Thi sĩ Đồng Hồ
(1906 - 1969)
Một trong những nét đẹp nhất mà cũng đặc biệt nhất của đạo Nho, không thấy trong các triết học khác, là gây được cái truyền thống tiến vi quan, thoái vi sư. Học là để tu thân, mà tu thân là để giúp nước, bằng "chính" và "giáo". Gặp thời loạn không thể thi thố tài đức để cứu dân được thì trở về dạy dân để chuẩn bị cho một thời khác.
Khổng tử đã tạo nên truyền thống ấy: ông là người đầu tiên mở các lớp tư thục bình dân ở Trung quốc, vừa làm chính trị vừa dạy học, khoảng sáu mươi bảy tuổi, biết đạo mình không nhà cầm quyền nào muốn theo, mới quay về chuyên việc dạy học. Nội điểm đó, ông cũng được tôn là "vạn thế sư biểu" rồi. Ông "khai lai" rồi Mạnh Tử "kế vãng". Đời của Mạnh cũng y hệt đời ông, cũng bôn ba các nước chư hầu cho tới già rồi cũng trở về dạy học và có lần thốt ra câu bất hủ này: Người quân tử có ba niềm vui mà một trong ba niềm đó là được các anh tài trong thiên hạ để dạy dỗ (đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi).
Trong hơn hai ngàn năm, hết thảy các nhà Nho chân chính ở Trung hoa cũng như ở Việt nam, hữu danh cũng như vô danh, từ Đổng Trọng Thư, Vương Dương Minh, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến đến các ẩn sĩ, các thầy đồ đều giữ được truyền thống Khổng Mạnh, tự gây một uy tín rất lớn trong dân gian, không có một chút đặc quyền, cao quí mà vẫn bình dân, chỉ giúp đồng bào mà không mưu lợi cho bản thân, nghèo mà được trọng hơn vua chúa, không tổ chức mà lại chặt chẽ, vững bền vì không tranh với ai, một giai cấp kỳ dị không giống một giai cấp nào trong lịch sử nhân loại: giai cấp sĩ phu. Văn minh nhân loại ngày nay không sao tạo nổi giai cấp đó nữa: các giáo sư đại học không sao có được uy tín với dân như các cụ đồ của ta ngày xưa, đó là một điều đáng tiếc.
Ở nước ta hiện nay, số hậu duệ của giai cấp ấy kể ra cũng còn được kha khá, nhưng số người còn giữ được nếp nhà thì hiếm đấy; và tôi nghiệm thấy người nào giữ được cũng có vài nét chung rất dễ nhận ra: không ham danh lợi, chăm nom sự dạy dỗ con cái, yêu nước, thích văn chương, chuộng nghề dạy học và hình như có khiếu dạy học nữa.
Tôi được dăm ba ông bạn trong giới ấy mà ông Đông Hồ là một. Ông sinh trưởng trong một gia đình Nho gia ở Hà Tiên. Hà Tiên là một nơi hẻo lánh, xưa tuy là tỉnh, nhưng chỉ lèo tèo như một cái quận ở biên giới, gần như cách biệt hẳn với các tỉnh khác: hồi đầu thế kỉ muốn lên Sàigòn phải mất ba ngày, nói chi tới Huế và Hà Nội. Nhờ vậy mà Hà Tiên giữ được nhiều nếp cổ, ít chịu ảnh hưởng Tây Phương, sau thể chiến thứ nhất mới có trường sơ học Pháp Việt dạy tới lớp ba (sơ đẳng), sau thành trường Tiểu học. Nhưng Hà Tiên có đủ sông hồ, núi biển, là một tiểu vũ trụ, và từ 1736 đã có Chiêu Anh Các mà vị "nguyên soái" thi đàn này, Mạc Thiên Tích, tuy gốc Trung Hoa mà lại biết quí trọng văn thơ Nôm, giỏi thơ Nôm.
