sách giáo khoa bằng tiếng Việt cho bậc trung học. Năm 1947 bị Pháp bắt trong lúc tản cư về Kẻ Sặt (Hải Dương). Rồi ông lại trở về Sài Gòn viết văn, làm báo.


Từ 1948 đến 1949, hợp tác với báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà. Viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tầu, in dần trên Sài Gòn Mới dưới bút hiệu Ý Dư, đồng thời viết Thu HươngChị Tập.


Mùa xuân năm 1949, sang Pháp vì lý do chính trị. Tại đây, năm 1952, chủ trương tạp chí Pacific, thử vạch một "đường lối thứ ba" cho các nước Á Phi.


1953, Hồ Hữu Tường về nước, chủ trương nhật báo Phương Đông, đưa ra giải pháp "Thung lập chế".


1954, với tư cách ký giả, ông sang dự Hội nghị Genève, hết sức vận động cho giải pháp trung lập Việt Nam nhưng thất bại.


Tháng ba năm 1955, vì có liên lạc với các nhóm trong Mặt Trận Thống Nhất (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên), chống lại Ngô Đình Diệm, ông bị bắt Ở Rừng Sát. Năm 1957 ra tòa và bị kết án tử hình, nhưng nhờ những trí thức ở Pháp trong đó có Albert Camus viết thư can thiệp nên án lệnh được đình chỉ và bị đưa ra Côn Đảo. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diễm đổ, Hồ Hữu Tường được trả tự do ngày 31/1/1964. Ra tù, kiệt lực, phải nửa năm sau mới viết lại được. Ông cộng tác với nhật báo Ánh Sáng, xét lại biện pháp Trung lập chế và đưa ra giải pháp Siêu lập: đề nghị miền Nam trở nên lãnh thổ của Liên Hiệp Quốc.


1965, cộng tác với tuần báo Hòa Đồng để phát huy nền văn minh tổng hợp: kỹ sư, chính ủy và tu sĩ. Làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh.


1967 được bầu làm dân biểu trong Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa.


Sau tháng tư năm 1975, bị đi học tập cải tạo, khi được trả tư do vừa về đến nhà ở Gia Định thì mất, ngày 26/6/1980.


*


Hồ Hữu Tường viết nhiều thể loại:


Chính tri. kinh tế. triết học: Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945), Kinh tế học và Kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945), Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945), Phong kiến là gì? (Minh Đức,1946), Vấn đề dân tộc (Minh Đức,1946), Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức,1946), Tương lai văn hóa Việt nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).


Văn học sử: Lịch sử văn chương Việt nam (quyển 1) (Lê Lợi, 1950).

Văn pham: Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951).

Dịch: Tam quốc chí (quyển 1, 1951)


     Một số tác phẩm của Hồ Hữu Tường

Truyện: Bộ Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm có : Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966), Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966),


Bộ Hồn bướm mơ hoa (tiểu thuyết lịch sử xã hội, miền Hậu Giang) gồm 4 tập: Mai Thoại Dung, Tam nhơn đồng hành, Ông thầy Quảng, Bủa lưới người (Nam Cường, 1966).


Bộ Gái nước Nam làm gì? (tiểu thuyết tranh đấu chống Pháp) gồm Thu HươngChị Tập (Sống Chung, 1949).


Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).

Kế thế (tiểu thuyết dã sử) (Huệ Mình, 1964).

Bộ Thuốc trường sanh gồm ba tập: Xây mộng, Phúc đứcVẹn nguyền (Huệ Minh, 1964). Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh).

Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968) ...


Tiểu luận: Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951, Hòa Đồng 1965), Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965), Luận lâm I (Huệ Minh, 1965), Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại Học Huế) (Huệ Mình, 1965).


Truyện ngắn, tạp văn: Quả trứng thần (1952), Kể chuyện (Huệ Minh, 1965), Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).

 

Tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966), 41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984), Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in).


Sách viết cho nhà Hàn Thuyên, ký tên Nguyễn Huệ Minh (tên vợ), sách viết cho nhà Tân Việt ký tên Khổng Cưu, cho nhà Minh Đức ký tên Duy Minh, Huấn Chi, cho nhà Sống Chung ký tên Duy Cúc.


*



Trước khi tìm hiểu tư tưởng và phong cách Hồ Hữu Tường, chúng ta thử nhìn lại nguồn gốc dòng họ Hồ, như Hồ Hữu Tường đã trình bày qua các tác phẩm và có lẽ đó cũng là một cách để phân tích những đường hướng chính trong tư tưởng của Hồ Hữu Tường.


Hồ Hữu Tường sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thương Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Cha là Hồ Văn Sây, mẹ là Võ Thị Nữ và ông nội là Hồ Văn Điểu.


Dòng họ Hồ này khi xưa ở đất Nghệ An. Sau thi Hồ Quý Ly thất thế, đầu thế kỷ XV đã bị xua vào đất Qui Nhơn sinh sống. Đến thế kỷ XVIII, trong họ xuất hiện ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ, nổi lên cầm đầu phong trào Tây Sơn. Khi nhà Tây Sơn bại liệt, tất cả những người họ Hồ, bà con xa gần với Tây Sơn đều phải lánh nạn. Tỉnh Qui Nhơn bị Nguyễn Ánh đổi tên thành Bình Định. Sự đổi tên này, đối với họ Hồ, có nghĩa là một sự trả thù, một sự đàn áp.


Để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, một thanh niên tên là Hồ Văn Phi trốn vào Nam, lưu lạc đến rạch Cái Răng Ở miệt Cần Thơ, lập nghiệp. Vợ chồng Hồ Văn Phi chưa có con trai, nuôi một đứa nhỏ tên là Điểu mà mẹ nó dường như là một người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn lánh nạn. Khi trao con lại cho Hồ Văn Phi, bà dặn dò rằng: Cha nó cũng họ Hồ, tôi cho nó cho ông là để nó giữ họ. Khi nó lớn lên, ông bà dặn nó nên nêu lên hai chữ Kế Thế mà thờ giữa hai chữ Hồ phủ, và truyền lại mãi mãi với con cháu nó nên làm như vậy.


Chữ Kế Thế rút từ những chữ "Kế thế vi đức, dĩ hữu thiên hạ," hàm súc cái mộng làm đế vương.

 

Người con nuôi của Hồ Văn Phi có dòng dõi bí mật, đế vương ấy (dòng Quang Thiệu), chính là Hồ Văn Điểu và là ông nội của Hồ Hữu Tường. Đó là những điều mà Hồ Hữu Tường thuật lại về dòng dõi của mình trong cuốn tự truyện Thằng Thuộc, con nhà nông và tiểu thuyết dã sử Kế Thế.

 

Đúng hay sai là công việc của những nhà nghiên cứu lịch sử. Đối với chúng ta, người đọc và tìm hiểu Hồ Hữu Tường, thì đây là một trong những yếu tố giải thích tư tưởng cải tổ chính trị và văn hóa của Hồ Hữu Tường, giải thích chí hướng tân tạo lại Việt Nam, chấn hưng đạo Bữu Sơn Kỳ Huơng, một đạo do con cháu nhà Tây Sơn dựng nên, sau này hưng vượng trong tinh thần đạo Hòa Hảo (có lẽ đó là lý do khiến Hồ Hữu Tường có cảm tình với tướng Ba Cụt và đạo Hòa Hảo, và cộng tác với nhóm Mặt Trận chống Nhất, chống lại Ngô Đình Diệm và nhất là quyết tâm tái lập tinh thần Minh Đạo mà Hồ Quý Ly đã xướng lên từ thế kỷ XIV, để xây dựng một con đường văn hóa Việc Nam, một hệ tư tưởng Việt Nam không lệ thuộc ngoại bang, phù hợp với một nước Việt độc lập và tân tiến.


*


Tâm tư Hồ Hữu Tường dường như chia làm hai nhánh: nhánh vọng Tây Sơn và nhánh hướng nhà Hồ. Cả hai tạo nên một hệ "bàng thống" giao thoa hai vua Quý Ly và Quang Trung, cùng một dòng họ. Hệ bàng thống này, độc lập với chính quyền trung ương, tạo thế chân vạc, muốn đứng lên chấn hưng đất nước theo một đường lối thứ ba, từ một miền đất mới: miền Hậu Giang.


Vọng Tây Sơn, giữ nguồn gốc nông dân nổi dậy, chống sự đàn áp của thực dân và phong kiến, nhưng khác với cách mạng cộng sản, dựa vào đấu tranh giai cấp và duy vật sử quan, Hồ Hữu Tường muốn bảo tồn một truyền thống tâm linh dân tộc phát xuất từ miền Hậu Giang, thờ hai bà Chúa Tiên và Chúa Ngọc. Chúa Tiên tương truyền là Ngọc Hân công chúa và Chúa Ngọc là Ngọc Mân, em sinh đôi của Ngọc Hân. Những truyền thuyết này được Hồ kể lại trong tiểu thuyết dã sử Kế Thế, theo lời kể của một nhân vật bí mật là ông Thầy Quảng (gốc gác từ Quảng Nam). Thầy Quảng trong bộ tiểu thuyết Hồn bướm mơ hoa, là một lãnh tụ chính trị, đội lốt thầy bói và đạo sư, truyền bá đạo Bữu Sơn Kỳ Hương (thờ hai bà chúa), chủ trương cải cách đạo Phật, chấn hưng nhà Tây Sơn, cổ động cho những thuyết "Minh Đạo tái sanh," "Thiên địa dân tạo," "Việt Nam phục nghiệp." Tất cả những sứ mệnh này xác định hướng thứ nhì: vọng nhà Hồ, tiếp tục con đường mà Hồ Quý Ly đã mở ra từ thế kỷ XIV về việc canh tân đất nước trên toàn diện chính trị, văn hóa và xã hội.

 

Xin nhắc lại, từ cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã áp dụng những chính sách:

- Dùng chữ Nôm thay chữ Hán để chấn hưng quốc học. Dịch các kinh sách chữ Hán sang chữ Nôm.

- Soạn 14 thiên Minh Đạo nội dung phê phán Nho giáo một cách có hệ thống, đặt Chu Công lên trên Khổng Tử; phê bình Khổng Tử, nêu bốn điểm đáng ngờ trong Luận Ngữ; chỉ trích Hàn Dũ, Trình, Chu... là những bậc hủ nho; ca ngợi vua Trần Minh Tông không chịu rập theo khuôn mẫu lễ giáo của người Tầu.

- Về mặt xã hội, Hồ Quý Ly lập nhà thương, làm lại sổ hộ tịch, định lại thuế khóa, thống nhất đo lường, phát hành tiền giấy, cải cách ruộng đất, v.v...

 

Ngoài ra Hồ Quý Ly còn là một nhà thơ chữ Nôm và chữ Hán, kiêm dịch giả.

 

Nối tiếp và giao thoa con đường của hai tiền nhân Quý Ly và Quang Trung trong tinh thần độc lạp đối với ngoại bang, từ chính trị, xã hội, đến văn hóa, dường như đó là điều mà Hồ Hữu Tường muốn thực hiện qua hành động và tác phẩm.


*


TỪ TRÁI QUA PHẢI: ĐỨNG: Nguyễn Mạnh Đan (nhiếp ảnh gia) - Phan Nhật Nam - Lê Ngộ Châu (* Chủ Báo Bách Khoa) – Mặc Thu (*) - Nguyễn Đình Tuyến - Trần Văn Minh (1932-1997) - Hùng Lân (*) - Thế Phong (tác giả) – Phạm Xuân Ninh (Hà Thượng Nhân) - Mai Thảo (1927-1998) - X... – Nguyễn Đức Bổn (*-thân sinh nhà văn Hoàng Khởi Phong)

NGỒI: Nguyễn Bá (* chủ nhà in) - Lê Tràng Kiều (*) - Hồ Hữu Tường(*) - Phạm Đình Tân (*) - Đào Đăng Vỹ (* nhà làm tự điển) - Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (* nhà gia phả học).

(*): đã qua đời. (Nguồn: http://sachxua.net/)

Suốt đời vào tù ra khám, Hồ Hữu Tường là khuôn mặt trí thức độc đáo của Việt Nam trong thế kỷ XX: một trí thức hành động. Là nhà chính trị, nhưng biết lợi khí của văn hóa, ông luôn luôn tuyên bố: "Tôi là kẻ dụng văn, chớ không phải nhà văn." Lời tuyên bố có vẻ khiêm tốn này nói lên tính chất minh họa tư tưởng trong các tác phẩm của Hồ Hữu Tường. Là một tác giả đa năng, đa dạng, ông viết nhiều thể loại, nhưng thành công nhất ở những tiểu luận, tham luận, tự thuật, truyện ngắn và tiểu thuyết trào phúng.

 

Cuộc đời và sáng tác của ông trải nhiều giai đoạn.

