24-09-2012 | VĂN HỌC

Thi hào Hàn Mặc Tử

    THÁI VĂN KIỂM

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại làng Lệ Mỹ (1), cũng gọi là Tam Tòa (2), khu vực Công giáo Đồng Hới (3), thuộc tỉnh Quảng Bình. Thân phụ là Nguyễn Văn Toàn, viên chức của Sở Thương Chánh (Quan Thuế), gần nhà thờ Công Giáo địa phương, đối diện với sông Nhật Lệ (4), nơi đã xảy ra nhiều trận đánh quyết liệt trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh.


Trong khung cảnh đầy di tích lịch sử và đượm mùi tôn giáo với hương thơm kín đáo tản mạn trong hầu hết thi phẩm của chàng, Hàn Mặc Tử đã lớn lên bên bờ đại dương nơi sớm chiều những làn sóng dịu dàng mơn trớn, những bức tranh cổ kính rêu phong; và chính nơi đây Nguyễn Trọng Trí, thánh danh Pierre Francois, đã sống một quãng đời thơ ấu êm đềm, vô tư trong một gia đình đạo đức.


Những đêm trăng huyền ảo, gió biển thổi vi vu xuyên qua những rặng phi lao mơ buồn bên bờ biển chính là lúc cậu Trí lắng nghe những khúc hát điệu hò từ nghìn xưa trên sông vang lại:


Núi Đầu Mâu (5) cao bao nhiêu trượng?

Sông Linh Giang (6) sâu mấy nghìn trùng?

Cắm thuyền đợi bạn tri âm,

Non mòn sông cạn lòng nàng không phai!


*


Tiếp hát ngư ông giũa sông Nhật Lệ,

Tiếng kêu đàn nhạn về áng Hoành Sơn,

Một mình em ngồi giữa lòng thuyền,

Tiếng ca du nguyệt đoạn trường ai hay?


Những khúc hát bình dân đầy thi vị và tình tứ này là cái vốn quý báu, là hương hỏa của Tổ tiên truyền lại cho dân ta, tạo dựng cơ bản cho văn hóa Lạc Việt vững chãi và trường tồn, mặc dù phải trải qua nhiều cuộc bể dâu và biết bao thăng trầm của lịch sử. Ngân lên giữa một bầu trời bao la, trong sáng, những bài hát câu hò bình dị đã ảnh hưởng sâu đậm tâm hồn của nhà thơ tương lai.


Ra đời trước sản kỳ của thân mẫu, Nguyễn Trọng Trí đã bị bẩm chất suy nhược từ nhỏ, khiến cho sau này nhà thơ phải chịu đau đớn nhiều trong một tấm thân tàn phế suốt đời. Cách mấy năm sau, thân phụ trúng tuyển kỳ thi Tham Tá Thường Chính, phải từ giã Đồng Hới vào nhậm chức ở Sa Kỳ, một hải khẩu nhỏ ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Rồi theo bước công danh, gia đình ông Tham Trí phải liên tiếp đổi chỗ ở, hết Bồng Sòn (Bình Định) đến Qui Nhơn, và sau cùng trở lại Sa Kỳ. Thế là nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống luôn luôn trên bờ biển, từ thuở còn nằm trong nôi cho đến khi từ giã cõi trần.


Nguyễn Trọng Trí theo đuổi chương trình tiểu học ò Quảng Ngãi đến 1926, là năm thân phụ qua đời tại bệnh viện Huế. Việc tang xong, cả gia đình dọn đến ờ chung với người con trưởng Nguyễn Bá Nhân, hồi ấy làm thầu khoán cho Sở Lục Lộ Qui Nhơn. Như thế là gia đình của Trí gồm có: Mẹ là bà Nguyễn Thị Duy, anh cả Bá Nhân, hai chị Như Nghĩa, Như Lễ rồi đến Trí và hai em trai Bá Tín, Bá Hiếu. Gia đình có đủ Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín còn thêm chữ Hiếu nữa cho đủ Lục Đức.


Theo nhà văn Trần Thanh Mại, tiên tổ Nguyễn Trọng Trí nguyên họ Phạm, ông cố tên Phạm Nhương, ông nội là Phạm Bồi, vì liên quan quốc sự nên từ Nghệ Tĩnh trốn vào Thừa Thiên và đổi ra họ Nguyễn để tránh né sự truy lùng của nhà chức trách thời đó.


Theo thi sĩ Quách Tấn thì lúc đầu, bút hiệu nhà thơ họ Nguyễn là P. T. Qui Nhơn, ký dưới mấy bài thơ đăng trong Phụ Nữ Tân Văn, Sài gòn, sau mới biết là Phong Trần, thư sinh bạch diện của trường trung học Qui Nhơn. Sau đó, Trí vào Nam làm báo, nhờ một bài thơ ký bút hiệu Lệ Thanh (do chữ đầu sinh quán Lệ Mỹ ghép với chánh quán Thanh Tân - Thừa Thiên) trúng giải thưởng của một Thi xã Gia Định mà được nổi tiếng.


Khoảng 1934-1935 , Trí được báo Sài gòn mới giữ mục văn chương, rồi Trí chủ trương mục Công Luận Văn Chương và viết giúp các báo Trong Khuê Phòng, Tân Thời. Thời kỳ này, Trí sống cuộc đời bừa bãi, ở những gác trọ thiếu kém vệ sinh, xóm Chợ Cũ, Sài gòn, và có thể từ đó đã tiêm nhiễm vi trùng cùi (bacille de Hansen), ẩn núp cả chục năm mới xuất hiện chứng bệnh. Vào Nam trong những năm 1950-51 để công tác thông tin, báo chí, tôi đã cố gắng tìm kiếm căn phòng trên tầng gác trọ nhà 107 đường d'Espagne cũ, là nơi đã dung dưỡng nhà thơ.


Có người chê bút hiệu Lệ Thanh quá yểu điệu thực nữ, Trí bèn đổi ra Hàn Mặc Tử, có nghĩa là Người Trong Rèm Lạnh (Hàn Mạc). Trong một cuộc viếng thăm Quách Tấn (tác giả tập thơ Mùa Cổ Điển), Trí bị trêu chọc và chính Quách Tấn khuyên Trí nên thêm dấu "ă", mái trăng non, trên chữ "a" của chữ Mạc, thành ra Mặc. Và như thế đổi đượcc nghĩa ra hàn mặc là bút mực, Hàn Mặc Tử là Người Bút Mực, nghĩa là Nhà Nho, Nhà Văn.