Đông Hồ mồ côi sớm, được ông bác, cụ Hữu Lân dạy dỗ, coi như con. Tôi còn giữ được một bức thứ rất cảm động của thi sĩ kể nỗi tiếc nhớ ông bác. Cụ Hữu Lân văn hay chữ tốt mà cũng thích thơ Nôm: chính cụ sưu tập được một bản chữ Nôm Song tinh bất dạ mà Đông Hồ đã phiên âm, hiệu đính đôi chỗ và xuất bản 1962 (nhà Bốn Phương). Chịu hai ảnh hưởng của quê hương và gia đình đó, Đông Hồ đã sớm thích thơ văn Hán và Việt, nhắt là Việt, vì như ông vẫn thường ân hận: "chữ Hán, chữ Pháp đều được học rất ít".
Khoảng 15-16 tuổi, ông bắt đầu được biết tạp chí Nam Phong, mê nó, đọc rất kĩ từng số một để học thêm và khi Phạm Quỳnh theo tấm gương của các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục, đề cao tiếng Việt, thì Đông Hồ hưởng ứng liền, hô hào quốc dân học tiếng Việt, đích thân mở một học xá, cũng như một nghĩa thục, để dạy tiếng Việt. Đó là ảnh hương thứ ba.
Ảnh hưởng cuối cùng là ảnh hưởng của thi hào Ấn Rabindranath Tagore. Năm 1901 Tagore lập một tịnh xá gần Calcutta, đặt tên là Santiniketan (có sách dịch là Nhà Tự Do, có sách lại dịch Nhà Hoà Bình) để dạy một số thanh niên đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên. Nhờ đọc Nam Phong, Đông Hồ biết được Tagore đã dùng tiếng Bengali mà sáng tác nhiều tập thơ bất hủ được giải thưởng Nobel; và lời này của Tagore "Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được" càng làm cho ông vững tin chủ trương của mình (l)
Mới đầu ông làm giáo viên lớp ba ở Hà liên. Ta nên nhớ chương trình tiểu học hồi ấy dạy bằng tiếng Pháp, mỗi tuần chỉ có vài giờ "Annamite", tức Việt ngữ. Ông dạy ở trường Tiểu học đâu được tám chín năm (từ 1924 hay 1925 đến 1933) và ngay từ đầu ông đã bất mãn về chương trình: trẻ Việt mà sao không được học tiếng Việt lại phải học tiếng Pháp, phải tụng những câu như: "Nos ancêtres sont des Gaulois" (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois - người xứ Gaule), nên tuy phải theo chương trình nhưng ông vẫn chú trọng tới tiếng Việt hơn, khuyến khích học sinh tin tưởng ở tương lai tiếng Việt mà trau giồi tiếng Việt.
Học sinh lớp ba hồi ấy ở một tỉnh nhỏ, hẻo lánh, chắc có em mười bốn mười lăm tuổi nên đã hiểu biết ít nhiều và ông đã đào luyện một số khá về Quốc văn, tập cho họ viết báo, có bài được đăng trên Nam Phong năm 1925.
Ông theo đúng chương trình nên các cấp trên không trách ông vào đâu được, nhưng chắc cũng không ưa ông. Thấy một tuần lễ chỉ có vài giờ tiếng Việt, ít oi quá, một hai năm sau ông mở Trí Đức học xá dạy toàn tiếng Việt cho bất kì người nào muốn học. Buổi khai giảng vào ngày 30.10.1926. Năm đó ông mới hai mươi tuổi!
Học xá mỗi tuần giảng hai buổi tối. Ngày lễ hay chủ nhật ông thường dắt học sinh đi thăm mười cảnh đẹp ở Hà Tiên mà nhóm Chiêu Anh Các hồi xưa ngâm vịnh, là những nơi có di tích lịch sử, để sống gần thiên nhiên như chủ trương của Tagore.
Tôi không rõ ông có lập chương trình giảng dạy gì không, nhưng Nam Phong số 115, tháng ba năm 1927, có đăng trọn bài diễn văn của ông đọc ngày 19.11.1926 ở học xá, vạch rõ mục đích của học xá: là khai trí tiến đức và dạy "chữ Quốc ngữ", dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ trong việc khai trí tiến đức ấy.
Vách bên tả lớp học treo câu cách ngôn của Chu Hi, triết gia Trung hoa đời Tống:
"Ở đời có ba điều đáng tiếc: một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư."
