Hàn Mặc Tử vốn từ địa hạt thơ Đường luật bước sang địa hạt Thơ Mới, cho nên tuy vui duyên mới mà vẫn không quên hẳn tình xưa. Thỉnh thoảng Tử cũng làm đôi bài Đường luật. Và theo chỗ nhận xét của tôi, thì thơ Đường luật Tử làm sau này có phần trội hơn trước, phần nghệ thuật cũng như phần tình tứ. Ví dụ, Vịnh Đàn Nguyệt:
Hỏi cho mấy tuổi? Đáp mười lăm.
Non nước từng phen nổi tiếng tăm.
Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp,
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm.
Chường mình trước án trông đầy đặn,
Nép mặt trong hoa nói thỉ thầm.
Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh,
Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm!
Bài này tôi có gởi ra cho Tản Đà tiên sinh duyệt lãm. Tiên sinh rất thưởng thức và hứa sẽ phê bình trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tờ tuần san tiên sinh phụ trách mục văn chương. Nhưng rồi tiên sinh qui tiên, nên ý kiến của tiên sinh đối với bài thơ không được phổ biến.
Những thơ Đường luật Tử làm từ trước đến khi nhập tịch làng Thơ Mới, Tử đã dồn lại thành một tập gồm gần trăm bài, lấy tên là Lệ Thanh Thi Tập.
Trong tập Lệ Thanh, ngoài những bài Chùa Hoang, Gái Ở Chùa, và Thức Khuya được Phan Sào Nam tiên sinh ca tụng, còn nhiều bài khả ái.
Thơ Đường luật, Tử làm gần đủ các lối Thủ- Vỹ ngâm, Thuận-Nghịch độc, Song-Thanh, Song- Điệp... Lối nào cũng luyện. Tử có hai bài đọc xuôi đọc ngược được sáu cách. xin trích một bài, Cửa Sổ Đêm Khuya:
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương.
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng,
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương.
Xa người nhớ cảnh tình lai láng,
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
Sáu cách đọc bài này là:
- Đọc xuôi
- Đọc ngược,
- Bỏ hai chữ sau đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ sau đọc ngược,
- Bỏ hai chữ trước đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ trước đọc ngược.
Phải công nhận là tài. Tài nhất là đọc cách nào cũng hay.
Nhưng do đâu mà có bài ấy?
Nguyên tôi có viết trong Phụ Nữ Tân Ván một bài nói về thơ vua Tự Đức. Trong bài tôi khen bài thơ Vô Đề đọc được 6 cách của nhà vua. Tử xem thấy, viết thư bảo:
- Ai làm lại chẳng được mà khen.
Tôi đáp rằng tôi xin hàng và yêu cầu Tử cho nghe một bài. Tử liền gởi ngay vào hai bài là bài trên và bài Đi Thuyền, nhưng bài sau có phần gượng ép, không được thích khoái.
Kể lại chuyện này để bà con thấy tài về thơ Đường luật của Tử, và để chứng một lần nữa rằng lời khen của Sào Nam tiên sinh không chút quá đáng.
Song đem so những thơ trong Lệ Thanh Thi Tập cùng những thơ làm sau này, thì thơ sau này xuất sắc hơn. Như bài Đàn Nguyệt thượng dẫn, tứ thật mới, từ thật luyện, hơn hẳn những bài đã nổi tiếng trước kia.
Cũng thật là hay, bài Buồn Thu sau đây:
Ấp úng không ra được nửa lời!
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi.
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buốn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắc về đông mắt lệ vơi!
Thơ Đường luật như bài này là đã nhập diệu.
Và trong bài này, câu kết có nhiều chỗ chép khác. Chỗ thì chép là :
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Chỉ có thông kia chịu với trời.
Chỗ thì chép rằng:
Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.
Có những chỗ khác biệt như thế là vì câu thơ bị sửa đi sửa lại nhiều lần.
Ban đầu Tử viết là:
Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh
Đông tới rồi đây nước mắt vơi.
Nhiều người chê là trệ. Tử bèn sửa câu chót ra:
Chỉ có thông kia chịu với trời.
Ai nấy đều khen là câu thơ "khẩu khí". Tôi lại chê:
- Làm thơ kiểu Lê Thánh Tôn thì phiền lắm.
Tôi đã hất hủi bài Đau Bụng của tôi, mặc dù được một số bạn đọc rất thích.