 

Từ 1930 đến 1939, theo Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác-Lê, thời kỳ mà sau này ông gọi là "sự căm hờn dẫn đi lạc lối trong chín năm," viết rất nhiều báo nhưng không lưu lại được gì, có thể vì đó là thời kỹ còn lập luận theo duy vật biện chứng, nên sau này ông không cho in lại. Nhưng đối với những nhà nghiên cứu, tìm lại những bài viết của Hồ Hữu Tường trong thời kỳ "Đệ Tứ" cũng là một điều cần thiết

 

Thời kỳ 39-44: Giữa 1939 bỏ Đệ Tứ và Mác Lê, rồi bị Pháp bắt tới cuối 1944. Đó là thời kỳ Côn Đảo lần thứ nhất. Trong năm năm ở tù, Hồ Hữu Tường đã hình thành một hệ thống tư tưởng mới: chủ nghĩa dân tộc, không lệ thuộc Tây, Tàu, Nga, Mỹ.

 

45-46: thời kỳ lập thuyết mới. Từ 1945, khi ra Hà Nội, Hồ Hữu Tường viết những tác phẩm đầu tiên Xã hội học nhập môn, Kinh tế học và chính trị nhập môn, Tương lai kinh tế Việt Nam, Vấn đề dân tộc, Tương lai văn hóa Việt Nam ... theo con đường tư tưởng mới.

 

Từ 1948 trở đi, bắt đầu sáng tác tiểu thuyết: Phi Lạc sang Tầu, Thu Hương, Chị Tập ... Ngay cả thời kỳ Côn Đảo lần thứ nhì (57-64), ông vẫn tiếp tục sáng tác nhưng cũng bị mối cắn, nhiều tập phải viết lại. Những tác phẩm như Kế thế, Hồn bướm mơ hoa, Trầm tư của một tên tội tử hình, Thuốc trường sanh ... đều viết tại Côn Sơn và phát hành sau khi được trả tự do.


Trong bài tựa cuốn Luận Lâm I, Hồ Hữu Tường viết:

"Tôi bước vào mê ly đồ của chủ nghĩa Mác-Lê đầu tháng 6 năm 1930. Tôi bước chân ra ngoài cái mê ly đồ ấy vào đầu tháng 6 năm 1939. [...] Trong 9 năm này, những bài luận của tôi viết thảy đều lập trên nền tảng của duy vật luận biện chứng pháp.

Từ tháng 6 năm 1939 đến tháng 6 năm 1945, ngoài những bức thơ ngắn cho gia đình, tôi không có viết gì khác. Đến Hà Nội vào đầu tháng 6 năm 1945, tôi đã sắp dàn bài cho quyển Xã hội học nhập môn mà tôi viết xong khi khởi đầu tháng 11.

Từ hai mươi năm nay, tôi chưa trước tác được tài liệu nào vững chắc và khoa học để đả kích chủ nghĩa của Marx, hơn tập sách nhỏ này. Cả phương pháp biện chứng và duy vật sử quan đều bị "lật vích," nền tảng triết lý và cơ sở xã hội học của Marx đều bị lật ngược, thế mà kiểm duyệt Việt Minh đọc không hiểu nên chẳng bôi chữ nào.

Từ ấy, phương pháp biện luận của tôi không còn là biện chứng pháp nữa. Trong năm năm nằm ở Côn Đảo, trong những ngày tàn của chế độ thực dân, tôi đã suy tư tìm thấy và thường nói với Nguyễn An Ninh rằng duy vật luận của Marx hóa ra siêu hình, chánh là do Marx đội cho nó cái lốt của biện chứng pháp [...].

Năm năm tù dưới chế độ thực dân đã giúp cho tôi "cai" biện chứng pháp, cũng như người nghiện cai thuốc phiện.

Và, rời bỏ tư duy siêu hình của biện chứng pháp, tôi trở về với tư thái khoa học [...] Khoa học, bao giờ cũng cho phép ngoại suy để mở rộng phạm vi hữu hiệu của mình. Nhưng bao giờ những cuộc ngoại suy này phải phê phán cho chặt chẽ, kẻo bị lầm. Nói theo một danh từ mới xuất hiện, mà đã tràn lan khắp nói, là cần phải "xét lạị". Thế mà, biện chứng pháp, tin tưởng như là một giáo điều, không cho tín đồ của chủ nghĩa Marx 'xét lại'." (trích bài Tựa cuốn Luận Lâm I do Huệ Minh xuất bản năm 1965, tại Sài Gòn).

 

Tiếc rằng hiện nay chúng tôi chưa tìm được cuốn Xã hội học nhập môn để trình bầy những lập luận chống Marx của Hồ Hữu Tường.

 

Sách in những năm 45-46 phần lớn ký tên Duy Minh. Với bút hiệu Duy Minh, Hồ Hữu Tường muốn nói lên sự lựa chọn: không nhận cái Tâm trong duy tâm chủ quan của triết học Hegel, cũng không nhận cái Vật "vô tri vô giác" trong cái duy vật của triết học Các-Mác, mà chọn Duy Minh, bởi vì có duy minh thì mới đến được cái giác của nhà Phật. Hồ Hữu Tường chủ trương: muốn cải thiện đời sống - bởi vì chỉ có sống là quan trọng nhất - thì con người phải tổng hợp cả ba nền văn minh lớn: kỹ sư, chính ủy và tu sĩ, nói cách khác: khoa học, triết học và tôn giáo thành một thể toàn bích thì mới mong đạt tới thiên đường hạnh phúc. Tôn giáo Ở đây là Đạo Phật đổi mới. Sự cách tân đạo Phật có trong tinh thần đạo Bưu Sơn Kỳ Hương và đạo Hòa Hảo sau này, và có lẽ đó cũng là tinh thần "Hậu Giang" mà Hồ Hữu Tường là một trong những người đề cao và cổ động.


*



Trở về với tác phẩm chủ yếu đầu tiên của Hồ Hữu Tường, cuốn Tương lai văn hóa Việt Nam do Minh Đức in, ký tên Duy Minh, cuốn sách đắc ý nhất của ông, một bản tuyên ngôn tư tưởng của nhà chính trị và nhà văn hóa, trình bày con đường tư tưởng mới: lấy văn hóa dân tộc thay thế cho tất cả các ý thức hệ. Tư tưởng sau này sẽ được đào sâu và phát triển trong toàn bộ tác phẩm của tác giả.

 

Sách in năm 1946, 500 quyển, những bản quý in trên giấy "sắc thần" chế tạo riêng tại làng Bưởi, bìa do Tô Ngọc Vân vẽ. Sau này được in lại nhiều lần nhưng đã bị cắt bỏ, trừ bản chính của nhà Minh Đức và bản in trên tuần báo Sanh Hoạt (Sài Gòn) của Phạm Mậu Quân là đầy đủ. Đây là một tập văn xuôi có giọng trầm bổng như thơ, một tập "thơ tư tưởng," lời lẽ thống thiết. Hồ Hữu Tường viết:

 

"Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thật to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin, ... để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt" (trích Tương lai văn hóa Việt Nam in lần thứ ba, Huệ Minh, Sài Gòn 1965).

 

Đó là Tiếng gọi đàn của Hồ Hữu Tường năm 1945. Ngay lúc ấy ông đã biết rõ rằng "dù có thét lo đến bực nào, dù có một giọng tha thiết như thế nào, dù có những luận điệu đanh thép cách nào, tiếng gọi đàn của tôi cũng sẽ là tiếng kêu trong sa mạc" (sđd, trang 12).

 

Biết là kêu trong sa mạc nhưng vẫn kêu. Biết gọi không ai nghe nhưng vẫn gọi. Tâm sự bi thiết ấy đã đeo đẳng Hồ Hữu Tường suốt đời như một thân phận con người, như một số phận dân tộc.


Nhưng Tương lai văn hóa Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức kêu gào mà mang một nội dung suy tưởng sâu sắc. Trước hết Hồ Hữu Tường định nghĩa thế nào là văn hóa: "Văn, trong nghĩa cầu nguyên của nó, là đẹp đẽ, là hiền lành, trái với võ, là hung bạo. Hóa, trong nghĩa cầu nguyên của nó là thay đổi. Hai chữ đó mà ghép lại, thì tôi cho rằng đó là cái gì làm cho ngưòi ngày càng cao quý hơn, đẹp đẽ hơn, làm cho người (hạ tiện, xấu xa) hóa ra Người (cao quý, dẹp đẽ)" (trang 6). Tóm lại cái làm cho người trở nên Người là văn hóa: "Tôi vẫn muốn rèn, luyện, uốn, nắn, hun đúc tôi, cho tôi ngày nay đẹp đẽ hơn ngày hôm qua, cho tôi ngày mai càng đẹp hơn tôi ngày nay, để rồi bây giò tôi là "người" dần dần theo đuổí 'Người'" (sđd, trang 18).

 

Người đọc có thể tìm thấy ở "cái tôi ngày hôm nay phải hơn cái tôi ngày hôm qua," một ảnh hưởng xa gần nào đó của Nietzsche. Chữ Người viết hoa của Hồ Hữu Tường có những yếu tố tương đương với siêu nhân (surhomme) của Nietzsche (chính Hồ Hữu Tường cho biết Nguyễn An Ninh là người Việt Nam đầu tiên đọc Nietzsche và rất thích). Nhưng Hồ đi theo một hướng khác: ông muốn hành trình người (tầm thường) nên Người (cao cả) trở thành lộ trình bình thường của mỗi người Việt Nam, và đó là tương lai văn hóa dân tộc. Tại sao như vậy? Ông giải thích: bởi mọi ý thức hệ, khi mới thành lập đều có thể giúp ích cho xã hội tiến bộ. Nhưng khi nó không còn thích hợp với điều kiện sống cụ thể nữa, thì cái xác nó, chướng ngại vật phản tiến hóa, là lực lượng phản động, là một tai họa cho nhân loại. Khi đã biết được luật sống thừa của các ý thức hệ, bạn hãy cố gắng xây đắp một nền văn hóa Việt Nam, dựa trên nguyên tác biến đổi, ngày hôm nay phải đẹp hơn hôm qua, và như vậy bạn sẽ thoát ra được sức chi phối của các ý thức hệ sống thừa (trang 20). Đó là tinh thần chủ yếu trong tư tưởng Hồ Hữu Tường.


*


Tinh thần này xuất hiện năm 45-46, khi phần đông người Việt chưa biết Hồ Chí Minh là ai, và phần đông thế giới chưa biết cộng sản là gì. Hồ Hữu Tường đã đi trước thời đại, vượt qua những người đồng thời để sớm nhận ra ngõ cụt của những ý thức hệ, trong số đó có chủ nghĩa cộng sản. Lập luận của ông trong tập sách nhỏ này cho thấy một dân tộc như Việt Nam, "muốn tìm con đường sống đầy đủ ý nghĩa trong thời kỳ phi cơ, bom nguyên tử và độc quyền đế quốc này, thì dân tộc Việt Nam phải chọn một kế hoạch văn hóa (trang 32), phải tạo ra một nền văn hóa rưc rỡ: văn hóa Việt Nam phải làm cho người trở nên Ngưòi (trang 37-38). ông vtết:

 

"Hiện nay, bạn thấy Tây phương đắc thắng, chiếm địa vị tối thượng, hãnh diện với thế giới. Về quân sự, về kinh tế, về chính trị, Tây phương là tất cả. Bạn cho Tây phương là cái gương duy nhất, rồi bạn toan nêu cái "văn hóa" Tây phương làm văn hóa Việt Nam.

Tôi van bạn. Tôi ước mong bạn xây đắp riêng cho Việt Nam một nền văn hóa rực rỡ, để trình trước Đại hội đồng nhân loại làm sự nghiệp của mình." (trang 39)

"Sứ mạng của bạn là sứ mạng sáng tác." (trang48)

 

Tìm một đường đi, không theo Đông không theo Tây, mà chọn lọc và kết nạp những tinh hoa của cả Đông lẫn Tây trên con đường sáng tạo của mình: văn hóa Việt Nam là do người Việt Nam sáng tác và xây đắp nên, nó làm cho người Việt Nam trở nên Người. Cái hành trình đó là hành trình văn hóa chúng ta chưa biết nó thế nào, bởi mỗi ngày nó một thay đổi.


Hồ Hữu Tường đã tìm ra cách thúc đẩy hành động sáng tạo, nói lên tính cách biến hóa của sáng tạo, đồng thời coi sáng tạo như một sứ mạng của con người. Một định nghĩa vừa trừu tượng, vừa cụ thể: Con đường sáng tạo là con đường văn hóa. Nó khiến con người từ vị thế tầm thường, kém cỏi, trở nên Người (văn hóa). Một sự hướng thượng mà nhân loại chưa làm được. Từ đó, Hồ bảo rằng phương Tây chưa có văn hóa, bởi tất cả những gì họ sản xuất ra trong văn chương, nghệ thuật, triết hoc, khoa học... đã bị cái mà ông gọi là "quái hóa" khuất phục. Chính cái quái hóa này đã biến đổi những tư tưởng đẹp đẽ như "tự do, bình đẳng, bác ái", thành phương tiện, thành khí giới để chinh phục. Quái hóa đã xui khoa học chế ra đại bác, chiến xa, tàu chiến, phi cơ, hơi ngạt, vi trùng, bom ngyên tứ để giết nguời, để chinh phụckẻ yếu, để đè nén, áp bức, dày xéo chúng ta" (trang 42).

