18-05-2010 | VĂN HỌC

Thi Sĩ Đông Hồ

  T.V.PHÊ


Đông Hồ & Mộng Tuyết  trên đường phố Sài Gòn khoảng năm 1951-1953

I. TIỂU SỬ:


Đông Hồ sinh năm 1906 (Bính Ngọ) tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên. Ông mồ côi cha mẹ, được bác ruột (Lâm Hữu Lân) nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Ty, tự Trác Chi; tên đăng ký hộ tịch: Lâm Tấn Phác. Ông là một nhà giáo nhiệt tình với văn hóa dân tộc. Ông đã từng cộng tác với các tạp chí Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Phụ Nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Việt Dân, Mai, Tri Tân. Ngoài bút hiệu Đông Hồ, ông còn dùng các bút hiệu: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh.


- Năm 1926 - 1934: ông lập Trí Đức học xá chuyên dạy Việt ngữ, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai tiếng Việt. Thời kỳ này ông cộng tác với báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản (1935).


- Năm 1935: xuất bản tuần báo Sống ở Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì đình bản vì không tự túc nổi; ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam.

- Năm 1945: tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian rồi ngưng và trở lên Sài Gòn.

- Năm 1950: sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiểm Yiểm Thư Trang.

- Năm 1953: xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên. Đến giữa năm 1964, tất cả đều ngưng hoạt động.

- Năm 1964: ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn.

- Năm 1965: ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ông mất ngày 25-3-1969 (8-2 năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên.


II. TÁC PHẨM:


Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết văn, ký, khảo cứu, văn học sử. Về văn, ông viết từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông có tiếng khi viết cho báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương và nổi tiếng nhất với bài ký Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập và bài Phú Đông Hồ.


Các tác phẩm đã in thành sách:


- Thơ Đông Hồ (Văn Học Tùng Thư, Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xuất bản, 1932): thơ sáng tác từ năm 1922 đến 1932.

- Lời Hoa (Trí Đức Học Xá, Hà Tiên xb, 1934): các bài Việt Văn của học sinh Trí Đức Học Xá đã nhuận sắc.

- Linh Phượng (Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xb, 1934): tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, đăng ở Nam Phong t. XXII, số 128.

- Cô Gái Xuân (Vị Giang Văn Khố Nam Định xb, 1935): thơ sáng tác trong khoảng 1932 - 1935.

- Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Trí Đức Học Xá xb, 1936): soạn chung với Trúc Hà.

- Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương xb, 1960): in chung với Đường Vào Hà Tiên của Mộng Tuyết thất tiểu muội.

- Trinh Trắng (Bốn Phương xb, 1961): thi tuyển.

- Truyện Song tinh (Bốn Phương xb, 1962): sao lục, khảo cứu truyện Song Tinh Bất Dạ.

- Chi lan đào lý (1965): tùy bút.

- Năm ba điều nghĩ về Truyện Kiều (1965): thuyết trình nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du.

- Bội lan hành (1969).

- Úc Viên thi thoại(1969).

- Đăng đàn (1969).

- Dòng Cổ Nguyệt (1969).

- Văn học miền Nam:văn học Hà Tiên (1970): những bài giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.


Đã hoàn thành các biên khảo:


- Thăm đảo Phú Quốc (Nam Phong, t. XXI, số 124, 1927).

- Hà Tiên Mạc thị sử (Nam Phong, t. XXV, số 143, 1929): nhóm Chiêu Anh các.

- Chuyện cầu tiên ở Phượng thành (1932).


III. THI HỨNG:


Thơ Đông Hồ có các nguồn thi hứng sau đây:


1) Cảnh vật:


Hà Tiên là quê hương ông với nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử nổi tiếng của dòng họ Mạc (Mạc Cửu *, Mạc Thiên Tích **) đã khai khẩn đất đai, lập ấp vào thời chúa Nguyễn. Những đầu đề bài thơ tả cảnh của ông thường là những danh lam thắng cảnh của vùng đất ấy như: Chơi Đông Hồ, Chơi Núi Đại Tô Châu, Chơi Trăng Bình San, Đêm Ở Lư Khê, Chiều Ở Giang Thành ...