Tử nói:
- Chớ người ta bảo rằng trệ không tốt.
- Chỉ có những anh thợ vụng mới sợ trệ, chớ anh mà còn sợ nỗi gì. Tôi đề nghị anh dùng câu cũ nhưng sửa văn lại cho thật chỉnh. Câu kết bài này phải là một tiếng khóc để cho những lời than ở trên được giải thoát.
Sau khi thảo luận, câu thơ được sửa lại là:
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.
Câu này riêng Tử và tôi thích, còn phần đông các bạn đều lấy câu:
Ngàn trùng bóng liễu cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.
Bài Buồn Thu rất được truyền tụng trong làng Thơ Cũ.
Trong khoảng 1936-1939, những thơ Đường luật Tử làm không quá 5 bài. Tôi biết được rõ là vì những bài Đường luật đó, Tử vì tôi, "con người ngoan cố, bo bo giữ gốc tre làng", mà làm ra, để cho tôi khỏi "bị mồ côi một mình".
Qua năm 1940, Tử gặp được một nguồn Tình
cảm mới: Thương Thương. Mà Tử gọi là "Nguồn
Thơ bất tuyệt", "Nguồn Thơ vĩnh viễn".
Thương Thương là một nữ học sinh 12 tuổi ở
Huế, em ruột Trần Tái Phùng và cháu gọi Trần
Thanh Địch bằng chú.
Nhận thấy Mộng Cầm đi lấy chồng để lại
trong tâm hồn Tử một lỗ trống mà Mai Đình
không thể lấp nổi, Trần Thanh Địch bèn mượn tên
Thương Thương, giới thiệu cùng Tử là một giai
nhân rất yêu quí thơ Tử.
Rồi thỉnh thoảng Tử nhận được đôi bức thư
của Thương Thương, mà lời đoan chính, ý đôn hậu.
Chỉ nghe cái tên kiều diễm, chỉ đọc chút lòng
thơm thảo, mà Tử đem lòng yêu tha thiết, yêu đến
nỗi quên cả Mộng Cầm.
Trước kia, nếu Mai Đình đừng đến gần Tử, chỉ ở xa mà yêu, thì biết đâu Tử lại không yêu da diết, như đối với Thương Thương.
Vì Thi nhân là người đi tìm cái ĐẸP trong mơ, trong mộng, nhiều hơn trong thực tế. Cho nên chỉ say sưa với những gì xa xôi, những gì không vói được, những gì khai triển trí tưởng tượng, càng nhiều càng say sưa.
Tâm lý ấy Tử đã bày tỏ trong bài Tối Tân Hôn:
Là sợi đường tơ dịu quá trăng,
Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng.
Cả và thế giới như không có:
Một vẻ yêu là một vẻ tân.
Đã có khi nào cô ước mơ
Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ,
Bằng đêm hôm ấy êm như rót
Lời mật vào tai ngọt sững sờ.
Nhưng cái gì thơm đã đến kề,
Tôi e tình tứ bớt say mê,
Không còn ý nhị ban đầu nữa,
Sẽ chán chường và sẽ chán chê.
Cho nên tôi tưởng tối tân hôn
Chưa tới, còn xa để được buồn...
Để sống trong niềm thương nhớ đã,
Để còn mường tượng đến giai nhân.
Cho nên không cần biết rõ Thương Thương như thế nào, Tử chỉ "mường tượng".
Tử mường tượng Thương Thương là một
nàng tiên đẹp tuyệt vời và lòng không bợn mảy
may trần cấu. Một người đẹp hoàn toàn và cũng
yêu chàng vô hạn. Trong một bức thư viết cho
Thương Thương, theo địa chỉ Trần Thanh Địch đã
chỉ, Tử nói:
- Thương Thương! Cái tên thi vị quá chừng! Thương Thương là một bài thơ, hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt. Những hàng chữ đơn sơ của em cũng rung cảm được tâm hồn anh... Ở lòng có Thương Thương, nghĩa là có Thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy.
Trong một bức thư khác, Tử lại nói:
- Từ nay hình ảnh em sẽ đến với anh mãi trong trí tưởng.
Càng tưởng tượng hình ảnh Thương Thương, Tử càng yêu, yêu say sưa, yêu đắm đuối.
