24-09-2012 | VĂN HỌC

Xin Tỏ Chút Lòng Để Tạ Lỗi Xưa

    CHÂU HẢI KỲ

Năm 1946, một người bạn của Hàn Mặc Tử - anh N.Đ., tác giả "Luật Hỏi Ngã" - vì đi công tác, có giao cho tôi cất hộ tập "Tinh thần và tính chất trong thơ Hàn Mặc Tử". Đó là một bài nói chuyện của anh dài ngót 150 trang giấy khổ lớn mà anh có lần bảo với tôi: "Muốn in mà chưa có phương tiện".


Tôi đã trân trọng cất tập đó theo lời gửi gắm của bạn, đi đâu tôi cũng bỏ vào "xắc" mang theo người.

Năm 1949, tôi vô ý để một cái "xắc", mất luôn cả tập tài liệu kia. Từ ngày ấy, tôi ân hận hoài.


Chuộc lại phần nào lỗi mình, tôi định bụng viết lại, nhớ điều gì viết điều ẩy, nhưng công việc này chưa thực hiện, vì dù có đọc đôi ba lần đấy, tôi vẫn không dám tin ở trí nhớ của tôi.

Tình cờ một hôm tôi nghe một giáo sư, nhân dạy về thơ mới ở một lớp Đệ Nhị, giảng một bài thơ của Hàn Mặc Tử. Trước tiên, ông đề cập đến thân thế, rồi ông bắt sang bình phẩm nội dung bài thơ. Đại khái ông nhận xét: nội dung bài thơ chứng tỏ tinh thần của thi sĩ thác loạn, tình yêu ở ông thiếu tính chất cao quí, lành mạnh, trong sạch, có lẽ bắt nguồn, không phải ở bệnh hoạn, mà từ cuộc sống trụy lạc, sa đọa tinh thần hôi còn là học sinh giữa chốn đế đô sặc mùi vua chúa và lãng mạn. Rồi ông chứng minh điều ông giảng bằng các tác phẩm như sau:


Trong "Gái Quê", tình của cô gái, nói là quê, mà thật ra là đặc sệt tỉnh thành, nó rất mới, rất lơi lả và khêu gợi, lộ liễu cái tính ham mê xác thịt của thi nhân.


Trong "Thơ Điên", qua các tập "Mật đắng""Máu Cuồng và Hồn Điên", tác giả cũng nói đến tình yêu, nhưng cũng chỉ là thứ tình không sáng sủa của một kẻ thất vọng, quá khổ đau về trường tình, cho nên thực chất nó cũng không đẹp đẽ, mộng mơ gì, làm sao bảo được rằng đó là kết quả của mối chân thành rung cảm của thi nhân để khiến người đọc rung động được?...


Hiểu được tho Hàn Mặc Tử không phải là sự dễ. Vì thế tôi không dám tỏ ý kiến gì về lời nhận xét của vị giáo sư. Nhưng tôi đặt vấn đề tra cứu về đời học sinh của thi sĩ trong những ngày ở Huế, và luôn tiện tìm hiểu cho biết trường tình của nhà thơ để mong hiểu được đứng đắn một số bài tho của người quá cố.


May quá, tôi gặp một sư huynh trong dòng La-san hiện dạy tại trường Taberd, nguyên trước học trường Pellerin (nay là trường Bình Linh ở Huế), kém thi sĩ một lớp. Ông cho biết rằng: Hàn Mặc Tử thi vào lớp Đệ Nhất niên (bây giờ gọi là Đệ Thất) trường Pellerin đầu năm học 1928-1929. Không giỏi về toán và về sinh ngữ cho nên năm sau phải ở lại lớp. Tuy vậy, người bạn trên lóp ấy hiền lành và ngoan đạo. Ông bảo ông nhớ kỹ là vì hồi đó, dù ở Hàn Mặc Tử chưa thấy xuất hiện tài thơ, nhưng đã có tiếng là "học sinh có nhiều năng khiếu về Việt văn", trong khi, ở trường dòng, hầu như toàn thể học sinh đều chú trọng đặc biệt vào các môn sinh ngữ và toán.