Bước đầu trên trường văn thơ

Nhà thơ cổ điển


Học đòi anh cả Bá Nhân, Trí làm những bài thơ đầu tiên theo Đường Luật. Năm 15 tuổi, chàng lấy thi hiệu Minh Duệ Thị, Thi tài sớm nảy nở đã biểu lộ trong bài diễm tình thi Gởi chim Nhạn sau đây:


Vội vàng chi lắm nhạn lừng mây

Chầm chậm cho mình gởi mối dây,

Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã,

Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay.

Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi,

Chỉ một lòng son muốn giải bày.

Này nhạn ta còn quên chút nữa,

Con tim non nớt tặng nàng đây.


Trong nhiều bài thơ khác, chúng ta còn tìm thấy nhiều câu đượm mùi cổ kính:


Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

(Đêm Không Ngủ)


Vẻ đẹp chốn kinh đô trầm lặng và huyền bí có một sức hấp dẫn mãnh liệt khiến cho một buổi sớm kia, sau khi được mẹ và anh cho phép, Trí đáp tàu ra Huế theo học trường dòng Pellerin, bên dòng sông Hương thơ mộng. Nhưng chàng đã say theo nàng Thd quyến rũ hơn là môn Toán học khô khan! Vốn là người đa tình đa cảm, chàng không thể thờ ơ trước vẻ đẹp dịu dàng của những thiếu nữ Thần Kinh, dù cho người đẹp đã xuống tóc, vào chốn thiền môn tu thân tích đức:


Rừng thiêng thấp thoáng dạng quần thoa

Khuê các trâm anh cũng rứa à?

Mùi tục chưa chi mà vội chán!

Cuộc đời mới thế đã lo xa!

Nhạt mùi son phấn say mùi đạo,

Chán cảnh phiền ba mến cảnh chùa.

Dì nguyệt trớ trêu lòng dạ hiểm!

Trăm năm nở để thiệt thòi hoa

Gái ở chùa


Ta phải công nhận bài thơ này là một viên ngọc toàn bích, cho nên các cụ Phan Bội Châu và Ưng Bình Thúc Giạ đã không ngớt lời khen. Và nhà giáo Ưng Thiều dạy Việt Văn ở Trường Petrus Ký, trong mấy lần gặp chúng tôi ở Nha Văn Hóa, vẫn xác nhận Hàn Mặc Tử là một hiện tượng kỳ lạ (un cas phénoménal)!


Một cuộc cách mạng văn chương

Nhà thơ lãng mạn



  Hương Giang Thái Văn Kiểm

Vào năm 1932, một cuộc cách mạng văn chương lãng mạn đã thật sự xảy ra tại Việt Nam. Cuộc cách mạng này được chuẩn bị từ năm 1925 bởi những nhà văn học thuộc văn phái mới như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với văn tập Khối Tình Con, Song An Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm, Tương Phố nữ sĩ với trường ca Giọt Lệ Thu. Tuy thế, phải chờ đến ngày 10.3.32 tạp chí Phụ Nữ Tân Văn đăng bài thớ mới Tình Già của Phan Khôi, Tân Văn Phái mới được khẳng định. Bài thơ này bất chấp niêm luật, thỉnh thoảng có vần, đọc lên nghe êm tai và khích động tâm hồn, không gò bó như thơ cũ, đã gióng lên hồi chuông canh tân trong làng văn học. Bài thơ diễm tình này là cả một tiếng gọi khiêu chiến với các nhà thơ phái cổ.


Phái thơ mới muốn vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của Đường luật để cho câu thơ được một thề cách tự do hơn, với phép gieo vần không quá nghiêm khắc, số chữ của mỗi câu không hạn định. Và từ đấy những bài sẽ được cảm tác theo yên sĩ phi lý thuần (inspiration) của tao nhân mặc khách. Thơ cũ có tính chất súc tích, tổng hợp và cân đối bao nhiêu thì thơ mới có vẻ canh tân, rộng rãi và phóng khoáng bấy nhiêu. Theo dấu chân của phái lãng mạn Pháp, đồng thời hấp thụ văn học Âu Tây, văn phái lãng mạn Việt Nam chiếm được một địa vị ưu thế về tình cảm và có óc tưởng tượng. Thời đó là lúc thịnh hành của chủ nghĩa cá nhân và của ý chí thoát ly gia đình với những ràng buộc gắt gao của truyền thống và tập quán từ ngàn xưa để lại. Cái "Ta" không còn là một vạt khả ố nữa (le moi n'est plus haissable), nó được trưng bày khắp nơi trong sự trần truồng thỏa thích, lập dị và rên than.


Chẳng những có tinh cách cá nhân, nhà thơ lãng mạn còn tiến đến tính cách ngoại lệ (vô tiết độ, hiếu lạc, phóng đãng...) và ưa có thái độ phi thường, như ta thấy trong Thơ Ngông của Tản Đà, Thơ Điên của Hàn Mặc Tử và Thơ Say của Vũ Hoàng Chương. Nguyên ủy hai chữ lãng mạn là sóng nước phóng túng, không có gì bó buộc, tràn ra không có gì ngăn chặn.

Pháp gọi là Romantisme như nhà thơ Alfred de Musset đã giải thích gọn gàng trong một câu: Lãng mạn là một ngôi sao ứa lệ, hỏi gió rên gào, bóng đêm run rẩy (Le romantisme, c'est l'étoile qui pleure, c'est le vent qui vagit, c'est la nuit qui frissonne... c'est le jet inespéré, l'extase alanguie...) (Mélanges de Littérature et de Critique).


Chống lại phái cổ điển quá mùa chuyên mượn đề tài trong chuyện cổ nước Tàu, quá thiên trọng về điển tích, phái lãng mạn Việt Nam diễn tả cảm tình, tư tưởng của mình trong lời văn thuần túy Việt Nam dễ hiểu và tìm nguồn cảm hứng ngay nơi quê hương xứ sở, trong hoàn cảnh thiên nhiên, trong các đạo giáo, những đề tài xưa mà mới mẻ, chẳng hạn như tập thơ Điêu Tàn của Chế Lan Viên than khóc nền văn minh Chiêm Thành ngày xưa rực rỡ mà ngày nay điêu tàn!


