24-09-2012 | VĂN HỌC

Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí)

    VŨ NGỌC PHAN


    Kệ sách Học Xá

Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử. Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông.


Song dư luận bao giờ cũng rất kỳ, đã chú ý đến người và đến thơ, thì dư luận gần như trộn lẫn người với thơ làm một. Cho nên nói một cách công bình, thì gần đây, "người" của Hàn Mặc Tử đã làm quảng cáo cho thơ của Hàn Mặc Tử rất nhiều. Đến nỗi về ông, người ta đã viết một giọng say sưa, ông là một thi sĩ mà trên thế giới không có một thi sĩ nào sánh kịp!


Vậy thơ cua Hàn Mặc Tử như thế nào? Thơ ông gồm những bài Đường luật đã đăng báo, tập Gái quê (1936) và những thơ ở mấy tập ông chưa xuất bản lúc sinh thời, bây giờ người ta lựa chọn vào một tập, tập Thơ Hàn Mặc Tử.


Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của Hàn Mặc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái Quê còn ngập ngừng, nhưng đã bắt đầu thiên về xác thịt:


Tiếng ca ngắt. Cành lá rung rinh...

Một nường con gái trông xinh xinh...

Ống quần vo xắn lên đầu gối,

Da thịt, trời ơi! trắng rợn mình...

(Nụ cười, Gái Quê, trang 7)


Sự gợi tình ấy, không phải chỉ do ở người con gái xinh đẹp. Theo sự tưởng tượng và nhờ sự cảm thông của Hàn Mặc Tử với muôn vật trong trời đất, ngọn gió thoảng qua cũng rất vô tình, cho nên ông mới đặt vào miệng một gái có chồng những lời lo sợ tình tứ sau này:



  Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan

... Vô tình để gió hôn lên má,

Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm...

Em sợ lang quân em biết được,

Nghi ngờ tới cái tiết trinh em...

(Bẽn lẽn..., Gái Quê, trang 10)


Đến bài Hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng.


Nhưng sau đây mới thật là mối tình man mác, mối tình quê, mối tình ở nơi đồng ruộng (Tôi lấy làm lạ rằng sao từ bài Hát giã gạo mà tác giả lại lên tới được sự tuyệt vời đến thế): Bài Tình quê (trang 35) tỏ ra ông có một hồn thơ thật là đầy đủ, trái hẳn với bài Hát giã gạo là một bài tỏ ra tác giả là một người dễ sa ngã, đắm đuối. Hãy nghe bài Tình quê để thưởng thức lấy cái nhạc điệu êm ái và những lời rất ý nhị, nhẹ nhàng:


Trước sân anh thơ thẩn,

Đăm đăm trông nhạn về,

Mây chiều còn phiêu bạt,

Lang thang trên đồi quê,

Gió chiều quên ngừng lại;

Dòng nước luôn trôi đi...

Ngàn lau không tiếng nói;

Lòng anh dường đê mê,

Cách nhau ngàn vạn dặm.

Nhớ chi đến trăng thề;

Dầu ai không mong đợi,

Dầu ai không lắng nghe,

Tiếng buồn trong sương đục,

Tiếng hờn trong lũy tre,

Dưới trời thu man mác,

Bàng bạc khắp sơn khê,

Dầu ai trên bờ liễu,

Dầu ai dưới cành lê...

Với ngày xanh hờ hững,

Cố quên tình phu thê,

Trong khi nhìn mây nước,

Lòng xuân cũng não nề...


Đối với một thi sĩ đã có một bài thơ mà nhạc điệu du dương đến như thế, không ai lấy làm lạ khi thấy thi sĩ ấy là tác giả nhiều bài Đường luật rất già giặn. Hãy nghe bài này trong quyển Thơ Hàn Mặc Tử:


Buồn thu


Ấp úng không ra được nửa lời,

Tình thu bi thiết lắm, thu ơi!

Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,

Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi...

Nằm gắng đã không thành mộng được

Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt

Chỉ có thông kia chịu với trời.


Thật là những lời sầu não và đầy tình tứ, ai có thể tưởng thi sĩ là một nhà Tây học? Câu hai thảm thiết và giọng còn ra vẻ một người thiếu niên, còn toàn bài lời chín chắn chẳng khác nào lời một vị lão nho.


Thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử không phải bài nào cũng được toàn bích như bài trên này. Nhiều bài ý cũng rất sáo và phảng phất có cái giọng thời thế, nửa lối Tú Xương, nửa lối Thanh Quan: Thí dụ bài sau này đăng trong Phụ Nữ tân văn (số 97, 27-8-1931, trang 16) và ký tên là P.T. (Qui Nhơn) (1):


Chùa hoang


Mái sụp tường xiêu khách ngẩn ngơ,

Hỏi thăm duyên cớ, Phật làm lơ!

Vắng sư bụt đá toan hồi tục,

Lạnh khói hương cây sắp thoát chùa.

Hoành cổ nhện giăng treo lỏng chỏng,

Bình phong rêu bám đứng chơ vơ.

Tiếng chuông tế độ rày đâu tá?

Để khách trầm luân luống đợi chờ!


Thơ Hàn Mặc Tử hồi đầu như thế, mà chỉ bảy tám năm sau đã thay đổi hẳn, thay đổi cả ý lẫn lời. Trong thời kỳ đổi mới này, ông soạn được rất nhiều thơ và chia ra nhiều tập: Thơ Điên, Xuân như ý, Thượng Thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội.