Tài liệu sau đây chứng minh sự thật nói trên.

Được tài liệu sau đây, tôi thấy tôi đã hưởng một sự may mắn lớn lao. Tôi nghĩ vì lòng chân thành của tôi, hồn thiêng của thi sĩ quá cố đã xui tôi may mắn gặp được sư huynh trường Taberd và nhờ lòng sốt sắng của một sư huynh khác hiện dạy ỏ trường Bá Ninh Nha Trang viết thư giới thiệu và chuyển những điều tôi muốn hỏi ra trường Bình Linh. (Tới đây, tôi xin mở một dấu ngoặc đề có lời cám ơn các sư huynh ỏ trường Bình Linh đã chịu khó dở lại chồng hồ sơ cũ 36 nám về trước để tìm giúp tôi tài liệu vô cùng quí giá nầy, nếu không phải là trường có một truyền thống tổ chức chu đáo, biết gìn giữ tài liệu thì ngày nay đâu tôi có được cái hân hạnh kia? Tôi xin đóng lại dấu ngoặc).


Họ tên : Nguyễn Trọng Trí.

Ngày và nơi sinh: 22.9.1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới.

Chánh quán: làng Thanh Tân, tỉnh Thừa Thiên.

Tên: - Cha: Nguyễn Văn Toán

- Mẹ: Nguyễn Thị Duy

Vào học trường Pellerin ngày: 5.9.1928

Thôi học năm: 1930

(theo danh bộ của nhà trường)


Appréciations


1er semestre 1929-1930                                2e semestre 1929-1930

Langue frse: a fait quelque progrès.             reste stationnaire. 

Mathématiques: très ordinaire.                    assez bon quoique irrégulier.

Sciences: Elève travailleur,                         sérieux ẹt appliqué. 

    a fait beaucoup de progrès.                        Résultats satisfaisants.

Histoire: Bonne mémoire.                             Assez bon.

et Géographie: résultats satisfaisants.

Dessin et Ecriture: Assez bon en écriture.  Assez bon dans l'ensemble.

                                Faible en dessin.

Langue annamite: Bon pour la traduction.    Premier en rédaction  annamite.

Appréciations du directeur:

    Assez bon ensemble (ler semestre)

    Résultats assez satisfaisants (2e sem.)

(Sao học bạ của Nguyễn Trọng Trí)


Vấn đề tìm hiểu đời học sinh của Hàn Mặc Tử như thế cũng tạm giải quyết. Đến câu chuyện tình yêu của tác giả "Gái Quê" thì năm 1961 tôi đã tìm gặp Mộng Cầm, người yêu của Hàn Mặc Tử. Sau cuộc gặp gỡ - cũng may mắn này - tôi có viết bài đăng trong tạp chí Phổ Thông số 63 - Bộ Mới - ra ngày 15.8.1961. Tôi xin mạn phép sao lại toàn văn bài của tôi để cống hiến bạn đọc Văn thêm một tài liệu và nhà thơ quá cố Hàn Mặc Tử:


"Tôi được biết bà Mộng Cầm hiện còn sống ở Phan Thiết, và là thứ mẫu của một em nam sinh học với tôi năm trước đây. Bà muốn sống êm thấm, vui với chồng con hiện tại mà không muốn đả động đến "mối tình hồi con gái", cho nên bà từ chối mọi cuộc gặp gỡ hỏi han về "mối duyên văn nghệ xa xưa" dù là với người quen thuộc cho mấy đi nữa.


Tôi đi ngang nhà bà mấy lần, mấy lần nhà đóng im ỉm, hỏi người ở thì "chủ nhân vắng nhà".

Tôi không chán nản. Chờ em học sinh cũ của tôi đi học Sàigòn về, nhờ em giới thiệu...

Nể tôi là thầy dạy con bà, bà nhận lời. Và một buổi chiều thứ bảy nọ, tôi đi với em học sinh đến nhà.