Sự chống báng giữa hai phái văn đã gây nên một cuộc bút chiến kịch liệt, những cuộc tranh luận sôi nổi và chua cay. May thay, trong phái mới đã xuất hiện nhiều thi sĩ có chân tài và nghệ thuật điêu luyện của họ có thể chứng minh cho giá trị Thơ Mới, với những thi phẩm siêu đẳng của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông (7), Thái Can v.v...


*


Chúng ta hãy bước vào năm 1936 để thấy Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập thơ mới đầu tiên là Gái Quê, do Phạm Văn Ký, Tiến sĩ Văn chương đề tựa (8). Trong Gái Quê, nhà thơ đã gởi gấm khá nhiều tâm tình cho người yêu đầu tiên là Hoàng Cúc, quê quán Vỹ Dạ, Thừa Thiên, mà sau này chàng sẽ gập lại ở đường phố Khải Định ở Qui Nhơn. Người đẹp Hoàng Cúc đã ảnh hưởng nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, ví dụ như Vịnh Hoa Cúc, Trồng Hoa Cúc, và nhất là bài thơ trứ danh Đây Thôn Vỹ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và phổ biến khắp năm châu trên 40 năm nay:


Đây Thôn Vỹ


Sao anh không về nơi thôn Vỹ,

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc,

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay,

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo xem trắng xóa nhìn không ra...

Ở đây sương gió mờ trăng ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?


Qua bài thơ này, chúng ta nên tìm hiểu hai chữ Vỹ (hay Vĩ) Dạ vô cùng hấp dẫn: Vĩ (Vi) là lau, lau lách, cũng như Vi lô là lau sậy. Còn chữ Dạ là đồng, cánh đồng. Biết rằng: Vĩ là biến dạng của Vi, Dạ là biến dạng của Dã, vậy thì Vĩ Dạ là cánh đồng mọc đầy lau lách, loài thảo mộc luôn luôn ám ảnh Hàn Mặc Tử, như ta nhận thấy trong bài thơ Bẽn Lẽn:


Bẽn Lẽn


Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi,

Hoa lá ngây tình không muốn động,

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!

Trong khóm vi lau rào rạt mãi,

Tiếng lòng ai nói sao im đi

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng lắm,

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe...

Vô tình để gió hôn lên má,

Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm,

Em sợ lang quân em biết được,

Nghi ngờ cái tiết trinh em.


Ngoài những "vi lô san sát hơi mây", chúng ta nhận thấy có trăng sao rọi trong dòng suối, lại thêm làn gió hữu tình lọt vào màn, hôn lên má lúc đêm khuya, khiến cho Nàng thẹn thùng bẽn lẽn, ái ngại lang quân nơi xa vắng... Những yếu tố thiên nhiên đó là những ám ảnh thường xuyên trong thi ca Hàn Mặc Tử. Còn khuôn mặt chữ Điền có lá trúc che ngang chính là khuôn mặt của Nàng Thơ Hoàng Cúc, mối tình đầu của Hàn Mặc Tử.


Thi tập Gái Quê ca ngợi đời sống bình dị, hiền lành của những cô gái quê, cuộc sống thanh thản hàng ngày nơi xóm làng, đồng ruộng, qua những phong tục miền quê, những cuộc tình duyên đắp xây với hoa đồng cỏ nội, những nét đan thanh của mạ mùa, lúa chín, luống sắn nương khoai, của những tà áo màu nâu màu chàm, bay lượn dưới bóng tre xanh hay bên đồi cỏ lục:


Mùa Xuân Chín


...

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi,

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.


khiến cho lòng Trí cũng bâng khuâng rạo rực:


Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng!

Chị ấy năm nay còn gánh thóc,

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.


Triệu chứng của bệnh phung

Nhà thơ điên


Cuối năm 1936, những triệu chứng của bệnh phung ghê gớm phát hiện một cách rõ rệt. Hàn Mặc Tử rất đau đớn trong thể xác, quyết định sống riêng biệt ở Gò Bồi, gần bờ biền, ở khoảng giữa Qui Nhón (9) và Gành Ráng (quê hương của nữ sĩ Ngọc Sương Huyền Châu, hiện sống ở Paris 13). Nhà thơ đã kiên trì, chịu đựng những thiếu thốn, khổ cực trăm bề để mà sống lây lất trong một căn nhà tranh rách nát, mưa táp gió lùa... Gò Bồi cách Qui Nhơn 15 cây số là nơi nhà thơ trú ẩn, đoạn giao với xã hội loài người!


Cuối năm 1937, Hàn Mặc Tử tập họp tất cả những bài thơ Điên thành một tập nhan đề Đau Thương, đặc hiến cho Nàng Trăng huyền diệu mà tâm hồn chàng luôn bị ám ảnh, những muốn lướt đến trên một phi thuyền không gian! Nơi nào Hàn Mặc Tử cũng thấy trăng, toàn là trăng gieo rắc cho thế gian một bầu ánh sáng huyền ảo, linh lung và kỳ diệu. Nhà thờ cũng gán cho trăng cái tâm lý của con người, đích thực là Hằng Nga với ghen tuông hờn giận, say đắm yêu đương...


Hình như những tia sáng huyền ảo do trăng chiếu xuống trần gian đã gây được ảnh hưởng về tâm linh và còn có tác dụng chữa bệnh cho thiên hạ, đặc biệt là cho những người bị chứng phong hủi. Hơn nữa, mặt trăng thuộc về âm, biểu tượng cho âm lịch ngự trị toàn cõi Đông Á từ mấy chục thế kỷ. Nhà thiên văn học Charles Nordmann nhận rằng: "Khi trăng giãi bóng hoa tử đinh hương trên cánh đồng sương phủ, ai mà không cảm thấy mơ mộng êm đềm? Cả đến loài thú cũng biết say đắm chị Hằng, và khắp nơi trong thiên hạ, chó đều sủa trăng". (Quand la lune fait pleuvoir d'impalpable lilas sur la plaine vaporeuse, quel être humain ne se sent porté à rêver doucement? Les animaux eux mêmes sont un peu lunatique et, dans tous les pays du monde, les chiens aboient à la lune).


