ĐỒNG KHÁNH
Cháu gọi vua Tự Ðức bằng bác, con Kiến Thái Vương, anh vua Hàm Nghi, từ thuở nhỏ được nuôi học ở trong cung. Học nhiều xem rộng, thích ngâm vịnh.
Một năm vua tuần du Quảng Nam, lên Ngũ Hành sơn, khi ấy đương tiết cuối thu, gió may hiu hắt, thấy một khoảng rừng cây cối bị tàn phá, hỏi ra thì đấy là di tích nơi Pháp đánh vào cửa Ðà Nẳng mấy năm trước, vua cảm hứng khẩu chiếm một câu:
- Cây gặp gió thu, khí vàng đến mau (kim thuộc về thu).
Lại có ý kim là đồ binh khí, súng đạn bắn vào cây cối phải điêu tàn.
- Hoa bị lửa cháy, đá vỡ kê thành tiếng (đá nổ) ý khi đánh nhau, cây cối hoa cỏ đều bị cháy, đá núi phải vỡ lở.
Trong buổi nhiễu nhương, vị quân vương này vẫn còn theo dấu Tự Ðức, tả cảm xúc của mình bằng những lối văn lập dị!
TỰ ĐỨC
Tự Ðức, một buổi chiều nhàn rỗi, bảo các quan lấy giấy bút, rồi đọc cho chép một bài thơ:
Tiêu hà tá hán khởi ư phong
Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung
Bất luận huân tiêu phàn khoái lực,
Hốt văn hàn tín tự tiêu không.
Các quan ai nấy đều hiểu là Tiêu Hà giúp nhà Hán ở đất Phong Bái, không dùng tới sức mạnh của Phàn Khoái, chỉ cần ở tài Hàn Tín là nên việc.
Có ngờ đâu bài thơ này tả con muỗi: Tiêu hà có nghĩa là tàu chuối, lá sen. Phong là gió, Hán là nó. Hàn tín là tin lạnh. Phàn khoái là hun đốt.
Theo chữ vua dùng, thì bài thơ có thể dịch như sau:
Bẹ chuối đài sen nổi cánh vung,
Bay vào màn trướng quấy lung tung.
Chẳng cần phải tốn công hun đốt,
Tin lạnh vừa đưa tẩu tán cùng.
Giả sử nhà vua biết hiểu thời vụ như sành văn chương, thì đâu đến nỗi sau này phải ta thán:
Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu,
Văn thần thoái lỗ cánh vô thi.
(Quan võ chỉ biết uống rượu giải buồn, còn quan văn, đến làm thơ đuổi giặc cũng không làm nổi!)