Tôi ngồi nơi phòng khách chờ một lát thì chủ nhân ở phòng bên đi ra. Tôi đứng dậy chào.


Bà khuôn mặt đầy đặn, nước da dù trắng trẻo, mịn màng cũng được trang điểm qua loa một làn phấn lợt thêm hồng đôi má, bên cặp môi cũng một màu hồng. Nếu không để ý đến cái thân thể cũng như cử chỉ, dáng điệu trang trọng xứng hợp với một nữ trung niên khuê các, mà chỉ nhận diện bằng "khuôn mặt nép bên hoa" thôi, thì mặc dù bà đã bốn mươi có lẻ, trông bà hãy còn đẹp đẽ, duyên dáng như một cô gái vừa quá tuổi trăng tròn.


"Nhân diện đào hoa tương ánh hồng". Câu thơ của Thôi Hiệu tự dưng đến trong não tôi. Tôi thầm nói trong não: Khuôn mặt ấy, bảo xưa kia Hàn Mặc Tử không cảm sao được.


Bà mời tôi ngồi. Bây giờ tôi mới để ý tay bà cầm một cái lẵng bằng mây đựng ít lá trầu, đôi trái cau, một cái ve con đựng vôi hồng, và miệng bà đương lúng búng miếng trầu ăn dở. Bà mặc quần lãnh đen, áo ngắn hàng màu trắng - thứ áo khách mổ bụng của người miền Trung - mà không áo dài hoa hoè trịnh trọng. Ở bà thể hiện con người của hai thế kỷ, vừa mới vừa cũ, "vừa tây vừa ta", nửa quê nửa tỉnh, nửa đài các nửa bình dân. Mặt hoa da phấn, môi bôi son, mà bới tóc, nhai trầu. Tuy vậy bà rất tự nhiên và lịch sự. Trong trí tôi lúc bấy giờ nảy ra không biết bao nhiêu ý tưởng hay hay vừa lạ lùng, vừa thích thú. Bà tiếp tôi với tính cách một người thân trong gia đình, nhờ đó, câu chuyện khởi đầu niềm nở, thân mật ngay.


Sau đôi câu xã giao vì sao mà biết được bà là thứ mẫu của em học sinh, tôi đề cập ngay đến mục đích cuộc viếng thăm. Đầu tiên, tôi hỏi trường hợp nào đã khiến bà quen thân Hàn Mặc Tử?

Bà với tay lấy ống nhổ, nhổ hết miếng trầu, xong bà điềm nhiên kể cho tôi nghe:


- Năm ấy tôi mười bảy tuổi, tôi học lớp Nhất trường Nam Phan Thiết. Tuy học lớp Nhất, nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm tôi thường đến học thêm Viết ngữ với cậu Bích Khê tôi. Cậu có mở một lớp đêm cho những ai muốn học thêm và có chỉ dẫn làm thơ ván. Những bài thơ tôi làm ra toàn thơ Đường luật, tôi đăng báo "Công Luận" trong Nam.

Một hôm, đến trường, tôi tiếp một bức thư do nhà dây thép đưa lại Đó là bức thư đầu tiên Hàn Mặc Tử gửi cho tôi. Trong thư, Hàn Mặc Tử tỏ ý cốt tìm cho biết để giao thiệp trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mặc Tử một đôi lần, nhưng không biết Hàn Mặc Tử là ai và cũng không biết, bằng cách nào, Hàn Mặc Tử biết được địa chỉ của tôi. Vì lúc nầy, theo như trong bức thư gửi cho tôi, Hàn Mặc Tử đang làm Sở Đạc điền ở Qui Nhơn.


Tôi bận học thi Tiểu học, cho nên một tháng sau tôi mới trả lời. Bắt đầu từ đó, chúng tôi thường có thư đi lại cho nhau, nhưng cũng toàn nói chuyện văn thơ.

Nhân nghe bà dì tôi bị bắt, Hàn Mặc Tử có gởi vào tôi một bài thơ để tặng bà. Đó là bài thơ đầu tiên Hàn Mặc Tử gửi cho tôi.