Vách bên hữu treo câu của Phạm Quỳnh:
"Tiếng là nước: tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất..."
Tôi đoán lối dạy của ông cũng không khác lối dạy của các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục non hai chục năm trước đó: lựa một bài thơ, một áng văn hoặc một thời sự, một truyện cổ làm đầu đề giảng của mỗi buổi, rồi liên miên bàn về cách xử thế tu thân, về lòng yêu nước, về cách đặt câu, dùng chữ v.v...
Chắc mỗi tuần có một bài luận Quốc văn mà ông chịu khó sửa kĩ, rồi tuyển những bài khá nhất để giới thiệu trên báo Nam Phong.
Học xá mở được tám năm, từ 1926 đến 1934, theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì có ba lần khai giảng hết thảy: lần thứ nhất cho các học sinh lớp nhất (2), các lần sau cho học sinh lớp ba, tức lớp của Đông Hồ. Mỗi khoá chắc chỉ được mươi học sinh vì Hà Tiên là một thị trấn nhỏ; nhưng cũng có một số ở xa học theo hàm thụ, và tiêu đề trên các thư từ hàm thụ là bốn câu thơ dưới đây:
Ríu rít đàn chim kêu,
Cha truyền con nối theo.
Huống là tiếng mẹ đẻ.
Ta có lẽ không yêu?
Dĩ nhiên, ông bi nhà cầm quyền nghi kị, theo dõi. Hồi đó dạy Việt ngữ là một điều quái gở. Ai cũng ham học được ít câu tiếng Tây để "tối sâm banh sáng sữa bò" mà sao lại dạy Việt ngữ? "Tổ tiên ta là người Gaulois" mà sao lại học tiếng "Annamite"? Chính một học sinh của ông khi phải từ biệt Thầy và bạn đề về quê ở Biên Hòa, đã viết những hàng này mà Đông Hồ chép lại trong bài Nhớ Tết Hạ Nguyên, Nam Phong số 135, tháng 11-12 năm 1928:
"Nói đến công của chữ Quốc ngữ khi sắp từ biệt nhà học xá này thì cảm động đến chảy nước mắt mà khóc được vì Quốc văn ở buổi bây giờ, muốn học cũng khó lắm thay! (...) Trường nào là trường có dạy thứ chữ ấy? Thầy nào là thầy chịu dạy thứ hữ ấy? Ai chẳng biết chữ Quốc ngữ ở các trường nhà nước ngày nay phải ở vào địa vị rất thấp hèn mà chịu cái số phận khinh khi, rẻ rúng: như thế thì còn ai là người thiết đến việc dạy dỗ thứ chữ ấy nữa làm gì?..."
Theo nữ sĩ Mộng Tuyết, chỉ có một lần ông Đông Hồ bị cấp trên cảnh cáo. Năm đó, không nhớ rõ năm nào, một tờ báo (có lẽ là tờ Việt Dân) sắp ra, đăng quảng cáo rằng trong tòa soạn có Đông Hồ, một giáo viên ở Hà Tiên, lại in hình Đông Hồ nữa. Viên đốc học liên tỉnh miền Tây, người Pháp, tức tốc tới Hà Tiên điều tra, chìa tờ quảng cáo cho Đông Hồ coi, hỏi vặn đủ điều, rốt cuộc bảo: "Ừ, về văn học thì được, chứ chính trị thì đừng đấy."
Nhưng đọc bài tựa tập Bông hoa cuối mùa (tác giả là môn sinh của ông, tên là Thạch San), tôi chắc ông còn bị nhiều cảnh ép buộc, cấm đoán nữa, nên 1934 học xá mới phải tự đóng cửa:
Hội nghiên bút tao phùng đâu nữa,
Lệ văn chương giọt ứa cảm hoài;
Mịt mù trong cõi trần ai.
Cao sơn lưu thủy ai người tri âm?
.........
Thôi đành chịu người thua cảnh ngộ,
Cảnh không may, thực khó mà nên.
Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
Năm năm ba bận tình duyên lỡ làng!
Nam Phong số 162.