 

Văn hóa làm cho con người trở nên Người.

Quái hóa biến văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học... thành phương tiện. Bởi nó không đi theo con đường nhân bản.

Còn mượn Đạo học của Đông phương ư? Nhưng ở Đông phương chỉ có những thuật tu dưỡng, chớ đã có văn hóa bao giờ? (trang 48)

 

Cho nên ta không thể bắt chước Đông hoặc Tây, để làm văn hóa, mà phải tạo văn hóa bằng sáng tạo, làm cho người Việt Nam trở nên Người. "Nó là cuộc vận dụng thường xuyên của tinh thần, không phút nào ngừng, không khi nào nghỉ (trang 5), văn hóa (phải) làm sao cho cái chân, cái thiện, cái mỹ, thấm nhuần lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể mọi người, của mọi chế độ, của mọi tương quan xã hội. (trang 54-55)

 

"Lương tri sẽ là sản phẩm của người. Nó có nguồn gốc ở ngưòi. Nó là một vật nhân bản." (trang 56)

"Khoa học, văn chương, triết học, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo... là những ngành của cây sinh hoạt. Còn văn hóa là nhựa sống trong thân cây, trong các ngành, các lá (trang 57)


*


Khi cho rằng Tây phương đã biến những thành tích của văn hóa như văn chương, triết học, khoa học ... thành những phương tiện để chinh phục và đàn áp, Hồ Hữu Tường có thái quá chăng? Hẳn là không. Ông chỉ muốn minh họa một thực tế hiển nhiên: Hitler, Staline đã trưng dụng khoa học để làm vũ khí, cũng như Hitler đã trưng dụng tư tưởng surhomme của Nietzsche và Staline đã sử dụng triết học Các-Mác trong các chiến dịch thanh trừng và tiêu diệt đồng loại.

 

Ngày nay trong tình thế mới, người ta cũng có thể đặt câu hỏi: đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ có đang dùng khoa học (bom đạn) như một phương tiện để "san định" thiên hạ theo đúng quan niệm "dân chủ" và "bình đẳng" của Hoa Kỳ?

 

Điểm cực đoan và cũng gây sốc mạnh trong Tương lai văn hóa Việt Nam là "Tây phương và Đông phương chưa có văn hóa." Nhưng đó chính là điểm độc đáo trong tư tưởng Hồ Hữu Tường: ông coi văn hóa không phải là những thành quả đã gặt hái được trong các lãnh vực văn chương, khoa học, nghệ thuật, triết học, mà là một trạng thái động, là một thái độ, một phong cách: Con người thường trực sống trong suy tưởng để tiến tới chân thiện mỹ. Và một con người như thế là con người văn hóa.

 

"Văn hóa" như vậy rất gần với hành trình tiến đến cõi niết bàn của nhà Phật, tìm đến đỉnh cao của con người. Nhưng đạo Phật tìm sự xuất thế, giải thoát cho chính mình, Hồ Hữu Tường tìm sự nhập thế: tiếr đến chân thiện mỹ trong hành đông để phụng sự xã hội, con người; và đó là lý do cần phải "cải tiến" đạo Phật, đi từ sự tu thân (Đông phương) để tiến tới sự nhập thế hành động, thay đổi diện mạo nhân loại.



Con đường tư tưởng


Tiếp tục con đường tư tưởng đã vạch ra trong Tương lai văn hóa Việt Nam, những bài tiểu luận hoặc tham luận đến sau, đào sâu và mở rộng thêm đường hướng nhân văn và dân tộc của Hồ Hữu Tường.

 

Trong cuốn Luận Lâm I (Huệ Minh, 1965), ông chọn chín bài viết trong khoảng 1948 đến 1964, mỗi bài một chủ đề khác nhau (văn hóa, chính trị kinh tế, tư tưởng) mà ông cho rằng "biện chứng pháp không thể áp dụng được." Luận Lâm (tuy đề Luận Lâm I, nhưng chỉ ra có một quyển) đưa ra những đề tài có thể gây tranh luận, với chủ đích đẩy sự nghiên cứu và suy tưởng đi xa hơn.

 

Trước hết với đề nghị "Tìm (lại) nguồn gốc của dân tộc Việt Nam" Hồ Hữu Tường cho rằng không có một thứ chủng tộc nào là thuần túy. Người Việt, là sự hòa đồng hai mặt: thổ dân sống trên giải đất này kết hợp với các sự chinh phục đến từ nơi khác. Bắc do Lạc Việt, Trung do Chàm (Chăm) và Nam do Miên (Khmer) đến chinh phục rồi lần lần bị đồng hóa. Giai đoạn kế tiếp là sự thống nhất theo lối phong kiến: người Việt (ở Bắc) tiêu hủy quốc gia Chàm (Trung) và đồng hóa người Chàm, chiếm Chân Lạp và đồng hóa người Khmer. Nền văn hóa Việt cao hơn hai nền văn hóa Chàm và Khmer nên tồn tại nhưng vẫn chứa đầy ảnh hưởng của hai nền văn minh này trong ngôn ngữ, âm nhạc, tư tưởng.


Về tư tưởng, ngươi phương Bắc (Trung Hoa) chú trọng đến cảm giác chủ quan: Khi nhìn con ngựa, họ thấy mầu trắng trước, cho nên họ nói bạch mã, cũng như ngã phụ (tôi cha) (cái tôi đi trước). Tư tưởng Việt Nam (thuộc người phương Nam), gần gũi với Miến Điện, Xiêm, Mên, Chàm... mang tính phân tích và đi từ khách quan đến chủ quan, cho nên nói ngựa trắng, cha tôi v.v...

 

Về ngôn ngữ, Hồ Hữu Tường không nhận tiếng Việt hoàn toàn đơn âm, mà cho rằng những tiếng mượn từ chữ Hán thường đơn âm, còn những tiếng thuần Việt như éo le, oái oăm, lim dim... không thể bảo là đơn âm được.

 

Về âm nhạc, những điệu hò Huế, những bài vọng cổ chứng thực hiện tượng hòa hợp văn hóa Việt-Chàm, Việt-Miên. Tóm lại, theo Hồ Hữu Tường, muốn "tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam" trước hết phải chấp nhận những tiền đề:

- Gốc thổ dân sống trên giải đất này;

- Bãi bỏ thuyết chủng tộc và công nhận thuyết hợp chủng và đồng hóa;

- Nền văn hóa cao nhất trong các dân tộc hợp chủng sẽ sống còn;

- Lịch sử Việt Nam không phải là lịch sử của một cuộc Nam tiến mà là sự thống nhất theo đường lối phong kiến;

- Tư tưởng Việt (thuộc phương Nam) khác với tư tưởng Trung Hoa (thuộc phương Bắc).


Vẫn trong chiều hướng cổ võ cho sự thay đổi quan điểm suy tưởng và nghiên cứu, trong bài "Đầu năm, nhắc một món ăn trân mỹ" (Luận lâm), phê bình hai bộ văn học sử: Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi và Việt Nam văn học sử của Dương Quảng Hàm, Hồ Hữu Tường cho rằng quan niệm văn học sử của hai nhà nghiên cứu này đã lỗi thời và đề nghị một hướng mới: Theo ông, văn học sử Việt Nam là văn học sử viết bằng tiếng Việt, cho nên phải loại các tác giả viết chữ Hán, chữ Pháp ra ngoài, chỉ khảo cứu những tác phẩm:

- văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ...

- văn chương chữ Nôm,

- văn chương chữ quốc ngữ

và phụ thêm có thể đưa ra bộ Việt Nam tư tưởng sử để khảo cứu xem người Việt đã phát biểu tư tưởng của mình bằng tiếng Việt, tiếng Tầu, tiếng Pháp, tiếng Anh như thế nào.

 

Ngoài ra ông còn đề nghị phải tìm hiểu thêm hai thời kỳ văn chương nhà Hồ và văn chương đời Tây Sơn (nhóm Hồng Sơn văn phái, ngoài Nguyễn Du và truyện Kiều, còn để lại bản dịch sáu bộ tài tử của Tàu ra lục bát mà Hoàng Xuân Hãn đã nhắc tới, nay chưa tìm ra) mà chữ Nôm đã có một chỗ đứng quan trọng.


Đề nghị này của Hồ Hữu Tường, có hai ý nghĩa: trở về với văn hóa dân tộc và đẩy xa việc nghiên cứu quốc âm. Nhưng việc ứng xử với nền văn học chữ Hán là một vấn đề phức tạp.

 

Nếu dựa theo cách viết văn học sử trên thế giới nói chung, và Pháp, nói riêng là đúng. Nhưng Việt Nam có một lịch sử và lịch sử văn học không giống những dân tộc khác: Nếu những quốc gia khác từ thời lập quốc không bị đô hộ (lâu dài) hoặc không đổi ngữ tự, thì ngược lại, Việt Nam vừa bị đô hộ, vừa đổi ngữ tự.

 

Thời kỳ văn học chữ Hán là kết quả 1000 năm đô hộ của Tàu. Người Việt "bắt buộc" phải diễn tả tư tưởng của mình bằng Hán tự. Vì không có chữ viết hoặc nếu có, cũng không thể phát triển được. Sự đô hộ đã ảnh hưởng lâu dài đến những thế hệ sau: chữ Hán trở thành chữ thi cử, "quốc tự" chữ "thánh hiền." Do đó, chữ Hán trong nhiều thế kỷ là chữ viết để chuyên chở nội dung ý nghĩ, tư tưởng Việt Nam. Vấn đề đặt ra ở đây là: Chữ viết là chính hay ý nghĩ là chính? Hiển nhiên là cả hai, bởi chữ viết chuyên chở văn phong lẫn tư tưởng. Viết văn Tàu, văn Pháp phải tuân theo quy luật của Hán văn, Pháp văn, hoàn toàn khác với văn phong Việt Nam. Tóm lại, một áng văn chương chữ Hán, chữ Pháp, do người Việt (thấm nhuần văn hóa Việt và có tâm hồn Việt) viết, thường là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Hán- Việt, Pháp-Việt, tạo nên một tác phẩm "lai" và có chỗ đứng trong cả hai nền văn hóa gốc.

 

Mở rộng thêm vấn đề về trường hợp của những người Việt sống ở nước ngoài, một người (quốc tịch) Pháp hoặc Mỹ, gốc Việt, viết văn bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, nên xếp vào văn học sử Pháp, Mỹ hay văn học sử Việt? Trong trường hợp này, "bản chất" của tác phẩm cung cấp nhiều thông tin hơn quốc tịch của tác giả. Ví dụ, Linda Lê, dù là gốc Việt, nhưng khó tìm thấy dấu ấn (văn hóa và tâm hồn) Việt, trong tác phẩm của chị; ngược lại, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, dù viết tiếng Pháp nhưng tác phẩm của họ thấm đậm tâm hồn và tâm thức Việt Nam. Cho nên vấn đề Hồ Hữu Tường đặt ra chỉ nên xem là một cách thúc đẩy mọi người khai triển và tìm kiếm những hướng đi khác trong cách viết văn học sử, đặc biệt nên chú ý đến những mảng văn chương bị các chính thể khai trừ, thậm chí tiêu diệt, và đó là điều thường trực xẩy ra ở mọi nơi, mọi thời.


Bài "Tìm một ý thức hệ cho thời đại" trong Luận lâm và bài "Cái nghiệp tiên thiên" trong "Trầm tư của một tên tội tử hình" (Lá Bối, Huế, 1965), phát triển tư tưởng Minh đạo đưa ra giải pháp: Canh tân đạo Phật, làm sao cho đạo Phật từ xu hướng tu thân, xuất thế, giải thoát cái khổ cá nhân, trở nên một Minh đạo, nhập thế, tìm giải pháp cho cái khổ tập thể của con người thời đại, chìm trong áp bức và chiến tranh.