Tôi xin bà đọc cho tôi nghe bài thơ.

Bà nghĩ ngợi trong giây phút, đưa tay lấy miếng trầu cau bỏ vào miệng nhai, rồi quay mặt ra đường, đôi mắt hơi trầm ngâm ngó xuống như để nhớ lại, một chặp bà quay lại và tiếp:

- Tôi quên mất hai câu đầu mà chỉ nhờ có sáu câu dưới:

......

Ghen tuông trời nỡ đem đi giải,

Yếu ớt ông đành bắt bỏ giam.

Ôi lũ con đen nhìn bất nhẫn,

Thương cô má đỏ cực vô vàn,

Ai xui cớ sự ra nên nỗi,

Mưa khóc lu bù gió thở than.


Chúng tôi giao thiệp như thế được chùng năm, sáu tháng thì tôi phải về Quãng Ngãi Cuộc giao thiệp gián đoạn. Về Quãng Ngãi, tôi gặp một ngươi bạn học cũ mới hay chính chị bạn tôi quen với Hàn Mặc Tử, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ. Chị cũng cho biết Hàn Mặc Tử vừa thôi làm Sở Đạc diền, và vào Sâigòn viết giúp các nhà báo "Sàigòn Mới""Phụ Nữ Tân Văn".


Ở Quãng Ngãi mấy tháng, tôi trở vào Phan Thiết. Tôi ra Mũi Né ở học "cô đỡ" với cậu tôi là ông L.Q.T. (anh lớn của Bích Khê).

Tình cờ đọc "Sàigòn Mới, cậu tôi thấy Hàn Mặc Tử nhắn trong mục Thư tín: "Chị Mộng Cầm ở đâu cho biết địa chỉ...", ông mới hỏi tôi: "Hàn Mặc Tử là ai mà cứ nhắn hỏi cháu hoài, sao cháu không trả lời?"


Bà nghỉ nói, cầm ống nhổ lên nhổ trầu. Nước trầu quến đỏ tươi. Tôi để ý bà nhai chậm rãi, gọn gàng, nước trầu không vệt ra ngoài môi. Nhưng tôi thấy đôi môi bà như hồng thêm và đôi má cũng ửng thêm. Bà đứng lên mở đôi cánh cửa sổ, ngoài trời những chòm mây đã tan dần để lộ những quãng trời xanh quang đãng. Chút ít ánh nắng lợt lạt theo một luồng gió lạnh ùa vào phòng đậu trên khuôn cửa. Em học sinh mang nước trà vào. Bà ngồi lại, mời tôi uống nước, rồi tiếp:


- Tôi kể câu chuyện quen biết trong mục đích trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép; tôi viết thư cho Hàn Mặc Tử .

Thư từ đi lại mật thiết trong mấy tháng. Thì một chiều thứ bảy nọ, vào khoảng tháng Tư, Năm, Hàn Mặc Tử ra Phan Thiết. Anh mướn đò đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho bệnh nhân, ông phu nhà thuốc vào đưa tôi một danh thiếp trên có đề mấy hàng:


            HÀN MẶC TỬ

        Chef Cercle d'Etude

 

                                       Qui Nhơn


Tấm danh thiếp này tôi giữ mãi làm vật kỷ niệm bất ly thân cho đến lúc gần đây mấy tháng, vì đứa em họ tôi nó xin khẩn thiết quá, tôi mới cho nó. Hiện nó giữ bo bo và ai xin cho coi nó cũng không đưa, chỉ sợ mất.


Tôi bảo ông phu ra thưa chờ tôi một chút. Tôi làm thuốc cho người bịnh xong, đi ra thì thấy một chàng thanh niên mặc âu phục xoàng xĩnh đang đứng ở cửa bệnh xá.