Bị trăng ám ảnh và thôi miên, Hàn Mặc Tử đã có nhiều ảo tưởng thanh cao, kỳ diệu:


Gió rít từng cao trăng ngã ngửa,

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô,

Ta nằm trong vũng đêm trăng ấy,

Sáng dậy điên cuồng mửu máu ra!

(Say Trăng)


Hồn thi sĩ sẽ thoát ra khỏi xác đề bay vào giữa khoảng trăng sao. Trong những cuộc viễn hành đó, chàng đã ghi lại nhiều ấn tượng lạ lùng:


Vì không giới nơi trầm hương vắng lạnh,

Nên hồn bay vùn vụt tớ trăng sao.

Sóng gió nổi đùng đùng như địa chấn,

Và muôn ngàn thần phách ngã lao đao.

Cả hôi hám muôn xưa theo ám ảnh,

Hồn chơ vơ không biết lạc vào đâu?

Và vương phải vô vàn tinh khí lạnh

Hồn mê man bất tỉnh một hồi lâu.

(Hồn Lìa Khỏi Xác)


Trong sự cô quạnh thê thảm, Hàn Mặc Tử đã chiến đấu một cách vô vọng với chứng bệnh. Tuy vậy chàng vẫn còn một tia hy vọng sau cùng: các bạn bè, thân thuộc, những đệ tử thân thương trong vùng Bình Định như Ngọc Sương ở Gánh Ráng thỉnh thoảng tìm đến viếng thăm, có người còn gửi chút ít tiền cho chàng thuốc thang điều trị. Hồi đó chỉ có thứ thuốc sulfones thuộc loại sulfamides là một thứ dầu trích từ hạt cây mốc chó mà người Cao Miên gọi là chaulmougra, chứ chưa có thuốc đặc biệt dialide do hai nhà bác học Việt Nam Bửu Hội và Nguyễn Đạt Xường phát minh tại Pháp. Nhưng khốn nạn thay, những thứ thuốc gia truyền, kể cả chút ít vàng lá, vàng bột cứ thế mà nuốt vào, đã không làm giảm bệnh mà ngược lại còn làm cho bệnh thêm trầm trọng. Bấy giờ Hàn quân như một cái xác ướp Ai Cập, da bọc lấy xương, trông rất thảm hại!


Cảm thấy vô phương trước nan y tứ chứng (phong, lao, cổ, lại), Hàn quân quyết định tuyệt dược, chịu đau đớn hoàn toàn trong yên lặng. Và từ đó Hàn Mặc Tử chỉ biết cầu nguyện Hóa công dung thân vạn đại! Chính lúc đó, những kỷ niệm xa xưa về một mối tình tuyệt vọng bỗng nhiên xuất hiện trong ký ức làm gia tăng sự đau khổ đến cực độ. Người nhớ lại cách đây mấy năm đã làm quen và thương yêu tha thiết một thiếu nữ địa phương tên Mộng Cầm.


Lúc gặp nhau ở Nha Trang năm 1953, thi sĩ Quách Tấn cho tôi biết Mộng Cầm là cháu của thi sĩ Bích Khê, em ruột nữ sĩ Ngọc Sương. Cả gia đình này quê quán ở Thu Xà, Quảng Ngãi. Hai chị em vào Phan Thiết mở trường dạy học.


Đối vòi Ngọc Sương, Hàn Mặc Tử tỏ nhiều tình cảm qua thi văn, còn đối với Mộng Cầm thì mối tình của Hàn Mặc Tử rất đậm đà và chân thực. Hai người đã thật sự yêu nhau đắm đuối. Mối tình này bắt nguồn từ một tin rao vặt trên một tờ báo ở Sàigòn mà Hàn Mặc Tử đang cộng tác. Từ Sàigòn, mỗi cuối tuần Hàn Mặc Tử đã đáp tàu lửa ra Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Một lần nọ, hai người rủ nhau đi thăm Lầu Ông Hoàng, chẳng may gặp mưa giông bèn kéo nhau chạy vào núp trong nghĩa địa Phan Thiết và rất có thể đã bị tiêm nhiễm hơi độc từ các ngôi mộ hoang tàn bốc lên với giông tố:


Phan Thiết! Phan Thiết!


Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng,

Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng?

Lầu ông Hoàng, lòi thiên hạ đồn vang:

Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết.

Ôi! Trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi.

Ta đến nơi: nàng ấy vắng lâu rồi,

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ.


Lầu Ông Hoàng nguyên là lầu của Hầu tước Duc de Montpensier, cháu đích tôn của vua Louis Philippe. Hầu tước và người yêu đi tàu thủy tới Sàigòn ngày 27.1.1907 rồi chọn Phan Thiết, nơi Phố Hài, gần tháp Chàm Pajai để xây một lâu đài tuyệt mỹ bên cạnh Bàu Sen thơm ngát. Cặp uyên ương đã lưu ngụ nơi này 5 năm, và trong thời gian đó đã mở trường đua ngựa Phú Thọ ở Sàigòn, trồng cao-su ở vùng phụ cận, v.v... Còn lâu đài Pajai đã được trang bị với những tấm gương lớn của Saint-Gobains, những tấm thảm quý giá của xưởng dệt trứ danh Les Gobelins và những đồ sứ thượng thặng của Limoges từ Pháp quốc chở sang.


Hầu tước de Montpensier đã ghi lại những kỷ niệm đẹp nhất đời ông trong quyển hồi ký En lndochine: mes chasses, mes voyages (Paris 1912). Ông cũng là tác giả quyển Notre France d'Extrême-Orient (Paris 1913, Librairie Académique), mở đầu bằng một tấm hình khả ái của một phụ nữ Việt Nam mang chú giải: Joli type de femme annamite.


Bài thơ của Hàn Mặc Tử nhắc lại hai mối tình kế tiếp nhau: mối tình Ông Hoàng và nàng công chúa Tây phương và mối tình giông tố giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử.