Cảnh không may đó là cảnh nào? Ba bận lỡ làng là làm sao? Hồi ông còn thì tôi không hỏi mà ông cũng không kể. Ông không kể vì ông khiêm tốn, ít muốn tự khoe; mà tôi không hỏi vì nghĩ ông còn thọ ít gì cũng dăm năm nữa, không gấp gì. Bây giờ muốn hỏi thì không biết hỏi ai.
Học xá thọ được bấy nhiêu năm cũng đã là hãn hữu, một phần vì ông không làm chánh trị, một phần nữa vì qui mô nhỏ bé, nhà cầm quyền không đáng ngại. Học xá thôi giảng nhưng lớp hàm thụ thì vẫn còn: ai thích văn cứ gởi thư hỏi han và gởi văn thơ cho ông sửa.
Trí Đức học xá được nhiều người biết, nhờ những bài giới thiệu đăng trên báo Nam Phong: Gia đình giáo dục kí, số 115, Nhớ Tết Hạ nguyên, số 135, Bài kí về giáo dục, số 157, v.v...; lại đào tạo được một số môn sinh hồi đó viết quốc văn đã khá lắm, không hiểu tại sao sau này không ai sáng tác gì cả, trừ nữ sĩ Mộng Tuyết. Nhưng phải nhận rằng ông Đông Hồ không gây nổi một phong trào: tại thiếu địa lợi chăng? Hà Tiên là một nơi hẻo lánh, nhân tài hiếm mà đồng chí không đông. Hay là tại thiếu thiên thời? Lúc đó ảnh hưởng tiếng Pháp đương lên mạnh. Nhưng sáng kiến đó, nhiệt tâm đó, đức kiên nhẫn đó, một người đương thời, Trọng Toàn đã ghi lại trong bài Một người có công với quốc văn, Nam Phong sổ 173; và bây giờ chúng ta nên ôn lại để nêu cho đời sau tấm gương của một người từ năm hai mươi tuổi, giữa thời toàn thịnh của thực dân Pháp, đã "tự nguyện làm một người tri kỉ với Quốc Văn, (...) cùng với Quốc văn ước nguyền sông núi." (Nam Phong số l35). Mà riêng đối với môn sinh của ông thì công của ông thực lớn. Trên mộ bằng cẩm thạch Ý đại lợi của ông ở nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi, chúng ta đọc hai câu này của một môn sinh Trí Đức học xá:
Ân sâu nghĩa nặng tình dài, Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi?
Chỉ được một người khóc như vậy thì cả một đời, dù không có sự nghiệp gì khác, cũng khả dĩ là vô hận rồi.
Trí Đức học xá đóng cửa, chức giáo viên tiểu học cũng đã từ bỏ năm trước - năm bá phụ ông qui tiên - ông lên Sàigòn cho ra tờ tuần báo Sống (1935). Báo viết kĩ, in kĩ, chỉ sống được ba mươi số, nhưng cũng đã đánh dấu được một tiến bộ trong ngành: tờ đó là tờ đầu tiên ở Nam in trúng hỏi ngã, và cho tới bây giờ, vẫn chưa có tờ nào chú trọng đến chánh tả hơn. Dĩ nhiên, ông phải đích thân sủa trên bản nháp của người gởi bài, rồi sửa trên ấn cảo của nhà in. Ai ở trong nghề mới thấy được công việc của ông cực nhọc, mất thì giờ ra sao.
Thất bại, năm sau ông về Hà Tiên ẩn cư non mười năm. Sau quốc biến 1945, ông chèo một mình chiếc xuồng ba lá lênh đênh trên các sông rạch miền Tây, sau cùng trôi giạt tới Sàigòn lập nhà xuất bản Bốn Phương, nhà sách Yiễm Yiễm, và ra tờ Nhân loại (l953). Tờ này in cũng như tờ Sống mà cũng không thọ, được hai mươi hai số rồi phải ngưng. Trong mục Chữ và Nghĩa ông kí tên là Đồ mọt sách, đưa ra nhiều nhận xét lí thú về tiếng Việt.
