Sau khi Đông Hồ qua đời, người bạn rất thân của ông là học giả Nguyễn Hiến Lê tổng kết văn nghiệp ông (trong bài biên khảo về công của họ Mạc và họ Lâm đối với đất Hà Tiên): "Không kể rất nhiều bài dài ngắn đăng trên các tạp chí, hiện nay chưa in thành sách, Đông Hồ đã lưu lại cho chúng ta mười lăm tác phẩm, trong số đó có sáu bảy tập thơ."
Trong số mười lăm tác phẩm ấy chỉ có hai thi tập xuất bản trước 1945 (là Thơ Đông Hồ và Cô gái xuân). Vậy về thơ, phần xuất hiện với đời, sau nhiều hơn trước gấp ba.
Về các văn loại khác cũng thế. Công trình biên khảo công phu nhất của ông - Văn Học Hà Tiên (1970) - dày trên ba trăm trang, thuộc vào giai đoạn sau. Việc phát hiện và phiên âm Song Tinh Bất Dạ (1962) thuộc vào giai đoạn sau.
Về hoạt động phát huy Việt ngữ lại cũng thế. Trước, ông bắt đầu làm một giáo viên lớp ba ở Hà Tiên; sau, ông làm giáo sư đại học Văn khoa ở thủ đô Sài Gòn.
Trước, ông hướng dẫn một số học trò ở Trí Đức học xá tại Hà Tiên; sau, ông chọn thưởng các thi phẩm xuất sắc cho giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc v.v...
Ở địa hạt hoạt động nào, phần đời sau của ông cũng ghi những thành tích quan trọng hơn phần trước. Thế nhưng không thể bảo cái tiếng của ông ở giai đoạn sau vang rộng hơn trước. Trái lại. Quần chúng độc giả sau 1954 hờ hững với ông, cũng như với Vũ Hoàng Chương, với Quách Tấn. Thơ các ông làm nhiều tới tấp, nhưng họa hoằn mới được ông Thi Vũ in một cuốn thật đẹp bên Tây thôi. Quách Tấn và Vũ Hoàng Chương vẫn kêu thơ viết không người đọc. Còn Đông Hồ, ông Nguyễn Hiến Lê có lần nhận được cuốn Đào Lý Xuân Phong của bạn, thấy đó là một tập thơ quay ronéo, và ông Nguyễn nghĩ "tôi không chắc rằng tập đó gửi bán ở các tiệm sách, có lẽ chỉ để tặng bạn bè."
Sự xa cách tâm tình giữa lớp trước lớp sau làm cho các vị bị lạc lõng. Còn giữa các vị với nhau, cũng mỗi người một cảnh ngộ, một tâm tư. Quách Tấn và Vũ Hoàng Chương bị cuốn hút vào thời cuộc. Ông Vũ ra khu, về thành, di cư, ca bài "Bình Bắc", ca ngợi "Lửa Từ Bi" ...: cái mừng, cái giận đều mãnh liệt, bốc cao. Ông Quách hoạt động chính trị, lâm vòng tù tội ở cả bên này lẫn bên kia, lắm lúc cô độc đắng cay. Còn Đông Hồ, ông không liên lụy vì thời thế, không thù hận, không cay đắng. Ông an nhiên đại ẩn giữa Sài Gòn. Gia đình hạnh phúc, bè bạn vui vầy. Lòng ông thảnh thơi, thơ ông thanh nhã đẹp đẽ.
Một ngày đầu xuân, anh em văn hữu họp mừng nhau, rồi cao hứng muốn đi du xuân. Khổ nỗi súng nổ tứ tung, đâu còn "phương thảo địa" để du. Ông than thở nhẹ nhàng:
Dặm trần hồng nổi ngăn tin gió,
Cầu ngọc lam chìm lạc dấu sương (...)
Kinh thành khô héo tình biên tái
Mà để vương tôn những nhớ thương."
Cảnh chiến tranh thì hiền lành, và lời lẽ vương tôn thì sang trọng quá trời.
Đông Hồ văn hay chữ đẹp, làm thơ xướng họa, viết câu đối mừng đám cưới, khóc đám ma, viết những cánh thiệp đón xuân chúc Tết v.v... thì tuyệt. Phạm Việt Tuyền từng bảo: "Riêng về thơ văn thù ứng của Đông Hồ, ta phải nhận cố thi sĩ thật là một ông vua trong lãnh vực này, và thơ văn của Đông Hồ nhà thơ thù tạc số một ở thế kỷ XX rất có giá trị về mặt xã hội, có tác dụng sâu rộng trong cuộc đời đầy ô trọc vật chất"(Làng Văn, số 31, tháng 3-1987).