 

"Có lẽ hồi thời của Phật, kinh tế còn là tự nhiên, con người ít bị đớn đau mỗi ngày vì bị bóc lột, chính tri còn là đơn sơ, thần dân ít bị khổ sở vì thiếu sự tổ chức xã hội; nên khi nhìn nhận cái khổ, Người chỉ thấy rõ có sinh, lão, bệnh, tử [...] Cái khổ này là cái khổ cá nhân, thì tìm sự giải thoát bằng phương pháp cá nhân là một việc giải thích được. Nhưng loài người càng phát triển, liên hệ xã hội càng phức hóa, thì một cái khổ khác tràn lên, cái khổ tập thể bởi sự tổ chức xã hội không thay đổi kịp để mãi thích ứng cho sự tiến triển nầy." (Tìm một ý thức hệ cho thời đại, Luận lâm, nxb. Huệ Minh, 1965, trang 57)

 

"Đạo Phật, và chỗ này nó khác hơn các tôn giáo khác, là một sự tu luyện, theo nghĩa tầm nguyên của danh từ này: tu là làm cho càng tốt đẹp thêm mãi, luyện là làm cho tinh ròng thêm mãi. Phật tử tu luyện để làm cho lý trí càng thuần thục hơn hầu đến cái giác. Nếu sự tu luyện ấy dùng để dư bị vấn đề, chuẩn bị các điều kiện, vạch lối trước bằng trực giác hay thị kiến cho các sự giải đáp các vân đề này, thì tôn giáo sẽ là hướng đạo cho đại đội quân của khoa học. Chừng ấy Niết bàn sẽ không còn là một cái chứa không có gì đựng ở trong và chỗ nhắm của các vị bồ tát (tự giác nhi giác tha) mới đạt được." (trích Cái nghiệp tiên thiên, trong Trầm tư của một tên tội tử hình, trang 36-37, Lá Bối, 1965)


Nếu trong quá khứ ảnh hưởng đạo Phật thời nhà Lý đã đem đến các vị vua nhân từ như Thái Tông, Thánh Tông, Thần Tông.. . và đưa nước Việt đến một thời kỳ phát triển cực thịnh: thì ở đây, trong lý thuyết Minh đạo mới này, Hồ Hữu Tường dường như muốn mở rộng tính chất đạo trị hơn, muốn tâm thức thiền sư đi vào lòng người, qua phương pháp giáo dục, một cách "trồng người" mới, để tất cả đều có phương tiện đi tới bến giác ngay trong cuộc sống, tạo ra một cõi niết bàn tại thế. Vai trò của một Maitreya - Di Lặc thời nay - thời mạt pháp - là phải tạo ra một nền văn minh tu sĩ tức là đem đạo đức tôn giáo vào đời sống chính trị. Tôn giáo phải đồng nhất với chính trị để tạo ra những con người nói chung, và người cầm quyền, nói riêng, có đạo đức, thấm nhuần lòng từ bi, bác ái, thâm hiểu ý niệm bình đẳng và tự do. Tóm lại, sự đào tạo con người trong tinh thần Minh đạo tổng hợp bốn nền móng cơ bản: tôn giáo, triết học, khoa học và chính trị. Ở đây, Hồ Hữu Tường lấy lại hai chữ Minh đạo của Hồ Quý Ly để đưa ra một nội dung tư tưởng mới.

 

Vấn đề đạo đức tôn giáo nói chung và đạo đức nhà Phật nói riêng, ngày nay cũng đang thịnh hành ở Tây phương, đạo Phật phát triển rất mạnh ở Pháp. Dường như trong một thế giới "võ trị" như ngày nay, sự trở về với đạo đức, niềm tin, là một điều kiện cần thiết, và lý thuyết Minh đạo mà Hồ Hữu Tường đề nghị cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn rất hợp thời.


Lập thuyết Minh đạo đánh dấu giai đoạn chuyển biến tư tưởng thứ nhì của Hồ Hữu Tường. Trong năm năm tù Côn Sơn lần thứ nhất, dưới thời Pháp thuộc, Hồ Hữu Tường đã "trầm tư" ra chủ thuyết dân tộc để thay thế chủ nghĩa Mác- Lê. Ở Côn Đảo lần thứ nhì, dưới thời Ngô Đình Diệm, kẻ bị kết án tư hình "trầm tư" ra chủ thuyết Minh đạo: Tổng hợp chủ nghĩa xã hội và đạo Phật. Và đó là điều mâu thuẫn lớn lao trong tư tưởng Hồ Hữu Tường: suốt đời đánh đổ những ý thức hệ, và suốt đời lập thuyết. Nhưng chính điểm mâu thuẫn ấy là đức tính lớn lao của ông, tạo dựng tư cách độc đáo của một nhà văn, nhà chính trị và nhà tư tưởng: bộc lộ tính chất hành động trong tư tưởng Hồ Hữu Tường.

 

Cuốn Nói tại Phú Xuân (Huệ Minh, Sài Gòn, 1965) tập hợp những bài tham luận đọc tại Huế trước cử tọa thanh niên, Hồ Hữu Tường phân tích tất cả những nhược điểm trong ngành giáo dục của ta, thiếu sách vở, thiếu thày ..., và ông đã dùng tất cả tài năng hùng biện của mình để thúc đẩy tinh thần sinh viên, nêu lên những nguyên tắc rèn luyện tinh thần:

 

- Thứ nhất: Tinh thần súc tích (esprit d'accumulation). Súc là chứa, cất, tích là dồn lại. Kẻ đi học, với tinh thần súc tích ví chẳng khác anh nông dân, mùa khô gặt lúa, chứa thóc vào bồ để quanh năm lấy ra mà dùng. Nhưng người đi học mà chỉ có tinh thần súc tích thôi, thì khi ra đời chỉ có thể làm cán bộ thừa hành. Cho nên tinh thần súc tích chưa đủ.

- Phải có tinh thần phê phán để xét lại tất cả những thông tin mà mình thu thập được.

- Rồi tới tinh thần tìm tòi và tinh thần phát minh.

 

Nhưng bao trùm lên hết là tinh thần dân tộc. "Tinh thần dân tộc là kết hợp rất nhiều phức cảm về màu da, về tiếng nói, về tập quán, về ý thức ... chung quanh cái ý muốn chung làm cho dân tộc Việt được trường tồn [...] Tôi cho là tinh thần dân tộc không phải chỉ là cảm tình, là bản năng, nó còn có thể là sinh lý nữa [...] đọc bài văn tế các trận vong chiến sĩ của Nguyễn Đình Chiểu thì rơi nước mắt rồi dấn thân vào con đường kháng Pháp. Lùi lại lịch sử mấy trăm năm, đọc bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, chúng ta vẫn còn thấy tim rung động." (trang 42-45)


Đối với Hồ Hữu Tường, sinh viên, nếu muốn tìm một phương pháp rèn luyện cá nhân để phụng sự dân tộc, thì phải nhìn thấy mấu chốt của vấn đề: Tinh thần súc tích, tinh thần phê phán và tinh thần phát minh là ba cái chân vạc của một cái đỉnh thờ: tinh thần dân tộc. Hồ Hữu Tường có cực đoan quá chăng? Không, bởi vì ông đã sống trong một thời kỳ mà đất nước bị người Pháp đô hộ, tiếp theo là cuộc nội chiến ý thức hệ giữa hai miền, do ngoại bang điều khiển. Rồi cuộc thống nhất đất nước, lại phát triển thêm hai cực:

- Một hướng tự đại, triệt để đề cao "bản sắc dân tộc" qua những nội dung trống rỗng, coi Việt Nam là trung tâm của vũ trụ, không cần học hỏi trên tòi;

- Một hướng tự ti, vọng ngoại, lấy ảo ảnh Tây phương để thay thế cho ảo ảnh thiên đường xã hội chủ nghĩa.

 

Trong cả hai trường hợp, một tinh thần dân tộc đích thực, trong sự học hỏi, tìm kiếm và phát minh để xây dựng một tương lai văn hóa Việt Nam trong chiều hướng văn trị, vẫn còn cần thiết, nhất là khi hiện tượng toàn cầu hóa có thể phát triển trong chiều hướng võ trị.



Số kiếp con mọt và con thằn lằn


Nếu Hồ Hữu Tường luôn luôn nhắc nhở "tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là kẻ dụng văn," thì những truyện ngắn của ông lại từ chối lời nhận xét trên đây và công nhận điều sau này: "Đọc tiểu thuyết hay của các nước, tôi rất hiểu tiểu thuyết xây dựng thế nào, nhưng tôi không chịu viết tiểu thuyết, mà chỉ bám vào lối văn "kể chuyện."[...] Tôi chỉ muốn "kể chuyện" cho hoang đường, cho hóm hỉnh, cho trào phúng, cho quê mùa, như những giáo sư văn chương của tôi mà thôi. Con nhà trâm anh thế phiệt, ông, bác, có, anh, thảy đều khoa hoạn, thì viết văn điêu luyện như Nguyễn Du, việc ấy hợp lý, hợp tình. Con nhà nông như tôi, mà viết văn nông dân, việc ấy cũng hợp lý, hợp tình nữa.

 

Con vua thì đặng làm vua Con sãi ở chùa thì quét lá đa

có cái văn tâm như thế, nên trong chín năm theo chủ nghĩa Mác-lê, giáo điều của chủ nghĩa này dạy phải viết theo đường lối "tả chân xã hội" (réalisme socialiste), thà tôi nhịn viết văn chớ tôi không chịu phản lại giai cấp tôi. [...] Cái văn tâm như thế đem những văn tứ "cổ điển" lại, chuyện "ma", chuyện "thần tiên", chuyện hoang đường, chuyện tiếu lâm châm biếm ... "cổ điển" là cổ điển của thứ văn chương nông dân ta vào thế hệ của tôi." (trích bài Tựa cuốn Kể chuyện, nxb Huệ Minh, Sài Gòn, 1965).


Như vậy rõ ràng là trong cách viết văn, Hồ Hữu Tường đã cố tình lựa chọn lối kể chuyện, ông không gọi là truyện ngắn, mà lấy ngay hai chữ kể chuyện làm tên sách. Và cách kể chuyện thần tiên, ma quỷ của Hồ Hữu Tường cũng là một cách chống lại "duy vật biện chứng" bằng con đường dân tộc: "Về chuyện ma, kỷ niệm của tôi là kỷ niệm chung của tất cả, tất cả trẻ con Việt ở nhà quê. Một đêm tối om, bên cạnh ngọn đèn dầu leo lét, ba bốn người ngồi lại mà nghe kể chuyện, một thằng nhỏ giõ tai nghe. Một lát nó nhảy vào giữa, run sợ. Mà càng run thì nó càng thấy lý thú [...] Thế mà, vào nhà trường, học khoa học của Tây phương, thầy cấm đứa nhỏ ấy tin truyện ma, cho đó là dị đoan [...] Khi nhập vào chủ nghĩa Mác-Lê, thì giáo điều của duy vật luận biện chứng pháp lại càng nghiêm khắc với chuyện ma hơn nữa. Thế mà sự thật lại khác hẳn. Năm 1932, nhà của một người bạn của Tạ Thu Thâu là trạng sư Blaquière, ở đầu đường Taberd (nay là Nguyễn Du), xéo xéo nhà thờ lớn, lại có ma dời bàn, khiêng ghế, dựng ván đứng lên, làm "trò khỉ" (mượn lời của cựu thủ tướng Hương). Nhà mác-xít Tạ Thu Thâu tức quá, luôn ba đêm đến đó ngủ, để nghiên cứu bọn ma có quyền lực gì, mà làm cái công việc mười người lực lưỡng chưa chắc làm nổi... Nhưng vì quyền lợi của chủ nghĩa duy vật mà chúng tôi đương vác cờ, không cho phép chúng tôi nói đến." (Kể chuyện, trang 4-5)


Hồ Hữu Tường có tin ma hay không, điều đó không quan trọng. Ma chỉ là cái cớ để ông phát lộ tinh thần dân tộc: người dân mình tin ở thần linh, ma quỷ, thì mình cũng không thể xóa chúng trong sổ văn chương của mình. Tính chất duy linh là một phần "dân tộc tính" vẫn còn hiện hữu và Hồ Hữu Tường đã dùng duy linh để đối chọi với duy vật (vô thần). Ma như một cõi âm bí mật, không biết, chưa biết, giao thoa giữa siêu linh và tâm thần, nhưng ma có thể giúp người nói đến nhiều việc thực dụng, hiện hữu (Bồ Tùng Linh); ma là một trong những đề tài mà văn học có thể sử dụng để đưa đến những kết quả nghệ thuật bất ngờ: Hồ Hữu Tường đã "dụng ma" như ông đã "dụng văn" để trình bày tư tưởng của mình.

 

Những chuyện kể của ông, gom góp in lại thành sách, chỉ có ba tập. Cuốn Quả trứng thần gồm nhiều truyện thần tiên, in năm 1952, nay đã thất lạc; trong bài Tựa cuốn Kể chuyện (1965), tác giả có lời rao: bạn nào có cuốn sách này xin cứ mượn lại

 

Kể Chuyện (Huệ Minh, Sài Gòn, 1965) gồm bẩy truyện ngắn, những mẩu tiếu lâm về Quặp râu và một vở kịch trào phúng.