Những nơi khác ông đi qua, dầu chỉ là một xóm nghèo, một dòng sông nhỏ, ông cũng nhiệt tâm diễn tả lại những nét đẹp mà ông cảm nhận được khiến người đọc thêm yêu quê hương đất nước:

"Xóm Cửa Cạn nhà cửa dân cư ở tụ tập theo hai bên bờ sông. Con sông xinh làm sao! ... Sông không rộng, có cây cầu bắc ngang, lối cầu chừa đoạn giữa để cho ghe thuyền qua lại. Chiều trời êm ả, lên đứng trên cầu tựa vào lan can mà trông, dòng nước trong như lọc, chảy từ từ trong lòng cát trắng, hai bên bờ từng túp nhà bán ẩn bán hiện trong khóm đước, rặng bần, cành xòa mặt nước, bóng lộn lòng sông, hoa lá đều có vẻ hàm nhuận, có chiều xinh xắn. Dòng sông uốn quanh ra hữu ngạn rồi mới ra biển, có cánh cồn cát chắn ngang, bóng dương lơ thơ dưới bóng trời cây bảng lảng.... Bây giờ bóng dương đã nhạt, cây núi màu lam, vẻ trời sắc nước như có nhịp nhàng điều độ với nhau, chiếc thuyền từ từ xuôi dòng sông, quanh ra cửa biển, tiếng gió thổi vào cành cây thủy liễu du dương lẫn với tiếng nước reo dưới dịp khê kiều thánh thót, rõ vẽ ra cái cảnh:


Nao nao dòng nước uốn quanh,

Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang.

Trời tây bảng lảng bóng vàng,

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi." (Thăm đảo Phú Quốc)

2) Tình yêu:


Tình yêu trong thơ Đông Hồ rất êm dịu, bình thản; hiếm thấy cảnh chia ly, dang dở; cảnh phụ bạc, đau thương. Thậm chí "ông thường không thổ lộ những mối tình ấy khi hãy còn nồng nàn mạnh mẽ mà đợi khi đã nguội đi và chỉ còn là kỷ niệm trong trí nhớ" (1) ông mới tỏ bày; như trong bài "Nhớ Rằm Tháng Hai" thương tiếc người bạn đời đã mất. Lúc này, xúc cảm của thi nhân đã lắng đọng, mối đau thương đã nguôi ngoai, tình yêu chỉ còn là kỷ niệm đẹp nên hơi thơ phảng phất một nỗi buồn nhẹ nhàng, một nỗi đau êm dịu:


Hồ Đông một vũng nông sờ,

Non Bình một dẫy tờ mờ ngọn cao.

Em mới hỏi: "Trăng sao sáng tỏ",

Anh đáp rằng: "Trăng có đôi ta".

Bây giờ em đã vắng xa,

Vầng trăng cũng vẫn chưa lòa bóng gương.


Đi về những lối này năm nọ,

Anh vắng em, anh nhớ xiết bao.

Non Bình này vẫn cao cao,

Nước Hồ kia vẫn một màu xanh xanh. (Nhớ Rằm Tháng Hai)


Họa hoằn lắm mới có lần ông khóc Linh Phượng! Mối tình giữa Đông Hồ và nàng Linh Phượng đang độ nồng thắm suốt bảy năm trời, bỗng nàng vĩnh biệt nhà thơ bay về tiên cảnh khiến thi nhân tan nát cõi lòng phải bật lên tiếng khóc trong Trác Chi Lệ Ký tập:



Thủ bút Đông Hồ

Chăn gối cùng nhau những ấm êm,

Bỗng làm ngọc nát bỗng châu chìm.

Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thắm,

Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm.

Hình dạng mơ màng khi thức ngủ,

Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm.

Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt.

Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm!

(Khóc Linh Phượng)


Hình ảnh vần điệu của bài ký tuy cũ, nhưng nội dung nói lên được nỗi buồn của thời đại: "Cùng với tiếng thơ Tương Phố khóc chồng, tiếng thơ Đông Hồ khóc vợ là hai tiếng khóc khá tiêu biểu, làm cho ngọn gió thu trên văn đàn công khai hợp pháp những năm 20 của thế kỷ XX càng thêm hiu hắt, lạnh lẽo, gieo vào lòng công chúng thành thị lúc bấy giờ những nỗi buồn dai dẳng." (2)


3) Tình bạn:


Ông là người rất chí tình và cởi mở với bạn bè. Vợ chồng Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính có một thời gian ở chung với vợ chồng ông. Thơ ông thường diễn tả cảnh chia ly, sum họp với họ:


Cuộc ly hợp gần xa nỏ bận,

Chỗ tâm giao xa vẫn như gần.

