25-5-2016 | VĂN HỌC

Đinh Hùng

  VÕ PHIẾN

Theo báo Văn Học thì “dư luận” “công khai hay ở chỗ riêng tư” bất bình (bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến) về ba điểm:

1. Võ Phiến không khách quan khi chọn tác gia, và số bài thơ được trích tuyển,

2. Anh không công bằng khi phê phán người nọ kẻ kia,

3. Câu văn bông đùa không thích hợp với lý luận, biên khảo. (Trích: Võ Phiến Với văn Học Miền Nam, Đặng Tiến, diendan.org)

Học Xá xin đăng bài này để độc giả tham khảo và nhận định một phần lý do tại sao giá trị của bộ sách Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến vẫn còn nhiều tranh luận.

*



   Thi sĩ Đinh Hùng
   (1920 - 1967)

Trong làng thơ Việt Nam nửa thế kỷ qua có hai cặp bạn lỗi lạc. Phía nam vĩ tuyến 17 là cặp Vũ Hoàng Chương - Đinh Hùng; ngoài bắc giới tuyến là cặp Xuân Diệu - Huy Cận


Bạn ấy là bạn cả trong thơ lẫn ngoài đời. Ở ngoài đời Huy bảo: "Chúng tôi sống giữa đời như anh em sinh đôi." ('Nửa thế kỷ tình bạn'). Và Xuân đã tặng Huy những câư:

"Với bàn tay ấy ở trong tay,

Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày."

('Với bàn tay ấy')

Trong sáng tác, thơ của đôi bạn mật thiết khắng khít.

Trước mộ Xuân, Huy hồi tưởng:

"Năm mươi năm trước thuở ra đời

Thơ của Huy Xuân trái kết đôi."

('Viếng mộ bạn')

Giữa Vũ Hoàng Chương với Đinh Hùng đêm hạnh ngộ là đêm (Đinh) Vân Muội quấn quít (Vũ) Hoàng Lang trên sân khấu Nhà Hát Lớn ở Hà Nội cuối năm 1942. Tháng 8 năm 1967, bên cửa huyệt của bạn, Vũ Hoàng Chương đọc lời ai điếu, có câu "hai ta nửa bước không rời nhau". Bốn hôm sau, nghe tiếng bạn ngâm thơ Tao Đàn trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, Vũ xúc động viết phăng phăng một bài thơ với những câu não nuột ghê rợn:

"Ngâm câu 'Yếm tác nhân gian ngữ'

Giục ngon đèn thu nở thịt xương...

Đôi ta lại một chiếu giường

Cười rung bóng Quỷ Vô Thường ngoài kia."

(Điều ngộ nghĩnh là bên cạnh cái tình của từng cặp "đôi ta" ấy, lại có cái duyên nợ vợ chồng giữa em Xuân Diệu với Huy Cận, giữa chị Đinh Hùng với Vũ Hoàng Chương).


Giữa cặp Huy-Xuân với cặp Đinh-Vũ, cái giống nhau đã ngộ, chỗ khác nhau cũng ngộ luôn: Huy-Xuân kết hợp nhau ca ngợi cuộc sống; Đinh-Vũ lại không ngớt sát kề bên nhau vọng về cái chết:

"Đi đi cho hết dương trần

Ngày mai tìm bóng Tử thần mà yêu."

'Tìm bóng Tử thần', của Đinh Hùng)

Lại ngộ nứa: Những kẻ yêu sự sống không từng bỡn cợt, mà người yêu cái chết lại cứ khúc khích mãi. Thật vậy, mấy khi nhặt được câu thơ hài hước của Huy Cận, của Xuân Diệu? Ngay giữa thời kỳ mà cuộc kháng chiến cần gấp loại thơ đánh Pháp đả Mỹ cũng không ai dám có cái ý kiến kỳ cục xúi các chiến sĩ văn nghệ Huy-Xuân góp nay phụ giúp Tú Mỡ. Trong khi ấy Vũ Hoàng Chương lẫn Đinh Hùng đều khoái đùa cợt bằng thơ. Câu chuyện về mấy câu họ Vũ dán trước cửa Huyền Kiêu để đùa giễu đã được nhiều người truyền tụng. Câu chuyện họ Vũ thay hai cái dấu sắc vào hai dấu huyền để chế nhạo trường thơ Cầm Đài cũng nhiều người biết. Trên một số báo Đuốc Tuệ ở Hoa-thịnh-đốn và trên số báo Đất Mới (ngày 30-8-1983), Thanh Nam còn kể rằng Vũ Hoàng Chương từng có thời kỳ lấy bút hiệu khác làm thơ khôi hài đăng báo Cứu Quốc hồi đi kháng chiến, và hồi 1963 ở Sài gòn ông lại có thơ trào phúng đăng báo Ngày Nay của Hiếu Chân dưới một bút hiệu khác nứa.