Năm xưa, 1950-1951, khi rời Huế vào công tác miền Nam Trung, tôi có ghé thăm những hàm hộ như cụ Hồ Tá Bang, đại gia đình BS Hồ Tá Khanh, Dược sư Phạm Tu Tề. Ông này có đưa tôi đi thăm Lầu Ông Hoàng trong cảnh hoang phế từ cuộc đảo chính Nhật 9.3.45. Than ôi! Cảnh vật tang thương, nhà hoang cửa vắng khiến tôi nhớ tới người xưa cảnh cũ: Hầu tước và Hàn quân, Công nương và Mộng Cầm dường như hiển hiện trong giấc mơ nơi Bồng Lai tiên cảnh:


Nào rừng thẳm nghìn cỏ cây linh động

Nào mạch nước với cánh đồng xa rộng,

Hồ xanh xanh, hố nọ với đồi hoang.

Thượng Đế ban cảnh tạm một thời gian,

Để ta bận tâm tình và ảo mộng.

(Mối Sầu Olympio - Victor Hugo)


Nguyên văn là:

Dieu nous prête un moment les prés et les fontaines,

Les grands bois frissonnants, les rocs profonds et sourds

Et les cieux azurés et les lacs et les plaines,

Pour y mettre nos coeurs, nos rêves, nos amours.

(Tristesse d'Olympio)


Buồn Thu


Ấp úng không ra được nửa lời,

Tình thu bi thiết lắm thu ơi!

Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.

Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi...

Nằm gắng đã không thành mộng được,

Ngâm tàn cho bõ lúc mộng thôi.

Ngàn trùng muôn liễu trông xanh ngắt,

Chỉ có thông kia chịu với trời.

(Hàn Mặc Tử)


Sự hy sinh của một người đàn bà:

Nữ sĩ Mai Đình


Hàn Mặc Tử đau đớn từ thịt da đến xương tủy. Cả thân thể chàng nhăn nheo nứt nẻ và không thể nào tránh khỏi một sự hủ lạn dần dà. Mùa thu năm 1938, một người đàn bà gốc Thanh Hóa từ Nam Việt ra tới Gò Bồi, phía Bắc Qui Nhơn, tìm thăm Hàn Mặc Tử đang đau khổ trong túp lều tranh, tình nguyện hiến cho chàng cả một đời son trẻ. Nàng tên là Mai Đình, bạn của Lê Minh, cháu của Lê Văn Trương. Nàng quyết vượt ra ngoài khuôn phép gia đình, bất chấp dị nghị quần chúng, tình nguyện "phục vụ" Hàn Mặc Tử mặc dầu lúc đầu chàng quyết liệt từ chối. Là một phụ nữ cao thượng, nàng đã chăm nom Hàn Mặc Tử rất chu đáo, mang lại cho chàng một mối tình chân thành và tinh khiết. hứng, đã viết tặng nàng những câu thơ rất thống thiết:


Cười chi lắm cho dầm dề nước mắt,

Chết ruột gan mà ngoài mặt như không,

Anh nhìn Mai chua xót tấm lòng,

Không biết nói làm sao cho da diết.

...

Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn (10),

Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt,

Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt:

Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!


Do thơ viết ngày 29.10.1990, nữ sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn, từ Sarlat, Dordogne (Pháp), đã gửi cho tôi hai bài thơ: một bài Tinh Hoa Đất Nước tưởng niệm Hàn Mặc Tử, và bài Gửi Mai Đình Người Bạn Tuổi Thơ cảm tác từ năm 1976 khi còn hội ngộ ở Sàigòn.


Tinh Hoa Đất Nước


tưởng niệm Hàn Mặc Tử nhân ngày giỗ 50 năm của thi sĩ (11.4.40-11.11.90)


Không gian theo với thời gian

Nửa vòng thế kỷ chưa tàn ý thơ

Cõi xa dù khói sương mờ

Vẫn như phảng phất người xa hiện về

Từng trang hoa gấm còn kia

Trời Âu đất Việt trau tria thế tình!

Vân Nương, Sarlat Nov. 90


Gửi Mai Đình Người Bạn Tuổi Thơ

Mai Đình, người yêu của Hàn Mặc Tử


Đâu biết vườn trăng lại chúng mình

Phù trầm nghe mỏi cánh phiêu linh

Thương ai vướng nghiệp văn chương ấy

Đem cái tài hoa cợt Chữ Tình!

Bạn dứt cung cầm, yên sóng gió

Tôi hồn dâu bể nợ ba sinh! (*)

Nhớ xưa làn tóc thơm hương cốm

Một mái trường xưa gợi dáng hình

Cỏ mướt chân non say đuổi bướm

Ngọt ngào dư vị ý nguyên trinh

Vườn Thanh tuổi mạng êm như lụa

Hoa phương tươi màu áo nữ sinh

Trong trắng trang đời không chút bợn

Hồn xanh như ngọc chuốt bình minh

Hương xuân Mai vẫn còn phong độ

Mặt nước Mây chưa gợn bất bình

- Hôm nay ôn lại thời xa cũ,

Chợt thấy trôi về dĩ vãng xanh

Một mối hận trường vương vấn mãi,

Hàn giang ghê lạnh gió Mai Đình

Vân Nương Lê Ngọc Chấn sương phụ (1976)

(*) Năm 1976 gặp lại Mai Đình giữa lúc nhà tôi bị đi cải tạo ngoài Bắc.


Hàn Mặc Tử:

Nhà thơ Công giáo


Là người Công Giáo nhiệt thành kể từ ngày ra đời nơi xứ đạo Tam Tòa, bên cạnh những di tích hùng vĩ của Định Bắc Trường Thành do Đào Quốc Công xây dựng từ đầu thế kỷ 17, Hàn Mặc Tử cảm thấy lòng tin của mình tăng gia gấp bội trong một thân thể điêu tàn. Bị xem là một vật ký sinh ngoài lề xã hội, Hàn quân đã luôn luôn tìm nơi ẩn náu dưới chân và trong lòng Thượng Đế. Những bài thơ đượm nhuần Công Giáo của chàng được hợp lại thành hai tập.

Tập thơ thứ nhất là Xuân Như ý, mùa xuân của Sáng Thế (Genèse), nhằm lúc vũ trụ sơ khai với hai tiếng Big Bang, nói cách khác là Âm Dương cũng thế. Linh khí sơ nguyên của Thượng Đế tràn đầy vũ trụ vô biên và luôn luôn nức nở (l'univers en perpétuelle expansion), chắc chắn là hình tròn, mà điềm trung ở cùng cả và đường tròn thì khắp nơi (l'univers est nhe sphère incommensurable, dont le centre est partout et la circonférence nulle part), theo quan niệm của triết gia Blaise Pascal (1623-1662).