Biết nhau trong chốn tinh thần,

Dầu xa non nước vẫn gần tấc gang.

(Nghe tin bác Trọng Toàn từ biệt Phương thành)


4) Tình thầy trò:


Đông Hồ là một nhà giáo yêu nghề, một ông thầy tuyệt vời. Môn sinh rất quí mến ông. Giáo sư Nguyễn Hiến Lê nhắc lại một dịp Tết, nam nữ sinh viên "quây quần chung quanh ông ở Quỳnh Lâm thư thất, thân mật như con đối với cha", rồi quả quyết: "Tôi chắc chắn không có một giáo sư đại học nào ở Việt Nam hiện nay có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên gần hết những điều ông giảng về văn học miền Nam, về nhóm Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ cái chân tình nho gia của ông ..." (3)


Thế nên, có nhiều bài thơ diễn tả tình cảm của ông đối với môn sinh mà ông đã tận tâm hướng dẫn:


Tưới nước vun phân: người giáo hóa,

Đầm thấm dồi dào ân móc mưa.

. . . .

Ba xuân tấc cỏ tình sư đệ,

Một hội trăm năm cảnh học đường.

(Cảnh học đường)


IV. DÒNG THƠ:


Thơ Đông Hồ biến chuyển theo các mốc thời gian -do chính ông phân chia- như sau:   


1) Giai đoạn đầu (1922 - 1932), trong tập Thơ Đông Hồ gồm những sáng tác theo lối cũ: chọn chữ lựa lời công phu, ưa chuộng điển tích, câu thơ gọt giũa cân đối theo kiểu thơ Đường luật; nội dung thường là những chuyện thù tạc về thế thái nhân tình.


Riêng bài Phú Đông Hồ, ông Trọng Toàn đã giới thiệu trong Nam Phong số 173 (6/1932) như sau: "Đọc bài Phú Đông Hồ như thấy lại trước mắt cái cảnh thiên cổ trong vùng gió mây trăng nước khiến người sinh mối cảm kích thâm trầm; lời mở thì phảng phất như bài Xích Bích Phú của Tô Đông Pha mà lời kết thì tương tự bài Le Lac của Lamartine ..." (4)


2) Giai đoạn sau (1932 - 1942), điển hình là trong thi tập Cô Gái Xuân; thơ ông đã chuyển mình theo phong trào "Thơ Mới" mà bài "Mua Áo" đánh dấu một ngã rẽ quyết định. Bài nói chuyện của ông tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn về sau này (19 - 1 - 1967) đã xác nhận như thế: "Bài thơ (Mua Áo) mà tôi cho là bài thơ hữu mệnh đó, tôi đã giấu giếm tư tưởng, tôi đã gói ghém suy tư trong đó. Đã hơn ba mươi năm nay, nào tôi đã nói ra lần nào đâu. Bây giờ thì tôi mới nói. Tôi kể lại câu chuyện Mua Áo giữa thi sĩ và Nàng Thơ.":


Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,

Em đâu còn áo mặc đi chơi.

Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,

Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!


- Hàng bông mai biếc màu em thích,

Màu với hàng, em đã dặn rồi.

Còn thước tấc. Quên! Em chửa bảo,

Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?


- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!

Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.

Rộng hẹp, tay anh bồng ẳm đó,

Ngắn dài, người mới tựa ngang vai!

(Mua Áo)


Thi tập Cô Gái Xuân khiến Lê Tràng Kiều ngạc nhiên cho là một sự thay đổi đột ngột, lạ lùng trong tâm trí, tính tình, trong cách cảm xúc, phô diễn của nhà thơ: "Đông Hồ ngày nay là một người khác rồi! Đông Hồ ngày nay là Mùa Xuân, là 'cô gái xuân', là con bướm trắng, là 'cái hôn đầu tiên', là Tình Yêu, tình yêu trẻ trung, đẹp đẽ, ngây thơ với bao nhiêu cái đức tính và đặc tính của tuổi trẻ." (4)


3) Giai đoạn kế (1942 - 1952) gồm những bài thơ trong thi tập Bội Lan Hành nói về những tàn phá, đổ nát, đau thương trong chiến tranh mà Đông Hồ cũng đã từng trải qua trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Về hình thức là thể thơ mới nhưng câu thơ vẫn giữ sự cân đối, trau chuốt, hoa mĩ; âm điệu vẫn phảng phất không khí Đường thi:


Hồng đơn máu chép lời thơ oán

Bạch lạp lòng sôi ánh kiếm linh.