Lắm lúc Tử cũng biết yêu như thế là "vô duyên". Nhưng đã trót yêu thì có gì ngăn cấm được. Và trong lúc yêu như thế Tử "quên hết cuộc đời tân khổ, gian lao" như Tử đã thú thật củng Thương Thương trong một bức thư gởi cho nàng.
Tử yêu, Tử thương, Tử tưởng, Tử nhớ và tình
thương yêu, nhớ tưởng tràn ngập cả tâm hồn và
tuôn ra thành những vần thơ tuyệt mỹ.
Những bài thơ Tử làm trong lúc này rất thanh tao, nhiều khi siêu thoát.
Chỉ trong vòng nửa năm, nguồn thơ Thương Thương đã giúp Tử soạn được một tập thơ, trước định lấy tên Thương Thương nhưng nghĩ có điều bất tiện nên sau đổi là Cẩm Châu Duyên, và hai vở kịch thơ là Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội.
Đây một bài trong Cẩm Châu Duyên nhan đề là Nỗi Buồn Vô Duyên:
Sầu lên cho tới ngàn khơi,
Ai lau ráo lệ cho lời nói ra!
Chiều nay tàn tạ hồn hoa,
Nhớ THƯƠNG THƯƠNG quá, xót xa tâm bào!
Tiếng buồn đem trộn tiêu tao,
Bóng em chờn chợn trong bao nhiêu màu...
Nghe ai xé lụa mà đau,
Gió than niềm gió biết đâu hẹn hò!
Đừng ai nói để thương cho...
Nhỡ ra lạnh nhạt đền bù sao cam.
Chiều nay chẳng có mưa dầm,
Mình sao nước mắt lại đầm đìa tuôn?!
Ồ! Ra lụy ngọc nôn nôn,
Có bao giờ hết nỗi buồn vô duyên!
Thơ trong Cẩm Châu Duyên nhẹ nhàng và trong, sáng. Tình trong Cẩm Châu Duyên là tình thơ mộng nhưng đượm đà.
Còn Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội là hai giấc mộng tình, mà nhân vật không ai khác hơn là tác giả và Thương Thương.
Cốt truyện Duyên Kỳ Ngộ đại khái như thế này:
"Thi sỹ đi tìm nguồn thơ, lạc vào một nơi tiên cảnh. Suối cất tiếng chào, chim đưa lời đón và tiếng tiêu thánh thót theo hầu...
Đương khi thi sĩ say sưa cùng nhũng lời ca ngợi vừa điều diễm vữa thanh cao của cảnh vật, thì một Tiên Nga trong trắng và ngây cho xuất hiện: Thương Thương.
Hai bên gặp nhau, tình thanh ý thắm trao đổi dưới một trời châu gấm, đầy nhạc, đây hương, đầy lời chim tiếng suối phụ họa.
Nhưng rồi thi sỹ sực nhớ đến hoàn cảnh mình, liền từ biệt Tiên Nga, ra đi với tấm lòng khô héo và tiếng tiêu não nùng quấn quít bên chân".
Cốt truyện thanh tú và lời thơ thanh tao.
Đây lời Suối reo:
Ồ! Sự lạ đã muôn đời thế kỷ,
Đất linh sơn in dấu vết phàm nhân!
Ta reo lên với đàn thông rủ rỉ,
Cho lay bay tình ý ỏ xa xăm...
Xin mời chàng tài hoa thi sỹ đó
Ngồi xuống đây bên thảm ngọc vườn châu.
Hai tay chàng thử vốc vào nước nọ,
Mát tê đi như da thịt nàng dâu.
Đây là lời chim hót:
Ôi! Chàng kia thực ra chìu phong vận,
Hãy nghe ta cao hót khúc bình an.
Này mặt nhật tròn vo đương sáng láng,
Gió đương lên đương quyện tiếng lòng ngân...
Đây là lời Thi sỹ đáp lại lời chim, suối:
Nắng càng cao lòng ta càng hừng hực,
Thơ lên rồi, bay quá giải nhàn vân.
Mùi hương đâu trong lời ca sực nức
Giợn hư vô, rung động cả phong trần.
Và đây lời của Tiên Nga, ngơ ngác tự hỏi:
Mây bay theo với mây bay,
Mình sao ra nước non nầy mà chơi?
Sáo ơi! Dìu dặt khơi vơi
Buông mau âm điệu để rời nhân gian.
Nắng cao ý muốn lan tràn,
Ở đây vắng vẻ, cây ngàn suối reo...