Theo quan niệm của Hàn Mặc Tử thì mùa Xuân Như ý vĩnh viễn nơi:


Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,

Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn!


Nơi đây vang dội những lời cầu nguyện, những hương lạ mê ly, những âm thanh kỳ diệu, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị, như Charles Baudelaire đã diễn tả trong bài thơ bất hủ Correspondances: Les parfurms, les sons et les couleurs se répondent.


Cũng theo Hàn Mặc Tử, Thi Ca là một sáng tạo thuần túy của Thượng Đế và đề báo đáp công ơn đó, thi sĩ phải là kẻ xướng Thánh Ca, cảm thông với Thượng Đế, ca ngợi chân thành sự nghiệp thiêng liêng và vinh quang bất diệt của Người. Thi sĩ là gạch nối, là trung gian ưu tú giữa Hóa Công và Nhân Loại.


Đức tin tuyệt đối nơi Thượng Đế đã giúp Hàn Mặc Tử trải qua những thống khổ nơi trần gian, đồng thời hoàn bị thi tài của chàng đến mức độ cao siêu và thành tựu. Như thế mà Xuân Như ý được xem là tập thơ có giá trị vượt bậc, so sánh với những thi phẩm của chàng. Vài đoạn sau đây có thể chứng minh điều đó:


AVE MARIA


Maria, linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần thấy long nhan.

Run như run hơi thở chạm tơ vàng,

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

...

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?

Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?

...

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu?

Trời Triêu thiên ngời chói vạn hào quang...


Đọc kỹ bài thơ trên, chúng ta nhận thấy Hàn Mặc Tử đã vô tình hay hữu ý đi vào lãnh vực khoa học không gian và thời gian, đã đi sát với Thuyết Tương Đối Tổng Quát và Tương Đối Thâu Hẹp (Théorie de la Relativité Générale et de la Relativité Restreinte) của nhà bác học Albert Einstein đã nói rằng các ảnh tượng của Dĩ Vãng hãy còn bay qua hàng ức triệu cây số trong không gian, giữa muôn vàn tinh tú, và rồi đây nhờ khoa học, người ta cũng sẽ có thể đi ngược thời gian để tìm lại những hình ảnh xa xưa đã lùi vào vũ trụ.


Sau tập Xuân Như ý là tập Thượng Thanh Khí, trong đó Hàn Mặc Tử, nhờ đắm đuối trong Trăng mà đã ghi chép những điều thấy trong mơ, giữa những đêm sầu muộn, trong lúc tâm hồn tự do du lãm giữa khoảng trăng sao bất tận. Rhơ chàng vừa u uẩn vừa huyền bí, như thơ Baudelaire và Malharmé của nền thi ca Pháp.


Mối tình cuối cùng


Mặc dầu đang sống lây lất những ngày tàn tạ của cuộc đời, Hàn Mặc Tử còn phải chịu đựng đau khổ một lần cuối cùng, do một mối tình bất ngờ, bắt gặp trong khi trao đổi thơ văn với một cô gái Huế nhỏ tuổi tên là Thường Thương.


Cô này rất mê thích thơ Hàn Mặc Tử, vốn là bạn học quen thân của người anh ruột tên là Trần Tái Phùng, Tham Tá Tòa Sứ và là con của cụ Trần Thanh Đạt, Thượng Thư Bộ Học, tức là Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Hàn Mặc Tử chỉ có thư đi thư lại với Thương Thương, qua người anh ruột, và chưa bao giờ gặp mặt. Đây là một mối tình văn thơ, trong trắng (platonique), có tác động làm nhà thơ bớt đau khổ và yểm trợ hữu hiệu việc sáng tác thi ca. Tất cả những bài thơ cảm tác trong thời kỳ này đã được góp lại thành một thi tập được ấn hành dưới tiêu đề Duyên Gấm Ngọc Trai, trong đó có nhiều bài rất thống thiết, nói lên mối sầu vạn cổ của nhà thơ đang "rên than trong niềm gió":


Sầu lên cho tới ngàn khơi (11),

Ai đâu ráo lệ chưa lời nói ra!

Chiều nay tàn tạ hồn hoa,

Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào!

...

Nghe ai xé lụa mà đau (11),

Gió than niềm gió, biết đâu hẹn hò.

Nỗi Buồn Vô Duyên


Mối tình lý tưởng và tưởng tượng này đã giúp Hàn Mặc Tử viết được hai vở kịch thơ Duyên Kỳ NgộQuần Tiên Hội. Hai vở này bổ túc cho nhau để diễn tả một cuộc ân tình tinh khiết trong một khung cảnh siêu nhân thế (dans un cadre supraterrestre). Thi sĩ dẫn chúng ta đến một thế giới lạ lùng, nơi Thiên Đình của Khuất Nguyên thời thượng cổ, gồm có những nhân vật được tuyển chọn vì đức độ và tài năng. Nơi đây tiếng chim hót, tiếng suối róc rách, tiếng sáo mê ly, mùi hương ngào ngạt hòa lẫn nhau, tạo nên khúc nhạc thần diệu và du dương. Trong kiếp lai sinh ấy, nhà thơ Hàn Mặc Tử và nàng tiên Thường Thương sẽ gặp nhau trong khung cảnh thiêng liêng và mầu nhiệm.


Nghệ thuật của Hàn Mặc Tử


Trong vòng 10 năm, Hàn Mặc Tử đã tiến từ trướng thơ cổ điển rất thuần túy đến trường thơ lãng mạn phóng túng để sau cùng, đi sâu vào trường thơ tượng trưng và bí ẩn (poésie symboliste et hermétique).


Hàn Mặc Tử rất thiện nghệ trong thuật diễn tả những cảm giác thoáng qua, tao nhã của tâm hồn, một tâm hồn đa ưu và nhuốm bệnh. Nghệ sĩ đã dùng nét bút đạm bạc, mơ hồ, những nét chấm phá khi ẩn khi hiện để diễn tả tâm tình với nhiều uẩn khúc đa đoan, hơi giống như Verlaine thiên trọng về âm điệu. Nhà thơ của chúng ta bẩm thụ được cái thiên tư cao quý là nhìn thấy được cái hư ảo, cảm được cái vô lượng và nghe được sự yên lặng của "vô thủy vô chung".