Xuân ngọt còn đâu mưa mát rợi

Ngập bờ cay đắng lệ nhân sinh.


Lầu son khóa cánh tương tư én

Vườn thúy cài then tiếc nhớ oanh.

Con bướm nhà ai về bỡ ngỡ

Tìm xuân lạc lối, cánh bay nhanh.

. . . .

(Xuân Lạc Lối Về)


V. KHẢO CỨU:


- Tập Hà Tiên Mạc thị sử biên khảo về thi xã Chiêu Anh các do Mạc Thiên Tích sáng lập khoảng 1736 ở Hà Tiên. Ông sưu tầm thơ của nhóm này giúp người nghiên cứu có tài liệu về văn học buổi ban đầu ở vùng đất tận cùng phía Nam mới khai phá.


- Cuốn Văn học miền Nam: Văn học Hà Tiên là công trình nghiên cứu công phu để giảng cho sinh viên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.


- Cuốn Truyện Song Tinh tức Song Tinh Bất Dạ, truyện thơ Nôm của Nguyễn Hữu Hào, ngày nay chỉ còn lại văn bản duy nhất do ông tìm được và ra công sao lục, khảo cứu.


Tóm lại, Đông Hồ tinh thông Hán học, thạo chữ Nôm, kiến thức uyên bác nhưng lại rất khiêm tốn.


- Ông có nhiều công phu sưu tầm, khảo cứu với những cống hiến đáng kể. Ông để hết tâm huyết nghiên cứu tiếng Việt, văn học miền Nam để truyền thụ cho môn sinh mà ông tận tụy dạy dỗ.


- Chỉ riêng về văn thơ thù ứng thì Võ Phiến cho rằng Đông Hồ văn hay, chữ đẹp nên rất tuyệt khi làm thơ xướng họa, viết câu đối, viết những cánh thiệp đón xuân chúc Tết ... Còn Phạm Việt Tuyền bảo: "Đông Hồ là một ông vua, là nhà thơ thù tạc số môt ở thế kỷ XX rất có giá trị về mặt xã hội, có tác dụng sâu rộng trong cuộc đời đầy ô trọc vật chất." (3)


- Nói chung về thơ, Đông Hồ là thi nhân của thế hệ cũ, nhưng ông cũng nhạy bén, tích cực chuyển mình hòa nhịp vào phong trào thơ mới đang lên. "Đông Hồ là người thứ nhất đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng." (5)

T. V. Phê

((2/2006)

Chú thích:

(*) Mạc Cửu: Người Trung Hoa, trốn nhà Thanh qua lập nghiệp ở Hà Tiên năm Mậu Tý (1708), xin tùng phục chúa Nguyễn nên được phong Tổng binh để giữ vùng đất này.

(**) Mạc Thiên Tích là con Mạc Cửu, làm Đô đốc trấn Hà Tiên; nổi tiếng với mười bài "Hà Tiên Thập Cảnh", sau đây là bài tổng luận:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non nước nước gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.

Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi,

Châu Nham, Kim Dự cá chim doanh.

Bình Sơn, Thạch Động là rường cột,

Sừng sựng muôn năm cũng để dành.


Tài liệu tham khảo:

(1) Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, NXB Xuân Thu, tr. 439.

(2) Từ Điển Văn Học , Đỗ Đức Hiểu chủ biên, NXB Thế Giới, 2004, tr. 454.

(3) Văn Học Miền Nam - Thơ, Võ Phiến, NXB Văn Nghệ,1999, tr. 2874.

(4) Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến Toàn Tập, Nguyễn Tấn Long, NXB Văn Học, tr. 1114.

(5) Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân, NXB Đại Nam, 1994, tr. 325.