 

Cuốn Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965), do Nguyễn Ngu Í biên tập, là cuốn tạp văn, có bốn bài tiểu luận đặc sắc: Một bài phi lộ, đề xuất những kế hoạch nghiên cứu triết học, khoa học và thể hiện văn chương; Tân Xuân Thu (hai bài) so sánh thời chúng ta với thời Xuân Thu; Xuân Thu cũ và Xuân Thu mới, phê bình bộ Đông Chu liệt quốc, và hai truyện ngắn hay: Tù trong tùChuyện con tin lằn chọn nghiệp.


Cách kể chuyện của Hồ Hữu Tường rất đa dạng: Răng đen (trong Kể chuyện) là một "truyện thật ngắn" (ba trang) cô đọng và đặc sắc, vạch trần chính sách nham hiểm của thực dân: Hai sinh viên nhược tiểu (Maroc - An nam) gặp nhau trên "mẫu quốc". Trong ba năm học chung, họ rất quý mến nhau, nhưng đến khi tôi (tác giả) lên đường về nước, Ali mới thổ lộ: Tôi sợ anh lắm. Vì sao? Bởi Ali vẫn đinh ninh rằng nước "Đại Pháp" đã dẹp tan quân "phiến loạn" Abd-el-Krim, nhờ bọn "tirailleurs annamites" (lính khố xanh) nổi tiếng ăn sống thịt người đến nỗi máu khô đọng lại nhuộm đen răng!

 

Xuân An Hải (trong Kể chuyện) là một chuyện ma "thật sự" xẩy ra ở An Hải, một làng cổ ở Côn Đảo. Người tù bị "ma giấu" là một anh cộng sản chính hiệu và những người chứng kiến việc "ma giấu" này (gần 200 mạng) phần đông đều theo chủ nghĩa duy vật. Lập lờ giữa mê tín và giả đò, Hồ Hữu Tường muốn chế giễu cả biện chứng lẫn con người duy vật: tất cả chỉ là một trò giả đò như ma giấu hay chăng?

 

"Bỗng có tiếng hú vang, tiếng hú xa tít từ trên chót núi Chúa đưa xuống, lẫn với tiếng cây cối rung chuyển ào ào, như cơn bão rừng, như đạo binh rần rộ từ trên cao kéo xuống, nghe lạnh xương sống. Trông theo tiếng hú, thì thấy anh Xa mắt nhắm nghiền, hai tay đưa ra trước như nắm một dây cương ngựa tưởng tượng, từ trên cao phóng xuống như bay. Điều mà giữa ban ngày không ai dám làm, nữa là ban đêm, cái đêm cuối năm đen như mực xạ. [...] Thế mà Xa cứ chạy, chạy như bay, lướt trên mặt đá lởm chởm." (Kể chuyện, trang 18)


Một quang cảnh rất siêu thực do bàn tay phù thủy sắp đặt: Tiếng hú trên núi Chúa đưa xuống, trông theo tiếng hú, thấy anh Xa mắt nhắm nghiền, chạy như bay... tất cả chỉ là phù phép, hỏa mù xung quanh một "thực thể" ghê gớm "tiếng hú từ núi Chúa." Cả anh Xa, lẫn những kẻ "trông" thấy tiếng hú (gần 200 mạng tin theo duy vật), ở đây đều đã mu muội, đang lên đồng theo lệnh của Chúa. Điểm ngời ngời duy nhất sáng trưng ở đây là núi Chúa, nơi Chúa ngự. Chúa không ra mặt nhưng Chúa điều khiển, Chúa giật dây, Chúa làm lóe mắt, ù tai những kẻ "nghe" và "nhìn" thấy "Chúa."

 

Đồng thiếp giữa giả và thật để hóm hỉnh nhạo báng các hạng "chúa tể" trên đời: Chúng chính là ma. Người bị ma giấu, mê hoặc trong một trận đồ, trở thành cuồng tín, nhảy nhót, đằng phi, đi mây về gió... vô tình làm trò đùa cho những cuộc chơi đồng thiếp, làm quân trong những trận "cờ người"?

 

Một hình thức "ma giấu" khác nằm trong truyện ngắn Cọp hú. Cọp hú (trong Kể chuyện) rút từ một huyền thoại miền Cà Mau. Người bị "cọp hú" cũng tương tự như bị quỷ ám, sẵn sàng dâng cả thể xác lẫn linh hồn cho cọp. Cọp hú là một hình thức ngụ ngôn thấm đậm màu sắc địa phương, dân dã, một mặt nói lên những mu muội của người ăn phải bả cọp (ngoại bang hay lý thuyết ngoại bang), quay trở lại "ăn thịt" đồng bào ruột thịt mình.


Côn Lôn là một ngục tù lũy thừa bốn: ông, cha, con, cháu. Kẻ ở trên đảo là kiếp tù ông. Trong đảo có banh (bagne), kẻ ở trong banh là kiếp tù cha. Trong banh có khám, bị nhốt trong khám là tù con. Tù con mà còn bị còng chân là tù cháu. Đó là thân phận tù trong tù.

 

Qua bốn cửa ải, vào vòng tận của khổ đau, trong cuộc đời gần 20 năm tù tội, Hồ Hữu Tường rất ít khi nhắc đến những đọa đầy thân xác trong tù, họa hoằn viết một vài hàng như: "tôi lướt qua cơn dông tố mà ba phần tư anh em, vì yếu đuối vượt qua không nổi, phải gởi xương ngoài đảo."

 

Tù trong tù giúp chúng ta hiểu tại sao Hồ Hữu Tường có đủ nghị lực để vượt lên những cơn dông này: phải có một hoạt động tinh thần hàng ngày, phải tìm cách "đằng phi trên vòm trời tư tưởng."

"Ấy là tôi có được người bạn đường (Nguyễn An Ninh) để ông phi trên vòm trời tư tưởng.

Nhờ sự đằng phi trên vòm trời tư tưởng ấy, xét nét lại cả những hệ thống triết học, tôn giáo, tư tưởng, mà tôi quên rằng thời gian qua mau hay là quên chú ý đến những khổ cực nặng nề của đời tù con." (Tù trong tù, Nợ tinh thần, Huệ Minh, 1965, trang 71)

 

Hồ cố gắng vươn lên, từ đớn đau của thể xác và tối tăm của định mệnh, một đời sống tinh thần phong phú, liên tục, một sức sáng tác không ngừng, trong tim, trong óc. Bao nhiêu người chết gục trong tù, riêng Hồ, để khỏi chết, trầm tưkể chuyện, sáng tác "nhẩm," hoặc viết, mặc dầu biết cái viết của mình đôi khi chỉ làm mồi cho mối mọt. Đó là bí quyết tồn tại. Lối "kể chuyện" của Hồ Hữu Tường, một lối kể bình dân, truyền thống như Nguyễn Đình Chiểu, như Hồ Biểu Chánh... rất miệt vườn, gắn bó với vùng đất mới Hậu Giang, nhưng đã biến dạng thành một lối kể đa diện và luôn luôn biểu lộ những suy tư của tác giả về cuộc sống, về sáng tác. Tiêu biểu nhất có lẽ là hai truyện Nàng mọt sách (trong Kể chuyện) và Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp (trong Nợ tinh thần).


*



Nàng mọt sách là một truyện thần tiên, không dựa theo cổ tích mà do tác giả sáng tạo. Truyện bắt đầu bằng những hàng: "Ngày xưa ... Ở đất Hậu Xuyên có chàng học trò nọ, họ Hồ, tên Lân- Trinh, tự là Khổng Cưu..."

 

Lối mở đầu này cho thấy ngay đây là một tự truyện vì cả Lân Trinh lẫn Khổng Cưu đều là biệt hiệu của Hồ Hữu Tường.

 

Lân Trinh nghèo lấm, không có tiền mua sách để đọc. Gặp buổi loạn ly, chàng phải lánh nạn ở một cái am nhỏ của một vị đạo sĩ. Một hôm quét am, Lân Trinh lượm được cuốn sách xưa, mừng quá mở ra đọc, thì than ôi, không trang nào nguyên vẹn. Một con mọt hai đuôi đang vội vã lẩn trốn, định giơ tay giết nó, nhưng không nỡ vì chàng tự hỏi nó ăn sách để sống cũng như ta ăn cơm vậy, có tội lỗi gì? Không ngờ con mọt là hậu kiếp của Tiên Dung, con gái Ngọc Hoàng. Xưa Ở Thiên Đình, nàng phải hâm rượu cho cha đãi quần tiên, nhưng vì mê đọc sách làm cạn cháy rượu đào, bị vua cha đầy xuống trần gian. Tiên Dung xin được làm kiếp con mọt để đi hết nhân gian tìm lại cuốn sách quý mà nàng mới lật vài trang, chưa kịp đọc hết (trong tủ sách Thiên Đình). Đây là một truyện ngắn xác định văn tâm và văn tài của Hồ Hữu Tường, quảng bá tư tưởng "văn hóa trị." Về giai đoạn văn trị ở hạ giới, sao Thái Bạch tâu với Ngọc Hoàng: "Sở dĩ loài người đang ngoan ngoãn thế này, ấy bởi họ đương trải qua một hồi "văn trị." Họ không mê say việc chiến đấu, giết lẫn nhau. Họ không thèm nghĩ đến việc hại nhau, lừa nhau."


Ở thời kỳ văn trị này, loài người chỉ có một lối tranh đấu duy nhất là chọn con đường văn tự (gọi là thơ). "Thơ có thể làm cho con người say mê như mê gái đẹp," đó là một "tôn giáo mới mà giáo chủ là Nàng Thơ". Kẻ tín đồ của tôn giáo này cũng say mê, cũng khổ hạnh, cũng phải hi sinh, đôi khi tử vì đạo. Thỉnh thoảng cũng có kẻ "đắc đạo." Kẻ đắc đạo sẽ lên cõi Tao Đàn, trở thành Tiên, và Tiên được các tín đồ gọi là Thi sĩ. Thi sĩ không cần uống thuốc trường sanh mà vẫn bất tử. Mỗi vị để lại những phù chú riêng của mình, ghi lại trong những thứ gọi là sách. Mỗi tín đồ, muốn tìm đến vị Tiên của mình thì chỉ việc giở sách ra là có thể đàm đạo được. Nghe Thái Bạch "báo cáo" những đặc điểm của chính sách văn trị ở hạ giới, Ngọc Hoàng sinh lòng ham muốn, bèn truyền cho các vì sao đi khắp nhân gian, thu lượm các kiệt tác văn chương đem về "nộp bổn," tạo ra tủ sách Thiên Đình cho chư Tiên, Phật cùng thưởng lãm. Ngày lễ khánh thành thư viện, Tiên Dung, con gái Ngọc Hoàng, vì đam mê những kỳ lạ trong văn phong và tư tưởng của loài người nên mắc nạn, bị đầy xuống trần. Sự đầy đọa này lại đáp ứng đúng nguyện ước của Tiên Dung: muốn thoát khỏi thiên đàng "vô văn hóa" để đến với hạ giới văn hóa. Tiên Dung xin làm kiếp mọt để thỏa mãn đam mê tha thiết và nhỏ nhoi nhất của mình: Xuống trần để được sống trong "cõi văn," tìm lại cuốn sách hay mà nàng đang đọc dở. Sống kiếp mọt... bao lần bị loài người giết... nàng vẫn tái sinh thành mọt, Tiên Dung có tìm thấy hạnh phúc không? Hay chỉ là một kiếp lẩn tránh nguy cơ không ngừng bị tiêu diệt, mỗi lần gặp được một... "con người." Hay chỉ là một trần gian bụi bậm, mà loài người đã bỏ rơi ... văn. Sách vở không ai đọc, làm mồi cho... mối, mọt? Thời kỳ "văn trị" đã qua rồi, hay tất cả chỉ là ảo tưởng? Một thiên đường tưởng tượng, chưa bao giờ hiện hữu? Lân Trinh và Tiên Dung là một kiếp: Hồ Hữu Tường.


Nếu trong Nàng mọt sách Hồ Hữu Tường còn có những giây phút lạc quan, tin tưởng vào một thời điểm hạ giới văn trị mà loài người không chém giết nhau, thì ở Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp Hồ nói lên tất cả những hoang mang, thất vọng của mình về con người võ trị. Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp cũng là một tự truyện, mang tính bi đát của một "tiếng kêu trong sa mạc."