Nhưng chúng ta đang nói chuyện Đinh Hùng. ông Đinh thì quá xá: Trên nhật báo Tự Do mỗi ngày ông có một bài 'Đàn ngang cung', ký tên Thần Đăng. Ông tinh ranh, duyên dáng, ông tung tăng, thoải mái, gặp chuyện gì cũng lôi ra đùa được, dễ như chơi. Ai có thể ngờ được rằng một con người nói cười vui vẻ, gần gũi thân mật như thế lại cũng là người thơ bí hiểm đã viết những câu rùng rợn thế kia.


Như thế chưa hết cái ngộ nghĩnh hay ho ở Đinh Hùng. Trong thơ họ Đinh có những "em" kỳ lạ:

"Em tự ngàn xưa chuyển bước về,

Thuyền trao sóng mắt dẫn trăng đi."

('Gập em Huyền Diệu')

hay:

"Chúng ta đi vào lá hoa Tình Sử,

Hơi thở em hòa sương khói Đường thi.

Anh đọc cho em những dòng cổ tự

Ai-cập và cổ La-Hy"

('Đường vào tình sử')

Ông Đoán Thêm ngẫm đi ngẫm lại, rồi tự bảo: "Thôi phải rồi: Người đẹp của Đinh Hùng không phải là con nhà họ Trần ở Hà Nội hay họ Lưu ở Sài Gòn. Đâu phải người cõi này? Nàng là Em Huyền Diệu, là Nữ Chúa Sầu, là Công Chúa Si Mê, là Sầu Hoài thương nữ..."


Nghĩ vậy phải quá, hợp với không khí thơ Dạ Đài, thơ bộ lạc, thơ nguyên thủy, thơ người gái thiên nhiên v.v... quá


Thế nhưng khi Đinh Hùng qua đời, người bạn thân của ông là Vũ Hoàng Chương nói toạc ra vài "bí mật", toàn những cái bất ngờ, lý thú. Nói rằng "em" đầu tiên của Đinh Hùng tên là Kiều Hương, đúng y như lời thi sĩ từng khai thật:

"Có chàng mang lòng thương

Đi dạo muôn con đường

Một hôm dừng bước mộng

Yêu nàng tên Kiều Hương."

Lại nói rằng sau khi Kiều Hương đi lấy chồng, Đinh Hùng có người "em" kế tiếp, tên Liên. Cũng lại đúng như lời thi sĩ khai trong bài thơ "tưởng nhớ nàng Liên" ('Liên tưởng'):

"Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng

Lửa hạ lên rồi, ôi Ý Liên!"

Em Ý Liên, em Kiều Hương, những em áy không hay làm chuyện ly kỳ, như hòa hơi thở vào sương khói Đường thi, như chuyển bước về từ ngàn xưa v.v...


Không có thế. Các em này làm chuyện xoàng thôi:

"Độ em còn trèo cây khế

Vin hái quả xanh trên tường"

Các nàng đã là người thực, có tên có tuổi rành rành, thì chàng cũng không cần màu mè, không tự hóa trang làm gì:

"Chàng là bướm tơ vương

Nên chàng là Hoài Điệp"

Đích rồi. Hoài Điệp chính là chàng. Hoài Điệp, rồi Hoài Điệp Thứ Lang, chàng đã xuất hiện với tên ấy trên nhiều tác phẩm, tủ buổi đầu đến cuối đời viết văn. Có ai mà chân phương, mà ngay thực như chàng thi sĩ này không? Thật thà như đếm, khai tuồn tuột vanh vách hết ráo: cô ấy tên gì, tôi tên gì, cô ấy trèo leo thế nào, khoái ăn quả chua gì (không phải đuổi bướm hái hoa nhé) v.v... Giá còn em bên cạnh, tha hồ cô em lườm nguýt ngắt véo, tha hồ đỏ mặt vì người tình nhân quá ngây ngô, ăn nói quá nôm na.


