8-3-2018 | VĂN HỌC

Những buổi chiều nghệ thuật

  VIÊN LINH


     Thi nhân và đạo sĩ một thời Sài Gòn không còn nữa. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Khi viết “mỗi bài thơ một số phận” trong một kỳ báo trước, tôi quả đã theo dõi một số những bài thơ riêng lẻ của một thi sĩ – nhiều khi chỉ còn nhớ đến một vài câu một số chữ mà không còn thấy cần thiết phải tìm hiểu toàn bộ cả bài thơ mà một thi sĩ có thể đã sáng tác. Dùng chữ số phận là hàm ý có may có rủi (tùy theo thời gian lúc này lúc khác), vì một tác giả có khi sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, có khi đánh vật với nó, bài thơ sẽ trở nên thông suốt hay sẽ trúc trắc ngoài ý muốn của thi sĩ. Một cách khác nữa, có một vài ngôn ngữ được tác giả dùng đi dùng lại ở nhiều bài khác nhau, ta gom lại sẽ thấy ý tác giả.


Số phận của một bài thơ không hẳn là số phận của thi sĩ, song không nhiều thì ít, người ta có thể tìm thấy một điều gì đó liên hệ tới người làm ra những câu thơ kia, không chỉ trong một bài, mà trong một vài chữ, ở nhiều câu khác nhau. Thơ Bùi Giáng ít khi được dẫn giải toàn bài, thường mỗi bài chỉ được trích ra vài câu hay vài chữ là đã có nghĩa cụ thể:


Người điên cái bóng cũng điên

Người khùng cái bóng oan khiên cũng khùng.

(Bùi Giáng, Chớp Biển)


Điên hay khùng cũng chỉ là một người.


Lúc xưa từng đã một lần

Nhìn con ngủ gục chín tầng sau xưa

Ông điên từ bấy đến giờ

(Bùi Giáng, Kể Từ Lúc…)


Nếu tác giả là ai đó, hai chữ “sau xưa” sẽ được hiểu là say sưa, song tác giả là Bùi Giáng, vấn đề ngôn ngữ phải đặt ra, có thể đó là sau xưa, không ai biết được.


Tôi điên là bởi tôi điên

Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau

Tôi điên từ trước đến sau…

(Bùi Giáng, “Thơ Bùi Giáng,” hải ngoại 1990)


Đoạn thơ làm trong năm 1990, in trong cuốn thơ do nhóm Việt Thường ở Montreal Canada xuất bản; như thế nó được làm 15 năm sau ngày miền Nam thay đổi một màu cờ; về khoảng thời gian rõ ràng này, chính Bùi Giáng đã ghi lại:

Mười lăm năm ngó triều dâng

Bóng trăng thánh thót ngọn gần ngọn xa

Ngọn cây người ở bên ta

Ngọn cây cối ở quê nhà thiên thu.


Mười lăm lăm ngọn tử phần

Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi

(Bùi Giáng, Mười Lăm Lăm, trang 145)

Cũng trong năm này, một lần nữa ông nói về cái điên của chính mình:

Ngu đần mà tưởng thông minh

Ồ vầng trăng ạ, bực mình làm sao

Đập đầu tự tử thế nào

Cảo thơm lần giở mai sau một tờ

Điên cuồng mà tưởng nên thơ


Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần

Cậy em, em có đỡ đần

Chút chi gắn bó cho phần tử nao?

Giờ đây chẳng biết chốn nào

Trần gian rướm máu

Điệu chào gẫy xương.

(BG, Tặng Bạn Điên, tr. 173)

Nhan đề trên, “những buổi chiều nghệ thuật” trước hết là những khoảng thời gian cuối ngày có chất chứa nhiều ít bóng hình hay âm thanh của văn nghệ.


Thật ra người viết muốn nhớ lại những buổi trưa buổi chiều tại tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật ở Sài Gòn, những năm 1965-1966. Khoảng thời gian này ông hay ghé tờ báo, đặt trong nhà in Thư Lâm Ấn Thư Quán trên đường Phạm Ngũ Lão. Giai đoạn đầu lui tới luôn có Vũ Khắc Khoan, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Cung Tiến, thường trực có Mai Thảo, Thanh Nam, lúc đầu có ca sĩ Anh Ngọc, sau này vắng dần, chỉ còn Mai Thảo, Thanh Nam, tôi và họa sĩ Đằng Giao. Nghệ Thuật in bìa màu offset, Đằng Giao và tôi vừa làm ở tòa báo, vừa làm ở xưởng làm bản kẽm Cliché Dàu phía đường Trần Hưng Đạo-Huỳnh Quang Tiên. Rất nhiều lần Bùi Giáng tới căn phòng nhỏ của tòa soạn chỉ gặp Mai Thảo và tôi.


Khoảng ba năm trước đó tôi thường xuyên chở Bùi Giáng trên chiếc velo solex của mình, anh hay nói chuyện về thơ lục bát. Anh luôn luôn nói về những chữ những hình ảnh anh thích trong bài thơ nhan đề “Bài Phượng Liên.” “Ông chỉ làm thơ lục bát thôi nhé.” “Lục bát như ‘một hành lang rộng vây sầu phượng liên’ thôi nhé.”


Viên Linh

Nguồn: nguoi-viet.com