 

Đó là chuyện một thiền sư già, tu đã sắp thành chánh quả. Vị thiền sư đinh ninh rằng Phật Thích Ca khi đặc đạo có dặn là hai nghìn năm trăm năm về sau -thời mạt pháp-, Di Lặc sẽ xuống trần cứu độ chúng sanh. Tính ngày, tính tháng, thiền sư thấy thời hạn đã đến. Vì vậy ông nguyện sẽ tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc để được đắc đạo. Nhưng dự định của ông có con thằn lằn nghe được, bèn tìm cách ngăn cản, vì nó biết chắc là sau khi tụng kinh đến lần thứ một nghìn, thiền sư sẽ lên giàn hỏa, tự thiêu, để đến cõi Niết Bàn. Đêm ấy, vị thiền sư tụng kinh (lần thứ một nghìn) dưới đĩa đèn dầu lạc. Thằn lằn bèn bò lên bàn thờ Phật, dần dần uống cạn đĩa dầu cho đèn tắt, nhà sư không tiếp tục tụng kinh được nữa. Nhiều lần như thế, thiền sư không hiểu nguyên do. Một đêm ông bèn vừa tụng kinh, vừa rình xem kẻ nào là thủ phạm vụ tắt đèn, và ông bắt quả tang thằn lằn tại trận. Nổi xung lên, nhà sư ngưng gõ mõ và mắng rằng:

"- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhằm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu chết ngay."


Kiếp thằn lằn phải chăng cũng lại chính là kiếp của Hồ Hữu Tường? Suốt đời muốn ngăn chặn sự mù quáng, u mê, tự sát, chém giết... nhưng thất bại và chính bản thân mình bị đồng loại trù dập, triệt hạ.

 

Nhà sư phải chăng là cõi nhân sinh? Một nhân sinh tin vào những thiên đàng bánh vẽ , muốn tranh thủ niết bàn bằng mọi giá, bất kể phương tiện, thậm chí cả việc sát sinh?

Muốn cứu người ư?

Muốn độ người ư?

 

Thằn lằn phải làm cách nào mới đạt được kết quả? Vì không thể bắt buộc người rời bỏ sự mê tín, cũng không thể bắt buộc người phải hướng thượng. Đó là câu hỏi mà Hồ Hữu Tường muốn đặt ra cho chính mình. Dường như ông đã nhìn thấy sự không tưởng trong các lập thuyết hướng thượng, đồng thời cũng nhận thấy sự cô đơn tuyệt đối của mình trước định mệnh, nên ông viết:

"Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu. [...] Thật chưa hề lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế."


*


Đó là đoạn kết trong Chuyện con tin lằn chọn nghiệp viết năm 1953. Đến năm 1966, Hồ Hữu Tường viết thêm một đoạn, do Nguyễn Thái sưu tầm, in trên báo Quê Mẹ, số xuân 1983, nội dung ngụ ý:

 

Hồn thằn lằn vẫn muốn độ người. Nhưng loài người vì vẫn mắc tham sân si, nên tất cả đã phải đầu thai làm kiếp chuột. Muốn cứu người, thằn lằn bèn xin Thích Ca cho được đầu thai làm chuột, lấy tên Long Thử. Long Thử thấy loài chuột đông như kiến mà sợ hãi không dám chống lại một chú Mèo. Nó bèn kiếm kế rử Mèo vào bẫy, nhưng rút cục kế của Long Thử cũng không thực hiện được vì loài chuột quá hèn nhát và ưa phản bội. Cuối cùng Long Thử lại bị đem ra xử tử hình một lần nữa về tội "Thử gian." Muốn cứu người không dễ. Bởi người không tự cứu.

 

Hồ Hữu Tường bộc lộ sự tuyệt vọng tuyệt đối về con người: không có cách nào cứu vãn được. Dù đầu thai đến kiếp thứ mấy, con người vẫn y nguyên như cũ, với tất cả tham sân si cố hữu. Nhưng cũng không thể không có những kiếp thằn lằn, suốt đời tìm cách cứu độ nhân sinh, đưa người hướng thượng nhưng vô hiệu và những kẻ chọn nghiệp thằn lằn biết chắc con đường mình đi sẽ không dẫn đến chỗ nào khác ngoài cái chết.



Hồi ký và tiểu thuyết


Tiểu thuyết là thể loại sáng tác phong phú nhất của Hồ Hữu Tường, có thể chia làm hai loại: xã hội và trào phúng.

 

- Khuynh hướng xã hội (đấu tranh) có những bộ Gái nước Nam làm gì?, gồm hai quyển: Thu HươngChị Tập (Nxb Sống Chung, 1949), Thuốc trường sanh, ba cuốn: Xây mộng, Phúc đức và Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964); Hồn bướm mơ hoa, bốn cuốn: Mai Thoại Dung, Ông thầy Quảng, Tam nhơn đồng hànhBủa lưới người (Nam Cường, 1966) và những tác phẩm khác như Kế thế, tiểu thuyết dã sử, (Huệ Minh, 1964), Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản tại Pháp, 1968) viết về bối cảnh và thân phận những đứa con lai Mỹ-Việt

 

- Khuynh hướng trào phúng có bộ Ngàn năm một thuở hay Một thuở ngàn năm, gồm bốn quyển đã in Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vanay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sài gòn (Nam Cường, 1966) Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966).


Tự truyện và hồi ký:Thằng Thuộc con nhà nông, tự truyện (An Tiêm, 1966) và cuốn hồi ký Bốn mươi mốt năm làm báo (Trí Đăng, Sai Gòn; Đông Nam Á, Paris, 1984). Ngoài ra còn một cuốn hồi ký tiếng Pháp, Un fetu dễ paille dans la tourmente (Cọng rơm dập vùi), viết tại Paris năm 1969, chưa in.

 

Hồ Hữu Tường là một trong những nhà văn có cách viết tư thuật và hồi ký vô cùng duyên dáng, hóm hỉnh, mà lại phản ảnh được cuộc đời thăng trầm đầy sôi động của một người làm cách mạng bằng ngòi bút. Nhờ hai cuốn Thằng Thuộc con nhà nôngBốn mươi mốt năm làm báo mà người đọc không những có thể biết rõ tiểu sử, tâm sự, con đường đấu tranh và xuất xứ mỗi tác phẩm của Hồ Hữu Tường, mà còn thấy được chân dung và tâm tình của những nhà ái quốc khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu ... trong bối cảnh hoạt động của họ, liên hệ đấu tranh, tư tưởng, tương quan lực lượng giữa những cá nhân hay đoàn thể đã hoạt động cùng thời với họ.


Với Thằng Thuộc con nhà nông, Hồ Hữu Tường vừa muốn xác nhận nguồn gốc nông dân, vừa muốn bác bỏ tính duy vật mà chủ nghĩa Mác Lê gán ghép cho họ: Hồ đề cao tính duy linh trong tâm hồn Việt như một cá tính độc đáo không thể loại trừ: tin tướng số, quỷ thần, sấm trạng, điềm, vận... Hồ không hề đứng ở địa vị nhà khoa học để phán xét nhân dân, ông luôn luôn đứng về phía quần chúng bình dân để nhìn đời. Toàn bộ triết lý sống của Hồ Hữu Tường dường như nằm trong mấu chốt đó, ông sống và viết như một nông dân chính hiệu. Muốn được như vậy, trước tiên, ông phải "là" nông dân (mặc dù có học). Hồ đã thành công trong sự :là" ấy. Từ lúc chưa ra đời, Hồ đã là "nông dân" trong lòng mẹ: sinh trong điềm và sấm. Hồ tự "khai sinh" cho mình trong lòng dân tộc, từ dân tộc tính Việt Nam.

 

Họ Hồ thật, gốc nông dân thật, ở Hồ không có dấu vết giả dối nào, từ nguồn gốc đến danh hiệu, có lẽ để đối chiếu với một sự giả mạo họ tên khác của người cùng thời trong lịch sử.

 

Gia đình họ Hồ, khi Tây Sơn thua, chạy đến miệt Cái Răng là đã kiệt quệ lắm. Hồ Hữu Tường thuật lại rằng: "Tía tôi, Hồ Văn Sây, lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thất học từ nhỏ, ông được cả lang chú ý vì tánh tình ngay thẳng, cương trực, hiền lành" (Thằng Thuộc con nhà nông, trang 14- 15). Mẹ Hồ Hữu Tường, bà Võ Thị Nữ, tuy con nhà giàu nhưng mồ côi cha năm mười hai tuổi, mẹ tái giá để con lại cho bà cô (giàu) nuôi; cô gả Nữ cho Sây (người làm công) vì muốn cháu gái có chồng họ Hồ, "Họ của ba vua" (Quý Ly, Thái Đức, Quang Trung).


Ngoài cha mẹ, Hồ Hữu Tường còn nhắc đến một nhân vật khác, khá huyền bí là Thầy Quảng (gọi là Thầy Quảng vì có giọng nói Quảng Nam). Thầy Quảng, người đỡ đầu, vừa là thầy bói, vừa là đạo sư, và là đảng trưởng đảng Bửu Sơn Kỳ Hương, đã ảnh hưởng sâu xa đến cha con Hồ Hữu Tường. Khi Hồ ra đời, Thầy Quảng bói một quẻ: "Năm Canh Tuất, tháng ba, ngày hai mươi chín, giờ dần thì tốt lắm, mà cũng xấu lắm. (Nếu) Không có "Tuần" và "Triệt" thì số này là số Đế vương..." (trang 24). Rồi Thầy Quảng đặt tên : "... đặt tên cho nó là Hồ Hữu Tường, nghĩa là họ Hồ có điềm lành. Nó có "văn xương", "văn khúc" thì ắt không phải là nông dân như ông cha. Ít nữa cũng là một văn sĩ. [...] Vậy tôi đặt cho nó cái tự là Khổng Cưu, ứng vào câu "khổng cưu đắc hữu tường." Khổng là to, cưu là bói, Khổng Cưu Đắc Hữu Tường là bói một cái bói to mà được điềm lành." (trang 26). Thầy Quảng còn đặt tên hiệu là Bửu Liên (vì hôm sánh Tường, tía nằm mộng thấy có người đem tặng một đóa sen quý). Tất cả những "điềm", "số" và "sao" như vậy đã "vận" vào Tường từ lúc ra đời: Tường mang "mệnnh đế vương," chào đời với "sứ mạng hưng vượng dòng họ" "tân tạo quốc gia", "giải phóng dân tộc." Rủi thay, cái tên chữ "Hữu Tường" đang gánh những kỳ vọng "hay ho" như vậy lại bị kỵ húy đúng tên ông dượng ghẻ (chồng thứ nhì của bà ngoại), Hữu Tường bèn bị tía đổi tên là thằng Thuộc cho gọn, bởi nó đọc đâu thuộc đấy!


Đó là thủ pháp "kể chuyện" của Hồ Hữu Tường: đem xuất xứ dòng họ đặt lên đỉnh, có lẽ muốn giải thích thái độ cao ngạo của mình, rồi đùng một cái, lật ngược đỉnh xuống đáy bằng chính "nội dung" lời kể: Thằng Thuộc lật nhào Hữu Tường, chữ nôm đánh đổ chữ Hán, nguồn gốc nông dân đánh đổ nguồn gốc đế vương... Nghệ thuật ở đây là hạ bệ. Sự hạ bệ này còn nhiều lối hành ngôn khác không kém phần thâm thúy, cao ngạo và hóm hỉnh: ví dụ về cuộc gặp gỡ chính trị với nhân vật đệ tam là Tôn Quan Phiệt. Sau khi gặp Hồ Hữu Tường và Tạ Thu Thâu, Tôn Quang Phiệt kể lại với Đào Duy Anh rằng: "Hai đứa nó là kỳ tài phải lắm. Tạ Thu Thâu tướng con vượn. Hồ Hữu Tường tướng con khỉ đột. Con vượn yểu tướng, e Tạ Thu Thâu chết sớm. Con khỉ đột sống dai hơn. Đào Duy Anh thuật lại lời ấy rồi, thì vài tháng sau, tôi nghe Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng Ngãi" (sđd, trang 45). ở đây ông đặt hai cặp phạm trù đối cực: kỳ tài-khỉ vượn, chuyện tếu-bị giết, trong một câu, khiến hai "đối cực" ấy tự triệt tiêu nhau, một cách tương đối hóa, hài hước hóa những chuyện không hài hước (ám sát, thủ tiêu ...). Hồ Hữu Tường tạo cho cuộc đời một chiều kích mới: tất cả đều có thể nhìn dưới con mắt khoan dung, độ lượng, nếu ta coi sống, chết, như những cuộc chơi, mà sự "mất", "còn", đáng cười hơn đáng khóc. Chỉ với nhân sinh quan như thế, Hồ Hữu Tường mới có thể sống còn trong những cuộc thanh trừng, trại tù mà Côn Lôn khét tiếng là mồ chôn người yêu nước.


Hồi ký Bốn mươi mốt năm làm báo, viết vào khoảng năm 1971, do Trí Đăng xuất bản tại Sài Gòn, và Đông Nam Á in lại ở Paris năm 1984, là một tác phẩm giá trị về hai mặt tư liệu lịch sử và nghệ thuật viết hồi ký. Đây là một thiên phóng sự đầy tính phóng túng và hài hước về suốt giai đoạn từ 1930 đến 1971, trong cuộc đời hoạt động cách mạng và làm báo của Hồ Hữu Tường cùng với những nhà cách mạng khác, các bậc đàn anh như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền hoặc những bạn đồng hành như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, v.v... một thế hệ thông minh xuất chúng, coi ngục tù, cái chết như không, loại những bi thảm bằng tiếng cười, và trên tất cả là lý tưởng giải phóng quê hương và niềm tự hào dân tộc.