Đặt Đinh Hùng bên cạnh các thi hiểu khác, thấy ông Đinh nổi bật ngay. Hồi Xuân Diệu mới qua đời, ông Đặng Tiến có cuộc nói chuyện bên Pháp, đưa ra lắm nhận xét lý thú. Chẳng hạn sau Cách mạng 1945 trong thơ Xuân Diệu các cô gái mới có tên có tuổi, có nghề nghiệp, có công có việc. Trước đó, các nàng đều không tên. Là "nàng", là "em", là thiếu nữ vậy thôi, đủ rồi. Xuân Diệu thế, các thi sĩ khác cũng đại khái như thế. Đố ai biết tên các người yêu của Lưu Trọng Lư, của Huy Cận, của Nguyễn Bính v.v... Văn sĩ cũng kín đáo không kém: Bồ phu nhân là người có thật chăng? tên gì? Chị Hoài có chăng? ở đâu? tên gì? thích ăn khế hay thèm ăn me? Ngay đến một văn nghệ sĩ sát kề Đinh Hùng là Vũ Hoàng Chương cũng không giống ông Đinh ớ điểm này: đến chết cũng không dễ cạy răng ông bắt hé ra tên thực của nàng Kiều Thu, không dễ bắt ông Vũ tiết lộ xem Kiều Thu thích trèo cây hay thích bơi xuồng...


Ấy, Đinh Hùng là thế. Bỡn cợt đùa giễu là ông; sầu bi thảm thiết, nói điều kinh dị, cũng là ông. Chân thực giản dị như ngây thơ là ông; bí hiểm cao kỳ rất mực cũng lại là ông. Là một người mà như nhiều người. Là một người da dạng, một tâm hồn phức tạp.


Vũ Hoàng Chương nhận thấy thơ Đinh Hùng chia làm ba dòng: dòng thơ Yêu, dòng thơ Chết, và dòng thơ Nguyên Thủy.


Dòng Yêu thì khỏi nói: thơ đời nay thơ nào mà không có dòng ấy chảy vào tràn trề?


Dòng thơ Chết, ông Vũ cho rằng bắt nguồn từ những cái tang xảy đến trong gia đình: ngày Đinh Hùng mới 11 tuổi chị Tuyết Hồng đã tự trầm ớ hồ Trúc Bạch, rồi cùng năm ấy thân phụ thi sĩ cũng qua đời, tuổi chưa được ngũ tuần. Ba năm sau chị Loan lại chết trẻ nữa. Những tai biến bi thảm dồn dập ấy kích động mạnh và ám ảnh mãi tâm trí nhà thơ.


Còn dòng thơ Nguyên Thủy với ý thức bộ lạc, theo lời ông Vũ thì đã nảy sinh nơi Đinh Hùng sau một chuyến đi Bắc Cạn. Lúc bấy giờ ông Đinh đã bỏ học, sống cuộc đời lang thang; có lần ông nhập vào ban nhạc tài tử của một nhóm sinh viên đi trình diễn ở ven hồ Ba Bể trên Bắc Cạn.


 

Nguồn: Kệ sách Học Xá

Chắc chắn khung cảnh núi và hồ nơi đây có tác động mạnh, núi rừng ấy sông hồ ấy xứng đáng là một lý do dẫn khởi nhiều tứ thơ. Tuy nhiên sau chuyến đi cũng lại chắc chắn không có chàng trai nào khác trong ban nhạc sinh viên nẩy ra cái "ý thức bộ lạc" trong tâm trí. Cái chết, cũng như cái yêu, cũng như cảnh vật thiên nhiên, đã gặp ở tâm hồn Đinh Hùng một điều kiện đặc biệt để phát động nên những dòng thơ mạnh mẽ. Đinh Hùng không yêu như trăm nghìn kẻ khác yêu, không sợ hãi như trăm nghìn người khác quanh mình đã sợ hãi. Tình cảm nơi ông, tình cảm nào cũng cực đoan. Yêu văn thơ, ông đang học giỏi bỗng bỏ phứt học hành để sống với nghiệp văn, sống hết mình. Ai sao ông vậy, đã làm văn nghệ sĩ phải ra văn nghệ sĩ: say sưa rượu chè, lang thang đàng đúm, gái ghiếc, thuốc phiện, nhảy nhót, huênh hoang khoác lác v.v... Còn yêu người thì... Hồ Dzếnh đã kể cho Thanh Nam nghe, rồi Thanh Nam đã ghi lại trong thiên hồi ký Hai mươi năm viết văn làm báo câu chuyện Đinh Hùng yêu một cô gái mắc bệnh lao người xanh xao như tàu lá. Kể rằng: "Khi người con gái chết, Đinh Hùng tới thẳng nhà nàng, tìm gặp thân nhân và trình bày rõ mối tình của mình rồi xin phép được vào nhìn mặt lấn cuối. Khi đứng trước xác người yêu, Đinh Hùng đã làm một cử chỉ khiến tất cả mọi người tại đó kinh hoàng: điềm nhiên lật tấm vải liệm phủ mặt cô gái ra rồi cúi xuống hôn say đắm." Thanh Nam kêu trời: "Có lẽ cổ kim chưa có ai hành động như Đinh Hùng!"