Sau khi chào hỏi, tôi mời vào nhà, giới thiệu với cậu T. tôi. Cậu tôi để cho chúng tôi tiếp chuyện tự nhiên. Kể ra, vào thời đại nam nữ phải cách biệt, mà được như vậy cũng là đã tự do lắm. Hàn Mặc Tử xin cậu tôi, sẵn có đò, cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ tôi giới thiệu để gặp Bích Khê mà anh hằng ao ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết.


Gặp hôm có trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm sông nước mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mặc Tử không đẹp, nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới hai mươi bốn tuổi, song trông người anh yểu tướng, tôi in trí thế nao anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đò, tôi đã ngờ ngay từ hôm đó là anh có bịnh phung, hai trái tai anh hơi đỏ đỏ má dày dày. Vì có học ỏ nhà thương nên tôi biết triệu chứng, tuy vậy tôi chưa dám chắc. Đến sau này, tôi gặp được anh Nguyễn Thông, bạn học cũ của tôi, cùng làm Sở Đạc điền với Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn cho biết: "Chị có biết Hàn Mặc Tử bị phung không? (thời kỳ còn nhẹ)". Tôi mới chắc chắn.


Tôi xin phép ngắt lời bà và hỏi một câu:

- Như vậy, xin lỗi bà, bà có đi Lầu Ông Hoàng và có gặp mưa không?

- Tôi nhận có đi chơi Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa, nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị phung như anh Quách Tấn đã viết. Nếu Hàn Mặc Tử bị phung sao tôi không hề gì cả? Hai người cùng ngồi núp mưa một chỗ kia mà.


Rồi bà trở lại vấn đề "chuyến đò Mũi Né": Đoán Hàn Mặc Tử có phung, song tôi không nói ra; tôi vẫn một lòng kính trọng anh. Đò đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy tại đây. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều lại, anh đáp chuyến tàu suốt trở về Sàigòn.


Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Lẽ đó mà Hàn Mặc Tử ra vào thường, thứ bảy nào anh cũng có mặt tại Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào. Một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi.

Tôi có trả lời anh: "Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng."

Anh hỏi lý do.

Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn được một người chồng mạnh mẽ, tráng kiện... Tuy vậy, chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật, hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử nài nỉ tôi dẫn về Quãng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn tôi ngụy biện để từ chối: "Em nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu em."

Tôi xin lỗi ngắt lời bà:


- Tôi xin hỏi thật bà: bà không muốn đến hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mặc Tử bà có lúc nào cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc giao du thân mật đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sã với bà chua?

- Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn nghệ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới, cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng còn khờ lắm. Tôi xin kể cho ông nghe một trường hợp thi vị:


Hàn Mặc Tử in tập "Gái Quê". Anh đem sách ra nhượng cho các tiệm, nhưng không một tiệm nào chịu mua cả. Anh đem về cho tôi. Tôi nhận đi làm cái công việc ấy. Tôi đem ra các tiệm, chỉ trong một buổi sáng tôi bán xong 50 tập. Tôi hí hửng về khoe với anh. Tôi khờ quá ông ạ. Tôi tưởng rằng cứ bán rẻ là người ta mua. Mà người ta mua thiệt. Giá sách 0$35 một cuốn mà tôi chỉ bán có 0$28 hay 0$30.

Nghe tôi thỏ thẻ :

- Em bán rẻ hơn anh cho nên người ta mua.

Hàn Mặc Tử cười bảo:

- Anh bán thơ chứ anh đâu có bán giấy.


Đồng hồ gõ năm giờ. Tôi định hỏi sang những bài thơ, những bức thư tình của Hàn Mặc Tử gửi cho bà mà hiện bà còn nhớ hay còn cất ở đâu không, thì chồng bà về. Bà giới thiệu tôi là thầy của em học sinh và cũng cho ông biết lý do cuộc viếng thăm của tôi.

Thấy như vậy cũng tạm đủ, tôi ngồi chuyện vãn cùng ông trong mấy phút, rồi đứng dậy xin kiếu từ."

(trích Văn số 179 - 1.6.71)

Châu Hải Kỳ

Phần phụ lục Hồi ký "Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử"
Quách Tấn, Quê Mẹ, Paris 1988