 

Với nghệ thuật kể pha trộn cả bi lẫn hài, giao thoa ký ức và tư liệu lịch sử, Hồ Hữu Tường đã vẽ được những chân dung cực kỳ sống động của Nguyễn Thế Truyền, Phan văn Trường, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trịnh Hưng Ngẫu, Phan Văn Hùm... với những giai thoại lý thú như: nguồn gốc cái tên Nguyễn Ái Quốc, làm báo "nhẩm" Thiên Thu, mối tình Bruxelles, Nguyễn An Ninh bán dầu cù là, Phan văn Hùm dậy Hồ Hữu Tường viết văn Việt...


Tiêu biểu cho tác phong hài hước hoá những chuyện nghiêm chỉnh, có thể kể màn Nguyễn An Ninh dạy thanh niên phân biệt đệ tam với đệ tứ:

 

"- Mấy em còn nhỏ, chưa biết vợ con. Thế nào ra đời rồi cũng phải cưới vợ. Vậy để qua dậy cho em học làm chồng có lẽ có ích lợi hơn là học làm cách mạng với mấy anh đó, nói cái gì mà mấy em không hiểu. Đây qua hỏi các em vậy chớ l... có mấy lỗ? Đừng có cười chớ! Các em làng chàng, không học bài căn bản này, rủi làm bậy vợ nó chết thì làm sao?

Mấy cậu thanh niên ngơ ngác nhìn nhau, thì Ninh dậy: "- ... có ba lỗ, một cái lỗ để đái, một lỗ để đẻ và một lỗ để đ... các em phải thuộc cái đó bằng không thì không được đa!

Bọn trẻ cười lăn, nhưng cũng nghe Ninh kết luận:

- Ừ thì Đệ tam một lỗ, Đệ tứ một lỗ, và con đường dân tộc cũng một lỗ. Các em làng chàng đi sai đường, thì không khác nào cưới vợ mà đ... sai lỗ vậy (...)

- Ừ thì các em cứ cười cho đã đi, rồi nghe qua nói một câu nầy. Tất cả con trai cưới vợ, nào để nhìn nó đái? Như nghèo, thêm sợ nó đẻ. Chỉ muốn cưới vợ vì cái chuyện vợ chồng mà thôi. Thì Đệ tam hay Đệ tứ gì thì cũng ví như đái và đẻ. Chớ toàn dân thảy đều muốn cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng dân tộc mình khỏi gông cùm ngoại bang. Có phải vậy không?" (Hồi Ký, trang 99-100)


Lối tái tạo chân dung Nguyễn An Ninh trên đây đã làm sáng tỏ một lúc hai nhân cách: Một Nguyễn An Ninh hóm hỉnh tuyệt vời, đi vào lòng quần chúng qua ngả tư biện hài hước, dùng thực chứng để giải thích những lý thuyết khô khan về chính trị, dùng tục để đáp với thanh. Một Hồ Hữu Tường xuất sắc trong nghệ thuật: không "tả" Ninh mà "kể" Ninh, nhưng sự "kể" của ông cũng là "tả": ông đồng hóa nghệ thuật kể và tả. Từ lời nói hóm hỉnh của Nguyễn An Ninh toát ra lòng yêu nước của người anh hùng, nhưng nét đặc biệt ở người anh hùng này, Ninh là "người" trước và "hùng" sau, hoặc ít ra "người" đi đôi với "hùng", khác những thần tượng thường được suy tôn: chỉ có "hùng" hết là "người".

 

Nguyễn An Ninh, qua lời kể của Hồ Hữu Tường là một nhân vật anh hùng phản anh hùng, pha trò, nói tục, cám dỗ thanh niên bằng tâm hồn trào phúng, bằng biện chứng phản biện chứng, bằng ngôn ngữ gợi hình độc đáo, ý nhị. Cái tục ở Nguyễn An Ninh-Hồ Hữu Tường là tục đắc địa, tục của những người có bản lãnh, tục mà vẫn giữ được đạo theo nghĩa Bồ Đề Đạt Ma: siêu tục, siêu tục dẫn đến những nụ cười Xuân Hương, Duy Tốn. . . rất thế tục, khác hẳn với cái dung tục tầm thường, không nghệ thuật, tục để mà tục, ít khi phản ảnh một thực tại sống thật nào.


Trào phúng đối với Hồ Hữu Tường trở thành một liều "thuốc trường sanh," chữa bách bệnh, là dưỡng khí nuôi sống người tù. Ký ức tù của ông khác với nhiều người, không chứa khổ đau, không gây căm phẫn, hờn oán. Dường như, những điều ấy không có gì đáng nói, đáng kể; điều đáng ghi lại là những trầm tư của một "tên tội tử hình," nghĩ về tương lai dân tộc hoặc những giây phút hạnh phúc của đời tù: kể chuyện Tàu, làm báo nhẩm, sự "bột phát" của tác phẩm nhẩm: Phi Lạc hoài thai từ nền văn chương nhẩm với những tiểu thuyết đã "có màu Tự Lực Văn Đoàn lắm."

 

Tất cả những hình thức sáng tác nhẩm này, là để chữa căn bệnh biệt giam "bị nhốt với người khác còn trò truyện mà trí khuây khoả (...) Chớ bị nhốt một mình, thì mình luôn luôn nói chuyện với mình, mệt trí không tưởng tượng nổi. Có khi câu chuyện mình nói với mình khuya rồi mà chưa dứt, thì tiếp tục nói hoài, sanh ra bịnh mất ngủ. Mà hễ mất ngủ luôn, thì dễ sang qua điên." (Hồi Ký, trang 54).

 


Toàn bộ tập hồi ký là một giọng coi thường cái chết, tương đối hóa khổ đau, hài hước hoá những trầm trọng, bi kịch; coi tất cả chỉ là đùa chơi, không có gì quan trọng. Từ những kinh điển, những "tư tưởng lớn," đến những lý tưởng, lập thuyết, cái gì cũng có mặt trái của nó. Hồ Hữu Tường vạch mặt trái của tất cả kể cả chính mình, vì vậy mà ông chiếm được lòng tin của độc giả qua những điều tự thuật, rất có thể "có chỗ bịa" nhưng bịa y như thật, điều mà ông không mấy thành công trong địa hạt tiểu thuyết xã hội.


Tiểu thuyết của Hồ Hữu Tường thường dài dòng và hay giải thích, phần tâm lý nhiều khi sơ sài, giả tạo, nhưng ông có óc hiện thực xã hội, óc tưởng tượng và óc trào phúng rất cao.

Ở loại xã hội, Hồ Hữu Tường dùng tiểu thuyết như một phương tiện tuyên truyền, xác định lập trường yêu nước; ở loại trào phúng, tiểu thuyết của ông phủ định tất cả: chế giễu chính trị, phê phán xã hội, đả phá những "trịnh trọng" của lập thuyết, coi tất cả là chuyện tiếu lâm, hài hước, tán dóc, tán nhảm. Hai khuynh hướng này đối lập nhau, tiêu biểu hai nét tương phản trong con người Hồ Hữu Tường: Có một Hồ Hữu Tường nghiêm chỉnh, ưa lập thuyết và một Hồ Phi Lạc trào lộng, đánh đổ tất cả những gì có tính cách lý trí, biện luận.

 

Hai cuốn tiểu thuyết xã hội đấu tranh đầu tiên của ông là Thu HươngChị Tập... Chị TậpThu Hương, viết năm 1949, trong bộ Gái nước Nam làm gì? là kết quả của một thử nghiệm "tiểu thuyết mới" mà ông cho biết là đã bàn bạc với Khái Hưng ở Hà Nội năm 1945, và trao đổi thêm với Đông Hồ ở Sài Gòn. Chị Tập và Thu Hương tiêu biểu cho hai từng lớp đấu tranh trong giai đoạn đầu cách mạng. Tập xuất thân từ quần chúng lao động, Thu Hương trí thức, tiểu tư sản, thành thị. Thu Hương được mô tả qua hình ảnh cô Cúc sau này là nha sĩ, kiêm điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, mà thời ấy, tác giả có quan hệ tình cảm. Ông viết Thu Hương theo lời "yêu cầu" của "người đẹp" và lại ký bút hiệu Duy Cúc. Thu Hương trong truyện là sinh viên trường thuốc Hà Nội, đảng viên một đảng cách mệnh bí mật, một cô gái đẹp và gan dạ, dám cướp sân khấu để tuyên truyền, dám ám sát giữa thành phố,... Chị Tập, con nhà nghèo, bị cha mẹ đem bán, trải bao khổ đau, tù tội, sống chung với trộm cướp và những người làm cách mạng. Được thả, Tập trở thành đảng viên đắc lực, nhận những công tác nguy hiểm, cổ động tuyên truyền, đình công bãi thị, buôn lậu, làm thổ phỉ, cướp khí giới Nhật, xây dựng chiến khu ... Hai phụ nữ, hai giai cấp, hai trình độ, gặp nhau trong kháng chiến, tạo ra những mẫu người lý tưởng, huyền thoại mà thời đó rất cần.


Viết Thu Hương, Chị Tập, Hồ Hữu Tường đã dùng tiểu thuyết để tuyên truyền cho lý tưởng cách mạng, ông đặt vấn đề làm sao kết hợp các thành phần xã hội khác nhau, các đảng phái khác nhau? Làm sao đánh động lòng yêu nước? Làm sao củng cố lực lượng du kích? Làm sao khắc phục những khuyết điểm để đi đến thành công? Đó là thời kỳ Hồ Hữu Tường còn trẻ, còn tin vào sứ điệp cách mạng.

 

Trong thời kỳ ở Côn Đảo lần thứ nhì, ông viết hai bộ trường thiên khác, nói lên sự chán nản của mình trước các trường tranh đấu. Bộ Thuốc trường sanh in năm 1964, lấy bối cảnh kháng chiến Nam Bộ những năm 50-52. Nhân vật chính là Tuyết Lê và bác sĩ Tâm, những người trí thức không cộng sản, từ thành vào bưng, theo kháng chiến. Họ có nhiệm vụ phải tìm cho ra một thứ "thuốc trường sanh," như một phát minh khoa học tân kỳ, đem uy tín cho cách mạng. Muốn bào chế thuốc trường sánh, thì phải lấy được chân con cọp Mun, nổi tiếng chúa tể vùng Hậu Giang. Cuối cùng, Tuyết Lê và Tâm hạ được cọp, nhưng cũng lại sa vào nanh vuốt của cọp.

 

Thuốc trường sanh nói lên sự mất mát niềm tin, nói đến sự cô đơn tập thể, những chán nản hầu như tuyệt vọng về những nẻo đường kết hợp dân tộc. Tất cả chỉ là nghi ngờ và thủ đoạn, là cô đơn và chia rẽ. Thuốc trường sanh là tâm sự của những người "ngoại đạo," muốn nhập vào dòng chính thống cách mạng, nhưng không thể được. Kết quả là phải đào thải, chia lìa.

 

Tập Hồn bướm mơ hoa cũng là một trường thiên tiểu thuyết phiêu lưu, tranh đấu, có tính chất "ngự lâm pháo thủ," viết về những người thân quyến hoặc còn lưu luyến nhà Tày Sơn, lưu lạc vào Nam, quyết dựng nên tổ chức Bửu Sơn Kỳ Hương, chống Nguyễn, nhưng việc không thành. Hồn bướm mơ hoa có những trang rất hay về đời sống sông lạch miền Hậu Giang, cảnh tù vượt Côn Đảo, tâm trạng của con người trong "xã hội Nam Kỳ" theo đuổi ngấm ngầm lý tưởng, hoài bão "tự trị," nhưng chưa thực hiện được. Hồn bướm mơ hoa ấp ủ giấc "mơ hoa" của "cánh bướm" Hữu Tường: muốn chọn con đường thứ ba cho đất nước, nhưng không ai theo, không ai tin, tất cả chỉ là thất bại.