Vâng, có thế. Cổ kim hiếm người rung động mãnh liệt như Đinh Hùng, trước tình yêu, trước cái chết, trước thiên nhiên.


Ông Đinh "hành động" đã từng làm tang quyến kinh hoàng. Cho nên khi Đinh vung bút đề thơ, nếu có những lời kỳ dị, lớn lao quá đáng, cũng là tự nhiên thôi. Hành động thế nào, cảm xúc thế ấy Trông ông hôn xác người yêu đã kinh hoàng, thì nghe ông xướng thơ lạc hồn không kinh hoàng sao được:

"Hồn ra sa mạc, cõi Thơ Vàng

Vào trận cuồng phong, loạn hỗn mang.

Nghìn lá cờ ma sầu địa chấn

Hát lên, ôi dòng máu Bình vương!

Người đi, cát chuyển đường qua núi

Ta mất biên thùy, lạc thái dương."

('Lạc hồn ca')

Thế Lữ là người chuyên dựng cảnh rùng rợn đã tinh mắt khéo chọn thơ Đinh Hùng đưa vào Trại Bồ Tùng Linh để gây khủng khiếp.


Tình cảm ông dạt dào mạnh mẽ, trong các dòng thơ ông chọn có mấy dòng độc đáo, lạ lùng, Đinh Hùng lại có kỹ thuật điêu luyện. Cho nên thơ Đinh Hùng được truyền tụng ngay khi chưa được xuất bản. Truyền tụng rộng rãi: truyền vào tiểu thuyết Thế Là như vừa thấy. Truyền vào bàn cầu Cơ như là "thơ giáng bút" của ma quỉ, từng được tường thuật và đăng trên tờ tạp chí Thế Kỷ của nhóm Bùi Xuân Uyên - Triều Đẩu hồi 1951 ở Hà Nội (do Thanh Nam kể lại trong hồi ký Hai mươi năm viết văn làm báo). Truyền rộng là phải, thơ ông có những câu thật đẹp, thật lạ:

"Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?

Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?

Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy,

Ta muốn vào thăm nầm mộ sâu.


Em mộng về đâu?

Em mất về đâu?

Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu,

Đấy mầu hương khói là mầu mắt xưa"...

('Gửi người dưới mộ')


"Hôm nay có phải là thu?

Mấy năm xưa đã phiêu du trở về

Cảm vì em bước chân đi,

Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn"...

('Bài hát mùa thu')

Chuyện yêu thơ Đinh Hùng là câu chuyện có liên hệ đến một số nhân vật tiếng tăm: Thế Lữ, Thạch Lam chẳng hạn. Trước 1945, Trần Dần đã mê thơ Đinh Hùng; ngót nửa thế kỷ sau, trải bao nhiêu dâu bể, trong dịp xuất hiện tại Huế năm 1988 có kẻ hỏi tiền chiến thích thơ nào nhất, Trần Dần đáp ngay: thơ Đinh Hùng. Còn Hồ Dzếnh thì ôi thôi, Thanh Nam bảo: "Tôi chưa bao giờ thấy một thi sĩ lại mê thơ một thi sĩ khác hơn thơ mình như trường hợp Hồ Dzếnh mê thơ Đinh Hùng!" Và Hồ Dzếnh không mê suông: Hồ đã bỏ tiền ra in cuốn Mê hồn ca trong hoàn cảnh đặc biệt. In tại Hà Nội vào lúc cộng sản sắp tiếp thu Hà Nội. In xong, bao nhiêu sách tóm đưa hết Đinh Hùng mang vào Nam, còn Hồ Dzếnh ở lại Bắc.


Yêu mê thì dữ vậy mà viết về Đinh Hùng, phân giải về cái hay cái đẹp của thơ ông lại chẳng có mấy ai. Cho đến nay thì bài phê bình công phu, giá trị nhất về Đinh Hùng là bài của Đặng Tiến, viết sau nhiều lần bị Trần Phong Giao nhắc nhở. Lần sau cùng phải gọi hẳn ra là giục giã thay vì nhắc nhở: lần ấy Đinh Hùng đang lâm trọng bệnh, sắp mất.


Và Đặng Tiến cũng là người rất yêu thơ Đinh Hùng. Ông quả quyết: "Đinh Hùng là một trong vài nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại", hay "Thi giới Đinh Hùng đã kết tinh bằng (...) đã nở thành những đóa hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam" v.v...