Năm 1964, ông đã dẹp hết công việc xuất bản, phát hành sách, vè nghỉ ngơi ở Quình Lâm thư thất gần hồ tắm Chi Lăng thì một tin làm nhiều người ngạc nhiên: ông nhận lãnh việc giảng về Văn học miền Nam cho Đại học Văn khoa Sài gòn. Người ta ngạc nhiên vì năm ấy ông đã gần lục tuần, đã bỏ nghề dạy học ba chục năm, mà ông lại vào hạng thi sĩ phong lưu nhất nước. Tôi tuy ít khi ra khỏi nhà mà cũng nghe được những lời một số người trách ông này nọ; ông cũng biết rằng những lời ấy tới tai tôi, nhưng không khi nào ông đính chính với tôi mà tôi cũng chẳng hỏi.
Những chuyện đó tôi thường gác ngoài tai: mỗi người có một chí hướng, một lối sống, một hoàn cảnh, một tâm sự, một sở thích, tới hàng ruột thịt cũng khó hiểu được mình thì phê phán thế nào chẳng có điều bất công. Nhưng tôi cũng đoán thầm rằng ông vốn là một nghệ sĩ, cần có sự bó buộc, thúc bách nào đó mới làm một công trình nghiên cứu dài hơi được, và ông nhận việc giảng dạy ở Văn khoa đã tự buộc mình phải soạn cho xong một cuốn về Văn học miền Nam.
Tôi đoán không sai, nhưng chỉ đúng một phần. Tháng chín năm 1967, nghĩa là sau khi ông dạy ở Văn khoa được ba năm, ông gởi tặng tôi một tập Đào lý giá xuân phong.
Tập này quay ronéo, in trên giấy đánh máy dày, chỉ gồm 12 trang, không hiểu tại sao lại đánh số từ 319 đến 330. Nhưng bìa in typo màu vàng, phía trước có dấu son "Lâm Đông Thủy Cổ Nguyệt" (3) và hàng chữ: "Tuyển lục ít vần thơ Đại học", phía sau có đề: Giá thuần nhất: 40đ. Tôi không chắc rằng tập đó gởi bán ở các tiệm sách, có lẽ chỉ để tặng bạn bè; sinh viên Văn khoa ai có muốn một bản thì góp chút phí tổn ấn loát, thế thôi.
Lật tờ bìa rồi, tới một tờ giấy mỏng màu hồng, in bằng bản kẽm, có bốn chữ Hán: Đào lý xuân phong, và tên cùng triện son của tác giả.
Tập gồm 9 bài, 8 bài thơ và một bài đoản văn làm từ 1965 đến 67. Tôi để ý đến ba bài: Xuân phong ngâm ở đầu tập, Vàng son hoa nở hai mùa và Tiếng Việt huy hoàng.
Tôi nhận thấy ông trở lại nguồn hứng của ông trên ba chục năm trước hồi ông lập Trí Đức học xá. Ông lại nhắc đến "giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt":
Duyên gặp gỡ tương tri thuở nọ,
Khúc nam huân ngọn gió khéo đưa,
Cung đàn dìu dặt tiếng tơ,
Hàn Thuyên Đại Việt hồn xưa bàng hoàng
(Xuân phong ngâm)
Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
Nền móng văn chương cổ điển,
Đặt đây viên đá đầu tiên,
Xây dựng tương lai còn hẹn
(Tiếng Việt huy hoàng - 1967)
Vậy thì cái việc dạy cho Văn khoa chỉ là để nối lại cái "tình duyên lỡ làng" ba mươi năm trước, chỉ là để kêu gọi "Hồn Đại Việt", đề cao "Giọng Hàn Thuyên" và trước sau ông chỉ nghĩ tới Quốc văn, giữ mối tình "tri kỉ với Quốc văn", "mối duyên nợ thâm trầm với Quốc ngữ" như ông đã viết trong Nam Phong số 135 và 162. Không biết trong thâm tâm, ông có tự hào là người đi tiên phong không? Công việc ông "đơn thương độc mã" khởi xướng hồi hai mươi tuổi bây giờ đã thực hiện được. Tôi nghĩ, chính quyền nếu có những người thực sự hiểu văn hóa Việt Nam, thực tâm yêu "giọng Hàn Thuyên" thì khi dời Văn khoa từ Hà Nội vô đây, tất phải mời ông ngay làm khoa trưởng hay giáo sư thực thụ mới phải, vì ai có lòng với tiếng mẹ đẻ hơn ông, có công với giọng Hàn Thuyên hơn ông? Ông nhận chức giảng viên Văn khoa vì đám thanh niên Văn khoa, vì muốn tiếp tục "xây dựng tương lai" cho "Tiếng Việt huy hoàng" đấy.