Tiếc rằng phần lớn truyện dài của Hồ Hữu Tường đều dựa trên những cốt truyện quá "tiểu thuyết," những nhân vật quá giả tạo, bởi ông luôn luôn muốn thổi phồng người đàn bà. Không kể Ngọc Mân trong tiểu thuyết dã sử Kế thế, thuần tính huyền thoại, từ Thu Hương, chị Tập đến Tuyết Lê, Mai Thoại Dung, Lệ Dung-Mỹ Dung trong Hồn bướm mơ hoa hay Loan, Phượng trong Người Mỹ ưu tư ... đều là những mẫu người khó tìm thấy trong cuộc sống, vì họ giỏi quá hoặc cao thượng quá. Họ không thật. Ngoài ra, những cảnh huống mà Hồ đẩy nhân vật vào, thường gượng ép. Ví dụ Tuyết Lê và bác sĩ Tâm tìm cách "sáng chế" thuốc "trường sanh" trong bưng biền. Ai tin được? Rồi hai người lại tự sống chung như một cặp vợ chồng "giả". Việc Mai Thoại Dung đem tất cả gia sản của mình cúng cho thầy Quảng (anh hùng phái nam, hiếm hoi trong truyện của Hồ Hữu Tường) để xây dựng đảng Bửu Sơn Kỳ Hương, bỏ con, bỏ cái theo "lý tưởng". Rồi cặp bài trùng "Lệ Dung-Mỹ Dung" cũng là những tay "quái kiệt"; Lệ Dung vừa đẹp, vừa thông minh, mưu lược (cỡ Tuyết Lê), Mỹ Dung võ nghệ cao cường, tâm hồn tuyệt vời cao cả, "gả" chồng mình cho Lệ Dung vì "đại sự". Những chi tiết này làm giảm sút giá trị bộ Hồn bướm mơ hoa, có lẽ là hay nhất trong loạt tiểu thuyết xã hội phiêu lưu của Hồ Hữu Tường, vừa có những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn kiểu Dumas, vừa vạch ra được những nét đạo đức và lý tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương của người Nam Bộ.


Cuốn Người Mỹ ưu tư viết tay, tác giả tự xuất bản tại Paris năm 1968. Khởi đầu in hàng ngày trên nhật báo Sống, theo Hồ Hữu Tường cho biết ở trang đầu, thì bác sĩ Trần Ngươn Phiêu đã kêu gọi được gần mười ngàn người ký tên đề cử Người Mỹ ưu tư tranh giải thưởng Nobel. Người Mỹ ưu tư muốn đưa ra một vấn đề thời sự xã hội rất thương tâm : vấn đề con lai Mỹ-Việt và đòi hỏi một sự công bằng trong lương tâm tòa án. Để "thay lời tựa," Hồ Hữu Tường viết năm lá thư gửi văn hào J. Steinbeck, những bức thư này nhắc nhở tác giả Chùm nho uất hận đến thực tại phũ phàng của những đứa con lai Mỹ-Việt, đặt câu hỏi với lương tâm của một người đã từng cảm thông nỗi bất hạnh của những kẻ bị áp bức, khốn cùng. Ngày hôm nay, trong lương tâm ấy còn sót lại giọt nước mắt nào cho những người đàn bà lỡ làng bụng mang dạ chửa đứa con lai:

 

"Ông cỡi phản lúc mà đi vào chiến trường [...] Nhưng tôi cũng tin rằng ông không làm sao vào những xóm tồi tàn nhà lụp xụp làm bằng các hộp bỏ mà nghe những câu chuyện thương tâm của những bà mẹ bóp mũi con chết, chỉ vì hài nhi có mắt đục, tóc hoe và không cha." (trang 42-43)

 

Tiếc rằng cuốn Người Mỹ ưu tư tiếp đó lại rơi vào hướng khác. Hướng của một truyện dài trinh thám với những chi tiết éo le, những nhân vật chính đều có những hành tung ly kỳ và nhất là Loan Phượng có những nét "phi phàm," khó chiếm được lòng tin của độc giả.


Sở trường của Hồ Hữu Tường là tiểu thuyết trào phúng. Phi Lạc là một trong những nhân vật nổi tiếng của tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX. Chính Hồ Phi Lạc đã làm "thành danh" Hồ Hữu Tường. Bộ Ngàn năm một thuở gồm bốn cuốn đã in, nhưng chỉ cuốn đầu, Phi Lạc sang Tàu là thành công hơn cả. Những cuốn sau, viết vội, viết nhiều, đâm nhàm, làm giảm giá trị toàn bộ.

 

Là một thứ Ngộ Không made in Việt Nam "thời mới," Phi Lạc làm nổi bật những nét "đặc thù" trong "dân tộc tính" Việt Nam: dốt nát, khoác lác, thấy người sang bắc quàng làm họ, tự cao tự đại nhưng lại ranh vặt và ưa nịnh hót ... Những nét "đặc thù" này, không chỉ nằm trong "bản chất" Phi Lạc mà dường như chúng là "nội dung tư tưởng" của toàn thể nhân quần xã hội: từ thằng mõ đến ông tiên chỉ, từ ông tiên chỉ đến các vị bác học, anh hùng, đời trước, đời này, thảy đều rất tuồng, rất rỗng, khôi hài và bi đát.

 

Bi hài kịch của Phi Lạc bắt đầu từ... nguồn cội: Nó vốn là thằng mõ làng Phù Ninh, vô học, nhưng trót giả danh dòng dõi họ Hồ, có bà con với Hồ Thơm Nguyễn Huệ. Sự phét lác của nó đến tai thằng mõ Cổ Nhuế, một tên bịp bợm khác. Nhân muốn trả thù mõ Phù Ninh, Cổ Nhuế bèn "bán đứt" Phù Ninh cho sư Hồng Hạc, một vị chân tu người Tàu, được sứ mệnh xuôi Nam, tìm đến "thảo lư" rước Khổng Minh hiện đại về làm thánh sư, với nhiệm vụ phò Minh đuổi Thanh, phục quốc. Câu chuyện đưa ta vào một thế đồ bát quái, một thứ tiểu thuyết chiêu hồi lối Tàu, mà chống Tàu, trong đó tất cả những địa danh, tên người như Phù Ninh, Cổ Nhuế, Hồ Thơm, Hồ Thích, Phi Phúc, Phi Lạc... đều có những ẩn nghĩa trào phúng, dây mơ rễ má với nhau, đều có thể đảo lộn trật tự chính-tà, thật-giả, nhanh như chớp.


Tại sao sư Hồng Hạc lại có sứ mệnh đi Nam tìm thánh? ấy bởi bốn câu sấm đồ rằng của Minh Thành Tổ. Tại sao tìm đến mõ Phù Ninh? Bởi làng Phù Ninh (quê Ngọc Hân) ắt hẳn phải "sản xuất" ra con cháu... Hồ Thơm. Tại sao Hồng Hạc lại tin lời mõ Cổ Nhuế? (làng Cổ Nhuế vừa nổi tiếng buôn phân vừa chuyên sản xuất nhân tài, Cổ Nhuế xứng danh với Hồ Thơm) vì Hồng Hạc "tham khảo" ý kiến cụ Bác Cổ Viễn Đông Nguyễn văn Tố và chính cụ Tố "giới thiệu" mõ Cổ Nhuế cho Hồng Hạc như một sư phụ chuyên trị "cái biết" mà chẳng cần dựa vào "sách nào, trang mấy, tờ a hay tờ b, dòng thứ mấy" ...

 

Tất cả những vòng vo rất tam quốc này, nói lên tính chất lằng nhằng bòng bong của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng bộc lộ tính hú họa, mà người ta thường gọi là "ngẫu nhiên" của cuộc đời: Sai một ly, đi một dặm. Một sự nói láo có thể dẫn đến hậu quả hy mã lạp sơn hay tai ương chín tầng địa ngục. Nhất là khi những cái "hú họa" ấy lại được các vị bác học kim cổ như Hồ Thích đem ra phân tích và cho nó một "chứng từ" (trường hợp cái tên Hồ Phi Lạc) thì phải biết là uyên bác.

 

Phi Lạc sang Tàu là một tác phẩm phản kháng toàn diện. Một sự nổi loạn chống lại tất cả các hình thức từ chương, khuôn mẫu bào chế tư tưởng, chế nhạo những sự "mượn nhầm họ" mà họ Hồ là "nạn nhân" thời đại. Sự phản kháng của Phi Lạc có nguồn gốc sâu xa từ tự ái dân tộc, từ tình yêu dân tộc, nằm trong máu-óc Hồ Hữu Tường. Ông dùng một nhân vật cùng đinh, cùng khổ: thằng mõ (Cổ Nhuế hay Phù Ninh), cho nó làm đảo lộn trật tự tiên chỉ, làng xã; nó được thỉnh sang Tàu, sang Mỹ, sang Nga, như một cố vấn, một vị phu tử; nó làm "khuynh đảo" những "nền văn minh vĩ đại" bằng sự... tán dóc, nói láo. Sự đại náo của Phi Lạc, cũng như sự đại náo của Ngộ Không, tiêu biểu cho cuộc cách mạng thường trực của tư tưởng: luôn luôn phải đặt lại vấn đề, chống lại những trật tự có sẵn của những bậc thánh hiền hoặc giả hiền.


Trong Phi Lạc sang Tàu, Hồ Hữu Tường tấn công vào vạn lý trường thành của một ngàn năm đô hộ: Người Việt đã trở thành một thứ con nuôi của nhà Hán, sách vở "mở ra thì nếu không phải là 'Tử viết' thì cũng là một anh ba Tàu nào đó viết, chớ không có ai trích lục tư tưởng của một người Việt nào đó để mà viết."

 

Đối với Hồ Hữu Tường, sự thần phục người Tầu trên hơn hai ngàn năm, phát xuất trên núi từ Khổng Tử, Mạnh Tử, rồi hạ san xuống đến Mao, hậu Mao... như một feuilleton hồi đoạn, một sự xuống dốc ăn theo độ trượt không phanh của nước Tàu.

 

Để chống lại sự leo thang xuống dốc ấy, Phi Lạc như một con rối, đứng ngã ba đường, huơ tay, huơ chân, đánh trống, khua chuông, hú hồn những nhà tư tưởng Việt Nam như Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, như Đức Phật Thầy Tân An, như Cống Quỳnh... về nhập thế. Họ nhập vào Phi Lạc, nói ra những điều "minh triết" trong tư tưởng Việt.

 

Hình thức truyện nhại Tây Du, có chia hồi như Tam Quốc Chí. Cuộc Tàu du của Phi Lạc gần giống như cuộc Tây du của Ngộ Không và Hồng Hạc là hiện thân của Đường Tam Tạng. Tại sao lại đi Nam? Vì "xét ra không đâu mà Phật giáo được thịnh hành như ở cõi đất Nam này."

 

Hồng Hạc, muốn phiêu du, bèn vào trong một cái liêu để nhập thiền. Đang phiêu phiêu thì thấy một đứa trẻ ngâm mấy câu thơ, làm người giật mình tỉnh dậy, té ra là nó đang đọc Sấm Trạng Trình... Người bèn theo hướng sấm dẫn dắt mà đi ra khỏi Sài Gòn, đến Đa Kao gặp Cầu Bông, qua cầu tới một nơi khói hương nghi ngút. Hỏi ra là đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Tả quân thương tình, gọi sư Hồng Hạc ra mà giới thiệu với nhà khảo cứu nổi tiếng nhất nước Nam là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, và chính nhờ sự bác học của cụ Tố mà sư Hồng Hạc tìm được thánh nhân Hồ Phi Lạc, đưa về Tàu tôn lên làm cố vấn.


Hồ Hữu Tường đã thay Huyền Trang bằng Hồng Hạc, Ngộ Không bằng Phi Lạc và Tây Trúc bằng làng Phù Ninh. Một sự Việt hóa điển tích và chế biến kinh điển thành chuyện tiếu lâm hài hước, trong một thế giới mà Tả quân Lê Văn Duyệt đối thoại với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố mà thằng mõ Cổ Nhuế, Phù Ninh, trò truyện chính chị, triết lý, văn chương với Khổng Minh, Hồ Thích. Phi Lạc sang Tàu quảng bá cho đảng Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nó một ý nghĩa lịch sử chính trị trong sự chế giễu xã hội và các biện chứng của lý trí: đưa ĐiềmSấm ra như một ý thức dân tộc (duy linh) chống lại cái duy vật vô thần.

 

Phi Lạc sang Tàu còn là tiếng cười cay đắng của người dân nhược tiểu, biết mình kém thua đủ đường nhưng vẫn muốn nổi loạn, tìm chỗ đứng cao nhất trong lòng một cộng đồng nhân loại mà phi lý và bất công phủ trùm lên tất cả. Đây là một sự phản kháng toàn diện của những người thấp cổ bé miệng, của những trí thông minh xuất chúng, không tháo gỡ được thân phận mình ra khỏi sự gò ép của những cơ chế cứng nhắc mà tựu trung chỉ là những trò hề lập nghiêm. Phi Lạc đã đi vào lòng người và sẽ ở lại lâu dài bởi nó đã cười lên được cái bi đát của những thân phận cùng khốn, những kiếp mõ làng trong lòng những dân tộc nhược tiểu.

Paris, tháng 6/2003

Thụy Khuê

(Thế Kỷ 21 số 170, 171 & 172 Jun, Aug & Jul 2003)