Ông Phạm có lý: Đông Hồ quả xứng là một ông vua. Trong khi ấy lắm người khác lại cho rằng Vũ Hoàng Chương đích thị là một ông vua thơ thù tạc. Cũng có lý nữa. Chắc chắn chẳng có ai muốn làm chuyện truất phế, dù một nước hai vua là chuyện không lành. Huống hồ, hai vua ấy không những ở chung một nước mà rồi có độ lại cùng dốn vào một nhà (vợ chồng Đông Hồ mời vợ chồng Vũ Hoàng Chương đến cùng ở với mình). Một nhà hai vua, trong lịch sử văn học dù ở nước nào cũng hiếm thấy.
Chuyện hai vua một nhà cho thấy một khía cạnh nhân cách của thi sĩ Đông Hồ. Đây không phải là lần đầu ông mời bạn ở cùng nhà: trước kia, Nguyễn Bính cũng đã có một thời gian tá túc nơi ông, và được đối đãi trọng hậu. Đông Hồ đối với bạn thật chí tình.
Mặt khác, ông lại là người rất khiêm tốn. Thi sĩ xưa nay nhiều kẻ ngông nghênh kiêu ngạo, Đông Hồ không có thế. Ông nói với người này người nọ rằng mình không phải là thi sĩ, chẳng qua chỉ là người làm thơ; Vũ Hoàng Chương mới thật là một thi sĩ.
Lại có lần ông Nguyễn Văn Hầu xin thơ để đăng báo xuân, Đông Hồ tự tay dùng bút lông viết lên giấy bạch một bài thất ngôn bát cú, nhan đề "Xuân du thử địa vô phương thảo". Ông Nguyễn xem thơ, bàn luận với ông Bạch Diệp, rồi tự tiện sửa lời thơ, nhờ họa sĩ nhái theo nét chữ Đông Hồ mà viết một chữ khác thay vào. Về sau, có dịp đến thăm thi sĩ, ông Nguyễn Văn Hầu kể lại tự sự với Đông Hồ, thi sĩ cười ha hả, bảo: "Chữa lại như vậy càng hay đó!" Hai người tiếp tục đàm đạo một hồi, thì hóa ra ý tứ bài thơ nọ Đông Hồ nhằm một đường mà ông Nguyễn Văn Hầu hiểu một nẻo. Tuy vậy Đông Hồ cứ vui vẻ nói: "Các ông hiểu khác tôi, nhưng là một lối hiểu sâu xa, hợp tình." Câu chuyện này rồi chính ông Nguyễn thuật lại trên tạp chí Bách Khoa. Ông Nguyễn chịu: "Đông Hồ có tinh thần thông cảm cởi mở, chiều nhau ..."
Đối với bạn thơ thì chí tình, cởi mở; đối với sinh viên theo học ông, Đông Hồ là một ông thầy tuyệt vời. Nguyễn Hiến Lê nhắc đến một cái Tết năm nào nam nữ sinh viên "quây quần chung quanh ông ở phòng khách Quỳnh Lâm thư thất, thân mật như con đối với cha." Ông Nguyễn còn dám bảo: "Tôi chắc chắn không có một giáo sư đại học nào ở Việt Nam hiện nay có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên gần hết những điều ông giảng về văn học miền Nam, về nhóm Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ cái chân tình nho gia của ông (...)"
Năm 1987, gần hai chục năm sau khi ông đã ra đi, tạp chí Làng Văn ở Gia Nã Đại có ra một số đặc biệt kỷ niệm Đông Hồ. Thơ ông, có kẻ khen người chê. Ông Nguyễn Văn Sâm cho rằng: "Đông Hồ đã có một thời gian dài sống bên cạnh văn chương. Thơ của ông không theo kịp trào lưu, ông lạc lõng giữa những người mới (...)" Nhưng về cái phong cách trang nhã, cái tài hoa trong thuật chơi văn thơ thù tạc, cái nếp sống và đức độ nho gia của ông, không ai không kính mến.
Như thế, ở đây người lớn hơn thơ, tư cách lớn hơn thi nghiệp chăng?
Thực ra, đôi bên không tách biệt hẳn nhau. Trong câu thơ nét bút, ít nhiều vẫn có phản ảnh của phong độ, cốt cách. Cái tao nhã trong thơ do cái tao nhã của người, cái lạc lõng của thơ cũng lại do cảnh lạc lõng của một nhà nho giữa thời đại hiện sinh. Dù sao, là một lạc lõng được mến yêu.