Ở một nước biết trọng văn nhân thi sĩ như nước Pháp thì bốn câu:
Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên
Nền móng văn chương cổ điển,
Đặt đây viên đá đầu tiên,
Xây dựng tương lai còn hẹn.
đã được khắc trên phiến đá Ngũ Hành Sơn mà dựng trước di chỉ Trí Đức học xá ở Hà Tiên hoặc khắc lên bảng đồng trong phòng diển giảng ở Đại học Văn khoa Sàigòn rồi.
Đọc Đào lý xuân phong tôi thích nhất bài Xuân phong ngâm. Bài đó viết theo thể song thất lục bát, thể hoàn toàn Việt Nam, lời đẹp mà hơi buồn, cho tôi cảm tưởng rằng tác giả là một ông đồ Nho thời cuối Lê hay đầu Nguyễn, chán ngán sự đời mà tìm cái vui trong sự dạy dỗ thanh niên.
Ông nhắc lại tuổi niên thiếu, say mê tiếng mẹ:
Tiếng mẹ với tiếng đàn náo nức,
Hồn thơ chung hồn nước xôn xao,
Hồn phong nhã, tiếng thanh tao,
Nguồn thơ Quốc ngữ nao nao biển lòng.
Rồi khi ông sáng lập Trí Đức học xá:
Vườn Trí Đức thành Phương (4) ngõ rộng,
Hạt quốc văn gieo giống tinh hoa.
Trải bao gió lộng sương pha.
Tốt tươi hồng hạnh, rườm rà quế lan.
Bây giờ đây:
Một thoáng đã sông dời núi đổi.
Trăm năm chi biển nổi dâu chìm.
Bóng xưa ngày cũ không (5) tìm.
Nhắc cho thêm gợi những niềm nhớ nhung.
Nhưng nhìn đám thanh niên ông đào tạo thì ông lại vui:
Đây thế hệ anh hoa tuấn tú.
Đêm ngày đang vui thú sách đèn.
Say sưa nghĩa lý thánh hiền.
Đông Tây kim cổ triền miên mộng vàng.
Đang đợi những huy hoàng cao cả.
Đang bắt tay luyện đá vá trời.
Một trời mực đậm sơn tươi.
Một trời Đại học, một trời Vân Khoa.
Khúc ngâm dài 60 câu chấm dứt ở những vần tràn trề hi vọng ấy. Khi tỏ với ông những cảm tưởng của tôi về bài thơ - bài thơ thanh nhã, tóm tắt được chí hướng cùng cuộc đời của ông ấy - tôi mỉm cười, bảo: "Bác thực có huyết thống nhà Nho, chỉ thích làm một ông đồ, chỉ sung sướng khi có một số anh tài để dạy dỗ". Ông lộ vẻ mừng, cho tôi là tri kỉ.
Khi xây mộ cho ông, nữ sĩ Mộng Tuyết hỏi tôi nên lựa bốn câu này:
Vũ trụ mang mang trời đất,
Thời gian dằng dặc đêm ngày,
Một thoáng cổ kim chớp mắt,
Nghìn thu dâu bể trao tay.
hay sáu câu:
Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên.
Nền móng văn chương cổ điển.
Vũ trụ thiên thu vạn vật,
Cảo thơm hiển hiện trước đèn.
Đất nước nghìn năm văn hiến
Lâu đài tiếng Việt huy hoàng.