Thật là tình tứ.
Một nhà Nho đọc mấy vần thơ trên khen là "có tiên cốt".
Quần Tiên Hội là một giấc mộng tiếp theo giấc mộng Duyên Kỳ Ngộ. Đại ý rằng:
Thương Thương vốn là một nàng tiên tên là Quỳnh Tiên.
Quỳnh Tiên cùng các tiên nữ Hoa Khôi, Nguyệt Tiên, Thiềm tiên, v.v... lập Quần Tiên Hội.
Hàn Mặc Tử không chịu nổi cảnh chia biệt cùng Thương Thương, bèn đi tu. Chàng thành chánh quả, cải trang làm tiên nữ, lấy tên là Huyền Tiên, xin gia nhập Quần Tiên Hội.
Chư tiên trong hội mở tiệc Bàn Đào, có bầy vượn dâng rượu Xuất Thần tửu. Rượu say, chư tiên xuống tắm nơi hồ sen thơm mát. Huyền Tiên lấy cớ say quá, không tắm, đứng trên bờ ngắm nghía Quỳnh Tiên.
Quỳnh Tiên có sắc đẹp mê hồn.
Chẳng những Huyền Tiên ngây ngất mà cả đoàn tiên nữ cũng say mê! Chư tiên vừa nô đùa cùng Quỳnh Tiên vùa hát những khúc hát của niềm yêu đương:
Đã lâu rồi chúng ta xa trần tục,
Nỗi thương thầm chôn kín, khổ bao nhiêu!
Nên say sưa mơ lòng theo náo nức...
Yêu nhau đi! Tình gái, dịu dàng yêu.
Huyền Tiên đứng tần ngần, như mê như dại, đôi mắt khi thì sáng rực lên, khi thì mờ đi vì khoái lạc. Chim anh võ và chim họa my nhìn thấy, sanh nghi, bàn tán.
Anh Võ bảo Họa My:
- Mi! Mi! Mi! Có nghe trong gió thắm,
Có nghe không tình lạ thoảng mùi trai?
Có nghe không lòng ai ra ấm ấm,
Không như lòng cô gái ở Bồng Lai.
Hoạ My gật đầu và lấy mỏ chỉ Huyền Tiên:
- Mùi vị ấy bay từ cô gái ấy
Nên ran ran lòng dạ ở chung quanh.
Để ý xem nước da cô thắm dậy.
Và đôi môi biểu lộ hết xuân tình.
Rồi bóng trăng lần lần mọc. Các tiên nữ thong thả bước lên bờ, đua nhau mặc xiêm áo. Màu xiêm áo tươi mát làm tăng vẻ kiều diễm của những tấm thân ngà ngọc. Huyền Tiên thêm sửng sốt...
Trang sức xong, chư tiên bày cuộc khiêu vũ. Huyền Tiên lại chối từ nữa. Chư tiên bắt đầu sanh nghi... Quỳnh Tiên vốn đã biết Huyền Tiên là người tri kỷ của mình cải trang, bèn đến mời. Huyền Tiên hội ý, ra khiêu vũ cùng Quỳnh Tiên. Từng cặp tiên ôm nhau múa trong những khúc nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc điều. Chim họa my chim anh võ cất tiếng họa theo thành những điệu mê ly huyền ảo.
Huyền Tiên và Quỳnh Tiên vùa múa vừa trao đổi tâm tình. Sung sướng quá thành mê man, ôm nhau hôn đắm đuối! Thế là vô ý để lộ chân tướng của Huyền Tiên..."
Quần Tiên Hội còn một đoạn chót nữa. Tác giả đã lập ý và bố cục xong xuôi. Nhưng có tin không "được tốt" ở Huế đưa vào, Tử quăng bút không viết tiếp.
Mối tình đối với Thương Thương cũng chấm dứt từ ấy.
Hàn Mặc Tử có đau khổ chăng?
Một giấc mộng đẹp tỉnh rồi, người mộng sao khỏi băn khoăn nhớ tiếc. Tản Đà có câu:
Tỉnh ra mới biết đời thua mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ chán đời!
Đó là tâm trạng Hàn Mặc Tử sau khi biết rõ Thương Thương chỉ là bóng mộng. Nhưng thoi sắt đã nung đến cực độ, dù có nung thêm, nhiệt độ cũng không cao thêm là bao.