Những thơ ở mấy tập trên này có một ít bài đã đăng rải rác trong mấy tờ báo trong Nam, còn phần nhiều chưa xuất bản. Tôi sở dĩ biết được một ít thơ trong những tập chưa xuất bản trên này là xem những bài trích lục trong quyển Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại, tập Thơ Hàn Mặc Tử do Đông Phương (Sài Gòn) xuất bản và trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh.


Những người ác cảm với thơ của Hàn Mặc Tử coi hầu hết thơ mới của Hàn đều là "thơ điên" cả, tuy Hàn chỉ có một tập mang cái nhan đề này, vả ý nghĩa cũng khác, không phải điên như người ta đã tưởng.


Tuy vậy, những người không ưa thơ Hàn Mặc Tử cũng không phải hoàn toàn vô lý. Trong cái thời kỳ thơ Hàn đổi mới thì "con người" của Hàn cũng thay đổi vì bệnh hoạn. Bởi thế, lời thơ của ông, ý thơ ông, nhiều lúc thật dị kỳ.

Hãy nghe:


Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Cho mê man chết điếng cả làn da.

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh.

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang xiết,

Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh...

(Rướm máu - Hàn Mặc Tử, trang 77)


Thật là những dòng ghê gớm, những dòng tưởng như sắp gây án mạng dưới mắt người đọc. Nhưng cũng chưa ghê gớm bằng những dòng sau này:


Gió rít từng cao trăng ngã ngửa,

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô,

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.

(Say trăng - Đau thương, Hàn Mặc Tử, trang 84)


Người ta thấy bệnh phong đã ảnh hưởng đến tư tưởng Hàn Mặc Tử đến thế nào. Thi sĩ bị rặt những cảnh chết rùng rợn ám ảnh, nên trí não không còn bình thường nữa.

Lúc nào ông cũng nhìn thấy máu; đến nỗi đối với một bài thơ của người yêu gửi cho, ông cũng viết:


... Bởi vì mê mẩn, vì khoan khoái,

Anh cắn lời thơ để máu trào.

(Hàn Mặc Tử, trang 142)


Xác thịt ông bị cắn rứt quá, nên hình như ông đã cố gắng sống vớt vát lại cho nhiều hơn trong phần hồn. Bài Hồn lìa khỏi xác trong tập Đau thương (Thơ Hàn Mặc Tử) của ông là một bài mà ý và lời rất mạnh. Hãy đọc đoạn này:


Vì không giới, nơi trầm hương vắng lặng,

Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao,

Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn,

Và muôn vàn thần phách ngã lao đao.


Cả hơi hám muôn xưa theo ám ảnh,

Hồn chơ vơ không biết lạc về đâu?

Và vướng phải muôn vàn tinh khí lạnh,

Hồn mê man bất tỉnh một hồi lâu.


Rồi sảng sốt bay tìm muôn tử khí,

Mà muôn sao xa cách cõi hoang sơ.

Hồn cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ,

Thôi hồn ơi! phiêu lạc đến bao giờ!


Thật là buồn thảm và lạnh lẽo vô cùng. Thật là lời của người nằm thiêm thiếp mơ màng trong những giờ hấp hối.


Nhưng không phải lúc nào ảnh hưởng của bệnh cũng làm cho ông muốn thoát ra ngoài xác thịt và thấy rặt những cái chết ghê sơ; ông cũng có những phút bình tĩnh để lắng tai nghe "những lời năn nỉ của hư vô":


Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm,

Có thứ gì rơi giữa khoảng im,

- Rơi tự thượng tầng không khí xuống -

Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.

...

Ánh trăng mỏng quá không che nổi.

Những vẻ xanh xao của mặt hồ;

Những nét buồn buồn tơ liễu rủ,

Những lời năn nỉ của hư vô.

(Huyền ảo - Thơ Hàn Mặc Tử)


Lời thơ trong sáng, êm như ru; còn ý thơ nhẹ nhàng, man mác, tỏa ra như mây khói. Mà cảm động, huyền diệu biết bao. Tình tứ đến thế là cùng, cảm động đến thế là cùng. Một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ.


Sự tín ngưỡng đã giúp sức cho Hàn Mặc Tử rất nhiều. Có lẽ ông là người Việt Nam ca ngợi thánh nữ đồng trinh Maria và chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Da-tô một giọng rất chân thành, chẳng khác nào một thi sĩ Âu Tây. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới:


Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng...

Nhưng lòng vẫn muốn thấm nhuần ơn trìu mến...

...

Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,

Ngọc như ý vô tri còn biết cả.

Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh.

Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh.

Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...

Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,

Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen.

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel

Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú!

Người có nghe náo động cả muôn trời,

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời,

Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng,

Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng

Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria -

Xuân Như Ý - Thơ Hàn Mặc Tử)


Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mặc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa thấy mấy nhà thơ dám bước tới.


Hàn Mặc Tử có những thi hứng rất dồi dào, nhưng thơ ông phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu trong thơ ông hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ ông nhiều khi rất thô; bệnh ông lại làm cho ông có những ý tưởng khác thường, nên nhiều bài thơ của ông chỉ là những bằng chứng rất lạ cho những người muốn khảo sát một tâm trạng, một linh hồn đau khổ. Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mặc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại. Cũng vì ông rất thành thật nên thơ ông theo sát hẳn tính tình cùng tư tưởng của ông; bên những bài tầm thường, người ta thấy dưới ngòi bút ông những bài tuyệt tác.


Nhân loại chả tạo nên những cái hay và cái dở là gì?


Vũ Ngọc Phan

Nhà Văn Hiện Đại
(NXB Văn Học, 1994)

(1) Nguyễn Trọng Trí còn có biệt hiệu là Phong Trần (tức P.T.) và một biệt hiệu nữa là Lệ Thanh, trước khi lấy biệt hiệu là Hàn Mặc Tử.