20-10-2017 | VĂN HỌC

Điểm sách Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn

  ĐÀM TRUNG PHÁP


    TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN
  MỘT NHÓM SOẠN GIẢ 2009 (1700 trang, $75) Viện Việt Học xuất bản Liên lạc: info@viethoc.org - 714-775-2050

TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN (TĐCNTD) là một công trình văn học đồ sộ của Viện Việt Học do một ban biên tập thượng đẳng chung sức hoàn tất một cách ngoạn mục. Mỗi vị đều sử dụng sở trường của mình trong công trình chung to lớn này.


• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, một nhà Nôm học từng dạy văn chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Saigon, sưu tập và chuyển sang quốc ngữ nhiều bản Nôm được trích dẫn trong tự điển.

• Giáo sư Lê Văn Đặng, một nhà Nôm học kiêm chuyên viên điện toán, với tư cách “fonts designer” đã khắc các chữ Nôm chưa có trong Unicode Standard dùng trong cuốn tự điển này.

• Đồng soạn giả Nguyễn Hữu Vinh, một tiến sĩ kỹ nghệ tại Đài Loan, dò lại những chữ Nôm mới khắc đó để tránh trùng hợp với chữ đã có và chịu trách nhiệm chuyện in ấn cuốn sách tại Đài Loan.

• Đồng soạn giả Đặng Thế Kiệt, một chuyên gia về tin học tại Paris, đã đại diện Viện Việt Học sưu tầm tài liệu về chữ Nôm tại Bibliothèque Nationale de Paris và gửi qua Mỹ.

• Đồng soạn giả Nguyễn Doãn Vượng phụ trách kỹ thuật và trình bầy, sắp xếp các mục từ cho hợp lý và làm dễ dàng cho công việc các đồng soạn giả chia nhau đánh máy nội dung vào các mục từ.

• Đồng soạn giả Nguyễn Ngọc Bích, một nhà nghiên cứu văn học uyên bác và quảng giao, phụ trách những công việc giao tế và quảng bá công trình.

• Và sau hết, đồng soạn giả “hậu sinh khả úy” Trần Uyên Thi đã thiết kế được một bàn gõ chữ Nôm, nhờ vào đó mà việc đánh máy chữ Nôm được mau lẹ.


Các đồng soạn giả cũng ghi nhận sự đóng góp quý báu của ông Alexandre Lê (nguyên quản thủ thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris) đã cung cấp một nguồn tài liệu rất phong phú về chữ Nôm, và của ông Đỗ Quốc Bảo (một chuyên gia điện toán tại Đức Quốc) đã tích cực hợp tác trong việc chế tạo hai bộ chữ (fonts) Hán Nôm A và Hán Nôm B.


Tận dụng kỹ thuật điện toán tân kỳ và kết hợp hoàn mỹ sở trường của các đồng soạn giả, ban biên tập sau nhiều năm kiên trì hoạt động đã hoàn tất và cho trình làng một công trình đồ sộ. Vì được biên soạn theo một phương thức khoa học, minh bạch, nhất quán, với những phần chỉ dẫn khúc chiết, TĐCNTD dễ dùng và không làm người sử dụng sờn lòng nản chí. Thêm vào đó, những câu trích dẫn từ nhiều áng văn chương chữ Nôm khác nhau vừa làm cho ý nghĩa mỗi mục từ sáng tỏ trong văn cảnh vừa cho người tra cứu thưởng thức văn chương nước nhà một thể. Chuyện thưởng thức văn chương này đáng kể lắm, vì qua nhiều đoạn trích dẫn trong cuốn TĐCNTD, người đọc thấy như mình được ngắm vẻ đẹp xa xưa, lắng nghe quá khứ thì thầm, để rồi hòa mình vào nếp sống của những thế hệ trước.


Có lẽ cái khó khăn nhất của người tự học chữ Hán, chữ Nôm, hoặc quốc tự (kokuji) hay hòa tự (waji) của người Nhật là khi người ấy gặp một chữ mới và phải kiếm chữ ấy trong tự điển. Mà mỗi khi kiếm nó không ra thì buồn bực lắm, như tôi đã nhiều lần cảm thấy trong tiến trình tự học chữ Hán! TĐCNTD đối phó với vấn đề này khá hữu hiệu, qua “bảng tra theo bộ thủ”“bảng tra theo tổng số nét.” Cách dùng cả hai bảng tra đều được giải thích cách rõ ràng từng bước một.


Xin đưa ra đây một thí dụ. Tôi thấy đâu đó cái chữ là lạ này “犭山” (bên trái là bộ khuyển “犭” và bên phải là chữ sơn “山”) không thể kiếm ra trong các tự điển Hán-Việt của tôi, và do đó tôi đoán nó phải là một chữ Nôm.

Mở TĐCNTD ra, tôi kiếm bộ “khuyển” trong “mục lục bộ thủ” ở cuối cuốn sách thì được biết bộ “khuyển” ở trang 1606. Mở trang 1606 đó ra thì tôi tìm thấy cái chữ là lạ đó, và tên nó là “săn”! Cạnh chữ “săn” này là số trang 1111, nơi nó sẽ được định nghĩa qua văn cảnh chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Quả nhiên, trong trang 1111, tôi hiểu nghĩa chữ “săn” đó qua câu trích dẫn: “Trẻ thơ ví tựa cỏ sương, Nếu không săn sóc khôn phương sống nào” (trích dẫn từ cuốn Thị Kính, tức là Quan Âm Diễn Ca Toàn Truyện, xuất xứ từ Bửu Hoa Các tàng bản, niên đại văn bản Bính Thân [1896], tờ 24a).

Tôi cũng thử tìm chữ “săn” 6 nét này qua “bảng tra theo tổng số nét”  thì được biết nó thuộc bộ 94, tìm thấy ở cột đầu trang 1635, bên cạnh cũng ghi trang 1111 là nơi nó được định nghĩa.


Tôi vốn e dè với việc học chữ Nôm vì nó đòi hỏi quá nhiều trí nhớ, nhưng sau một thời gian làm quen với cuốn tự điển tân kỳ 1700 trang đầy kỳ hoa dị thảo mà lại dễ dùng này, nỗi e dè đó của tôi đã bớt đi. Và tôi hoàn toàn đồng ý với niềm tin sau đây của ban biên tập:

“Quyển TĐCNTD không phải chỉ cho các nhà Nôm học, mà cho cả những người không biết chữ Nôm nhưng quan tâm đến tiếng Việt và thơ văn Việt Nam cũng sẽ tìm thấy ở đây một kho tàng ngữ văn của người Việt Nam trải dài 7 thế kỷ, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20.”

Tôi khâm phục công sức và thiện chí không thể đo lường được của ban biên tập trong khi họ thâu thập các văn bản chữ Nôm từ các thư viện trên thế giới hoặc từ các tư liệu các nhà nghiên cứu, chọn lọc một số văn bản nòng cốt dùng làm cơ sở để nhận diện từng chữ Nôm một qua các thí dụ được trích dẫn với ghi chú xuất xứ chính xác, chế tạo kiểu chữ Nôm đúng tiêu chuẩn mã quốc tế, thiết kế một bàn gõ để đánh chữ Nôm, và gõ nhập chữ vào tự điển dạng điện tử.


Ban biên tập TĐCNTD và Viện Việt Học xứng đáng được ân tặng môt vòng nguyệt quế từ những người Việt bốn phương còn nặng tình với văn học quê cha đất tổ.


Đàm Trung Pháp

Nguồn: sangtao.org