để khắc lên mộ, là nữ sĩ đã hiểu rõ tâm sự, nguyện vọng suốt đời của chồng. Tôi đã do dự hồi lâu rồi đáp nên lựa bốn câu trên. Tôi không nói ra - hay đã nói mà quên chăng? - nhưng lúc đó tôi đã nghĩ: sáu câu cuối nên để cho môn sinh khắc thì phải hơn.
Mấy năm cuối cùng, ông thường phàn nàn sao thấy buồn quá, không hiểu vì đâu:
"Gần đây tôi cứ thấy lòng buồn mà rộn, không biết buồn về điều gì và rộn về điều gì" (2-3 II 1967)
"Mấy hôm nay tâm hồn tôi như có gì bất thường"...
Đã thấy lâng lâng niềm giản dị,
Hồn tan theo nước, ý theo mây.
Khi làm câu thơ đó, cách đây đã hơn 25 năm, mà đến bây giờ mới thấy gần đúng" (5 VI 1967).
Và ông bảo chỉ còn mỗi vui là được "các bác vào chơi". Các bạn khác mải lo sinh kế, còn tôi thì rất sợ ra khỏi nhà, sợ thấy xe cộ và rác rưởi, nên cái vui được chuyện trò với bạn thân may lắm mỗi tháng ông được hưởng một lần. Đời Tống, một đạo sĩ đi sáu tháng trời từ Hoa Bắc tới Hoa Nam để thăm Tô Đông Pha. Mà ngay thời tôi còn nhỏ, một cụ đồ đi trọn một ngày đề thăm một ông bác tôi. Cái văn minh cơ giới này làm hư con người thật!
Nhưng tôi nghĩ ít nhất mỗi tuần ông cũng được vài giờ vui với các môn sinh ở Đại học, và một trong những lúc vui nhất của ông là ngày gần Tết năm nào đó, một bọn thanh niên cả trai lẫn gái quây quần chung quanh ông ở phòng khách Quình Lâm thư thất, thân mật như con đối với cha, nghe ông kể chuyện về đời ông và nhìn những ngón tay búp măng trắng trẻo nổi gân xanh của ông chấm ngọn bút vào nghiên mực, đưa thoăn thoắt trên tờ giấy điều.
Tôi chắc chắn không có một giáo sư Đại học nào ở Việt Nam hiện nay có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên gần hết những điều ông giảng về Văn học miền Nam, về nhóm Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ cái chân tình Nho gia của ông, cũng như tôi không bao giờ quên được dáng dấp ung dung, khoan hòa, nụ cười hồn nhiên, rất tươi, chiếc khăn xếp, chiếc áo the thâm rất giản dị của cụ Bùi Kỷ, thầy học cũ môn Quốc văn của tôi ở trường Cao đẳng Công chánh. Chính những nét đó mới là bài học đáng quí nhất của bậc làm thầy vì chính nó mới ảnh hưởng lâu bền đến tâm hồn ta, tới nhân sinh quan của ta. Nhiều người có thể thay Đông Hồ về môn Văn học miền Nam, nhưng cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của "thầy đồ" Đông Hồ thì không ai tạo nên nổi. Các sinh viên Văn khoa có thấy mất ông là mất cả một truyền thống không?
Tôi nghĩ trời đã lựa cho ông một cái chết rất hợp với cuộc đời của ông mà có lẽ cũng rất hợp ý ông nữa: ông ngất đi trong khi ngâm thơ về hai Bà Trưng, giữa giảng đường Văn Khoa trong cánh tay môn sinh. Đúng như câu của Lương Khải Siêu: "Chiến sĩ tử ư sa trường, học giả tử ư giảng tọa"
Viết ở Saigon ngày 1.3.70
Nhân ngày giỗ đầu Đông Hồ
(1) Coi bài "K.E. Kripalami tiếp xúc với Đông Hồ..." trong cuốn Đăng Đàn - Mặc Lâm xuất bản - 1970.
2) Lớp của thầy giáo Trọng Toàn, bạn thân của Đông Hồ, vì chỉ có thầy là khuyến khích học sinh học thêm ở Trí Đức học xá.
3) Thủy cổ nguyệt tức là chữ hồ. (Đông Hồ)
4) Tức Hà Tiên.
5) Tôi ngờ là khôn.