Tôi đã nói về nghệ thuật Hàn Mặc Tử từ năm 1950 tại Alliance Francaise de Saigon như sau: "Il excella dans l'art de peindre les sensations figitives et délicates de l'âme, une âme tourmentée, maladive et souvent morbide. Ce fut le peintre consommé du flou, de l'indécis des nuances et comme Verlaine, il était partisan de la "musique avant toute chose". Lui seul était pareillement doué de cette faculté maitresse de voir dans l'irréel, de sentir les impondérables et d'écouter le silence de l'Eternité!":


Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm,

Có thứ gì rơi giũa khoảng im,

Rồi từ thượng tầng không khí xuống,

Tiếng vang nhè nhẹ vội vào tim.

Ánh trăng nhẹ quá không che nổi

những vẻ xanh xao của mặt hồ,

Nhũng nét buồn tơ liễu rũ,

Những lời năn nỉ của Hư Vô.

Huyền ảo


Trong thi ca, Hàn Mặc Tử đã khéo tạo nên những ảnh tượng đặc trưng trong việc "nhân tính hóa" các sự vật:


Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?

Có chở trăng về kịp tối nay?

Đây Thôn Vỹ


Hoặc là:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu,

Đợi gió đông về để lả lơi.

Bẽn Lẽn


Nhìn những đám mây bay về phương trời xa xăm, vô định, như thi bá Lý Bạch đời Đường ngồi trên núi cao, nhìn cô vân độc nhạn khứ, Hàn Mặc Tử đã nảy sinh nhiều ý tưởng kỳ dị:


Mây chết đuối ở dòng sông vắng lạnh,

Trôi thây về xa tận cõi vô biên.


Rồi tất cả, người và vật, từ cõi vô biên, có thể tái sinh và xuất hiện trong vô vi và im lặng:


Hàng thông lấp loáng đứng trong im,

Cành lá in như đứng lặng chìm.

Đà Lạt, Trăng Mờ


Vào nhà thương Phung Quy Hòa


Bệnh tình của Hàn Mặc Tử càng ngày càng trầm trọng. Ngày mồng 8 tháng 9 năm 1940, nhà thơ bị Sở Y Tế Qui Nhơn dò biết chứng bệnh đã quá nặng, bèn mời đến khám nghiệm. Nơi đây xác nhận bệnh tình đã tiến tới giai đoạn chót.


Đêm 20.9, một chiếc xe hơi của Hồng Thập Tự, bốn bề che kín, đã đưa Hàn Mặc Tử đến Nhà Thương Cùi ở Quy Hòa, nơi Vũng Dừa, ba cây số phía Nam Qui Nhơn, do những bà phước Dòng Thánh Phan- Xi-Cô (Franciscains) trông nom, dưới quyền của Bà Xơ Maria Saint Venant.


Hàn Mặc Tử đến đây được đăng ký với số 1134. Dù được săn sóc và trị chữa rất chu đáo, bệnh tình mỗi ngày mỗi nặng thêm. Biết rằng không thể nào qua khỏi, Nguyễn Trọng Trí đã nhờ người bạn đồng phòng là Nguyễn Văn Xê viết giúp một bức thư rất thống thiết gởi về cho mẹ ở Qui Nhơn.


Sau cùng, đúng 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm 1940, trong lúc khắp nơi trên toàn cõi Đông Dương cử hành lễ Thắng Trận (Fête de la Victoire) Đệ Nhất Thế Chiến (1914- 1918), thi hào Hàn Mặc Tử từ biệt cõi trần, với đầy đủ nghi lễ của một đạo hữu Ki-tô giáo. Thiên Chúa đã đem nhà thơ về trời, chấm dứt mọi sự khổ đau, hành hạ trên thế gian. Và nhà thơ đã đem theo niềm luyến tiếc và nhớ thương của thân bằng quyến thuộc, vòi lòng hâm mộ của tao nhân mặc khách. Và trong lời cầu nguyện của Mẹ Bề Trên và các bà xơ còn vang lên lời kinh: Sic Transit Gloria Mundi! - Ainsi passe le Gloire du monde! Người về tiên cảnh tâm thư thái, Kẻ ở trần gian luống ngậm ngùi!


Trong buổi tẩn liệm, các bà xơ tìm thấy trong bọc áo của nhà thơ một mảnh giấy lấm lem như mảnh giấy của Pascal ngày xưa, có ghi những dòng viết tay của Hàn Mặc Tử bằng Pháp văn như sau:


Pureté de l'âme

Anges du Ciel, anges de Dieu, anges de paix et de Gaieté, apportez-moi une couronne.

Je veux me baigner dans l'océan de Lumière et d'Amour divin.

Car, ici-bas, s'accomplissent des miracles qui tiennent les hommes muets d'admiration en contemplant l'oeuvre mystique du Très-haut...

Anges du Ciel, anges de Dieu, anges de paix et de Gaieté, lancez des roses et des nénuphars, des chants mélodieux et des notes embaumées et versez avec effusion les vertus, le courage et le bonheur, parmi les servantes de Dieu.

Nuit de Mercredi 24 Octobre 1940.

Francois Trí - Deo Gratias


Chúng tôi đã cố gắng phiên dịch ra Việt ngữ như sau:


"Hỡi thiên thần ở trên Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của Hòa Bình và Hoan Lạc, hãy đem tới cho tôi một tràng hoa.

Tôi muốn tắm mình trong biển Hào Quang và Tình Thương cao cả. Bởi vì, ỏ chốn hạ giới này, những phép linh dị của Chúa khiến mọi người phải im lặng để say sưa chiêm ngưỡng công nghiệp huyền diệu của Đấng Chí Cao.

Hõi thiên thần ỏ trên Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của Hòa Bình và Hoan Lạc, hãy tung lên không gian những cánh hồng và những đóa sen, những khúc hát du dương và nhũng âm phù thơm ngát, và hãy rót đầy thánh đức, can đảm cùng hạnh phúc xuống giữa các nô tỳ của Chúa.