Nhưng yêu mê thì dữ vậy, mà cái yêu mê ấy lại không lan truyền rộng rãi. Mở đầu bài viết về thơ Đinh Hùng, ông Đặng Tiền bảo: "Tôi muốn dừng lại bên cạnh một loài hoa nhỏ - loài hoa nở muộn lạc loài. Thơ Đinh Hùng."


Cảnh lạc loài ấy, ông Đặng mô tả: "Mười năm sau khi cho ra mắt độc giả những bài thơ hay nhất của thi nghiệp, Đinh Hùng vẫn là một hành tinh lẻ loi." Rồi "Sau di cư nhờ giữ mục Tao đàn, Đinh Hùng được nhiều người biết hơn, nhưng vẫn gây cảm giác như là đi bên lề sinh hoạt văn nghệ của miền Nam."


Trước Genève, các ông Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan không nói đến Đinh Hùng. Sau Oenève hai chục năm, các ông Uyên Thao, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Đình Tuyến... có người không đề cập tới, có người chỉ nói qua loa về Đinh Hùng. Quả như lời ông Đặng.


Muốn vượt qua sự hờ hững của kẻ bên trong đối với người bên ngoài lề, tôi cố tìm hiểu thái độ người bạn thân thiết Vũ Hoàng Chương. Và đó không phải chuyện dễ. Ông Vũ nói về cái tình mật thiết với bạn thì nhiều, nhưng về cái hay cái đẹp của thơ bạn thì rất "thận trọng". Trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Văn bút Việt Nam để tưởng niệm Đinh Hùng, ông ngại phạm phải lỗi chủ quan, ông tự nhủ mình: "Thận trọng đấy nhé! Thận trọng và thận trọng hơn nứa!" Tìm mãi không thấy lời ca ngợi, rốt cuộc tôi chỉ gặp cảnh Vũ chê thơ Đinh. Thanh Nam kể trong hồi ký:

"Một dịp tình cờ tại Hà Nội, tôi đã chứng kiến một cuộc tranh luận giữa Chương và Hùng về một câu thơ của Hùng. Không rõ câu chuyện bắt đầu từ lúc nào nhưng khi tôi đến thì thấy Chương vừa cười vừa nói:


- Cái gì mà "Ta lòng như lửa, mắt như dao..." Tôi không thể nào hiểu tại sao cậu lại cho câu đó vào bài thơ này?


Đinh Hùng mặt đỏ gay, gần như văng tục:

- Cậu thì hiểu thế "đếch" nào thơ tôi được mà bàn cãi!


Vũ Hoàng Chương cười xòa, không nói gì nứa."

Đến đây, có thể bạn đọc có vị cũng đang cười xòa, vì thấy tôi loanh quanh. Còn tôi, tôi thì sao? Quả là tôi có ý trì hoãn. Tôi dàn ra những thái độ khác nhau đối với thơ Đinh Hùng, để rồi lẻn chen vào một khoảng giữa lơ lửng lưng chừng. Nhảm nhé.


Tôi yêu những câu thơ - nhiều câu, nhiều bài - thật đẹp của Đinh Hùng, nhưng đối với toàn bộ không thấy có sự đồng cảm.


Có phải vì tôi đến với ông quá trễ? có phải vì thơ ông làm sớm bị giữ lại quá lâu, xuất hiện quá muộn? Người đến chậm hay thơ ra chậm, gặp câu đẹp bài hay đều có thể nhận ra. Nhưng thơ văn và độc giả chênh lệch nhau một thế hệ, cách biệt nhau một hoàn cảnh, e khó bắt được sự đồng cảm.


Mặt khác, không chừng còn có vấn đề cá tính. Thanh Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn mang theo lá thư của Đinh Hùng gửi Hồ Dzếnh. Thanh Nam đưa thư, Hồ Dzếnh nhận thư, rồi vui vẻ rủ Thanh Nam đi ăn mì. Ăn mì xong, nhâm nhi cà-phê xong, bấy giờ Hồ mới lấy lá thư ra, "đưa cao phong thư lên ngắm nghía rồi cười cười: 'Thằng cha này viết chữ đẹp thật.'" Người mê thơ Đinh Hùng mê luôn cả nét chữ của chàng. Phải quá. Thơ với chữ có thể cùng biểu hiện một phong cách.


Tôi cũng nhiều lần xem qua xem lại nét bút chép thơ của Đinh Hùng: tôi không mê. Cầu kỳ quá, thừa thãi quá, nhiều vòng xoắn rối rít quá... Tôi tiếc là mình không thấy hợp được với phong cách ấy.


10 - 1995

Võ Phiến

Văn Học Miền Nam - Thơ
Nxb Văn Nghệ, 1999