Đêm Thứ Tư 24 tháng 10 năm 1940.

Phan-Xi-Cô Trí - Tạ ơn Thiên Chúa"


Mấy hôm sau, các bà xơ của dòng Thánh Saint Francois d'Assises, cùng thân bằng quyến thuộc, đã cử hành lễ mai táng rất đơn giản, bên cạnh các ngôi mộ kẻ đồng bệnh nơi nghĩa địa Vũng Dừa, có sóng biển Thái Bình Dương vỗ về sớm tối, có lá dừa rợp bóng quanh năm và lời than trong gió:


Một mai kia ở bên khe nước ngọc,

Với sao sương anh nằm chết như trăng,

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc,

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

Duyên Kỳ Ngộ


Như thế Hàn Mặc Tử đã quy tiên với 28 tuổi đời (1912-1940)! Cũng giống như thi bá Vương Bột xưa, đời Đường Cao Tông (650-683), đã bị đắm thuyền nơi biển Nam Hải trên đường viễn du thăm cha đang làm Thái Thú Giao Châu. Khiến cho chúng ta vào giờ này, liên tưởng một đoạn hay nhất trong bài Đằng Vương Các:


Hồng tiêu vũ tễ, thái triệt vân cù,

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc


mà học giả lão hữu Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã dịch ra thơ Việt như sau:


Mưa vừa tạnh cầu vòng vừa lặn,

Đường mây xa, bóng nắng còn vương.

Cò đơn ráng lẻ bay ngang,

Trời thu liền với trường giang một màu.


Một vụ án văn chương


Tuồng như số trời đã định rằng phương danh Hàn Mặc Tử còn phải được nhắc đến trong một vụ án ly kỳ và náo nhiệt xảy ra trong năm 1942 trước tòa án tỉnh Thừa Thiên, do nhà thơ cổ điển Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mặc Tử, đã vì quyền lợi gia đình thi sĩ quá cố mà đứng lên kiện nhà văn Trần Thanh Mại, tác giả quyển sách Hàn Mặc Tử, xuất bản ở Huế năm 1941, đã trích đăng thơ của Hàn Mặc Tử mà không xin phép.


Đó là vụ án văn chương đầu tiên của Văn Học Sử Việt Nam. Ngày xử án, có rất đông nhân sĩ, trí thức và sĩ tử, cùng với gia đình và thân hữu, hơn 100 người đứng chật công đường Thừa Phủ Huế. Vị quan tòa không phải ai xa lạ mà chính là văn sĩ Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng (1904-1976), với chức vụ Phủ Thừa, tức là Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, kiêm Chánh Án, đã từng được Huy Chương của Viện Hàn Lâm Bi Ký và Văn Chương Pháp (Médaille de l'Académie des lnscriptions et Belles Lettres de France).


Sau những bàn cãi sôi nổi, quan tòa Nguyễn Tiến Lãng, rất sáng suốt và công minh chính đại, đã phân xử một cách vô tư là:


"Xét nhà văn Trần Thanh Mại vừa có công nêu cao thanh danh Hàn Mặc Tử, vừa có lỗi trích đăng thơ Hàn Mặc Tử hơi nhiều, công và lỗi ngang nhau, Tòa tuyên án miễn tố".

Tuy nhiên, với tư cách cũng là nhà văn, ông Nguyễn Tiến Lãng đã khuyến cáo riêng Trần Thanh Mại nên trích một số tiền bán sách có lời mà trao cho gia đình Hàn Mặc Tử.


Thân thế và sự nghiệp Hàn Mặc Tử bị bệnh phong hủi khiến ta nhớ tới tật mù lòa của Lord Byron nhà thơ Anh Cát Lợi, tòi chứng lãng tai của nhạc sư Đức Quốc Beethoven và bệnh trạng cuồng tín của Edgar Poe, nhà thơ Hoa Kỳ ca ngợi Con Quạ Đen.

Và cũng khiến chúng ta nghĩ rằng: những nỗi oái oăm của một đời bạc mệnh là số phận thường dành cho những người lỗi lạc, tài hoa, đúng như lòi nhận xét của thi bá Nguyễn Du:


Anh hoa phát tiết ra ngoài

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.


Paris, Tân-Niên Thế Kỷ XXI (ler Janvier 2000)


Hương Giang Thái Văn Kiểm

VIÊN GIÁC số 114, tháng 12 năm 1999

Chú Giải:


(1) Lệ Mỹ: Xinh đẹp tuyệt vời

(2) Tam Tòa: ba tòa nhà nơi cửa Lũy Thầy, do Đào Duy Từ xây dựng năm 1631 .

(3) Đồng Hới: tức Động Hời, động của người Hời (Chàm), phiên âm Hán Việt là Đông Hải (Biển Đông)

(4) Nhật Lệ: Sắc đẹp của mặt trời, rực rỡ của ban ngày.

(5) Đầu Mâu là ngọn núi phía Tây Đồng Hới, nhọn như xà mâu.

(6) Linh Giang: Sông Ranh (Gianh), ranh giới giữa Đàng Ngoài (Bắc Hà) và Đàng Trong (Nam Hà) từ thế kỷ 17.

(7) Phạm Huy Thông, nhà thơ tác giả Anh Nga, Tiếng Địch Sông Ô, Tiến sĩ Luật Khoa và Văn Chương, Giáo sư Thạc sĩ về Sử Địa.

(8) Phạm Văn Ký, Tiến sĩ Văn Chương, tác giả thi tập Une Voix sur la Voie.

(9) Địa danh Qui Nhơn bắt nguồn từ hai chữ Cri Vini của Chiêm Thành xưa, cũng như Trà Bàn (Chà Bàn) nguyên là Cri Banoy.

(10) Vu Sơn: trong thơ Cao Đường Phú của Tống Ngọc có chép rằng: "Sở Tương Vương đến chơi Cao Đường, mộng thấy một thiếu nữ đến xin chung chăn gối và tự xưng là Thần Nữ Vu Sơn, sớm làm mây tối làm mưa trên núi Vu.

(11) Chinh Phụ Ngâm: Bóng cờ tiếng trống xa xa, Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.

(12) Nàng Bao Tự, vợ vua Chu U Vương, rất thích nghe xé lụa mà vui, vì thế mà nhà Chu mất nghiệp vương.