1. Head_

    Dương Kiền

    (28.12.1939 - 17.11.2015)

    Khái Hưng

    (.0.1896 - 17.11.1947)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Sứ Thần Đinh Củng Viên (Vô Ngã Phạm Khắc Hàm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      16-2-2014 | NHÂN VẬT

      Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Vị Sứ Thần Lỗi Lạc Đinh Củng Viên

        Vô Ngã PHẠM KHẮC HÀM
      Share File.php Share File
          

       

      Năm 1226, khi cậu bé Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế ở Việt Nam, hiệu là Trần Thái Tông thì một thiên tài về quân sự đang tung hoành ở thảo nguyên Trung Á, đó là hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn. Mười năm sau, khi Trần Thái Tông đã trưởng thành, nắm thực quyền thì cháu Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt đã chiếm được một nửa giang sơn nhà Tống.


      Sự việc động trời như vậy, nhưng vua quan nhà Trần cũng chỉ biết một cách mơ hồ là ở phía Bắc nước Tầu có một rợ hiếu chiến gọi là Mông Cổ. Vì trước mắt ta, chỉ có một nước đáng gọi là siêu cường để ta phải nể sợ, đó là nhà Tống. Cho nên năm 1257, khi nhà Trần nhận được thư của Ngột Lương Hợp Thai - tướng Mông Cổ phụ trách việc đánh Đại Lý - yêu cầu ta quy phục, nhà Trần giận lắm vì cho rằng một sắc tộc man rợ ở sa mạc mà dám bỉ mặt mình thì quả là không tha thứ được, nên không những không trả lời mà còn bỏ tù luôn sứ đoàn. Cho đến khi đoàn kỵ binh của Ngột Lương đập tan các tuyến phòng thủ của ta bằng những đòn sấm sét rồi đánh thẳng vào Thăng Long, ta mới tỉnh ngộ để biết ai mới là kẻ mạnh nhất hoàn vũ.


      Tháng ba năm 1258, Trần Thái Tông thoái vị, Trần Thánh Tông lên ngôi, sai sứ sang Vân Nam hiến phương vật cho vua Mông Cổ. Hai nước bắt đầu đặt quan hệ ngoại giao từ đó, tuy rằng lúc này Mông Cổ chỉ mới lấy được hơn phân nửa nước Tầu và Hốt Tất Liệt chưa lên làm Hoàng Đế Trung Nguyên.


      Cuộc ngoại giao với Mông Cổ vốn đã khó khăn ngay từ đầu, mỗi lúc một thêm gay gắt để trở thành giông bão, trước khi gián đoạn hẳn khi chiến tranh Việt-Nguyên bùng nổ.


      Vậy việc bang giao thời đó có thể chia làm ba giai đoạn: a) hoà hoãn; b) căng thẳng; c) giông bão và có thể tóm tắt trong bảng liệt kê dưới đây.


      I. GIAI ĐOẠN HÒA HOÃN


      1258: Mông Cổ sai sứ sang đòi nhà Trần qui phục;

      1260: Hốt Tất Liệt lên làm vua, sai sứ sang đòi vua ta triều cống phương vật và hiền tài;

      126l: Nhà Trần nhận ba năm một lần tiến cống, nhận sắc phong của Mông Cổ phong làm An Nam Quốc Vương;

      1266: Nhà Trần sai sứ sang cống phương vật và xin miễn việc nộp tú tài và thợ giỏi.

      1267: Vua Mông đòi ta trao hai lái buôn người Hồi để xét hỏi chuyện Tây Vực. Ta trả lời là họ đã chết cả rồi.


      II. GIAI ĐOẠN CĂNG THẳNG


      1269: Lê Đà, Đinh Củng Viên đi sứ, bị vua quan Mông trách mắng và đe dọa vì ta không chịu thoả mãn tất cả các đòi hỏi của họ. Đinh Củng Viên đối đáp một cách cứng cỏi, không sợ sệt.

      1271: Sứ Nguyên đòi vua Thánh Tông sang chầu. Vua ta lấy cớ bị bệnh từ chối.

      1272: Sứ Nguyên Ngột Lương Hợp Thai sang hỏi cột đồng Mã Viện. Ta trả lời cột ấy chôn đã lâu ngày nên không còn dấu vết.

      1276: Sứ Nguyên đưa thư của Hốt- Tất-Liệt, bắt ta phải theo sáu điều khoản (nộp cống phẩm - nộp người tài - vua sang chầu - nhận quan giám thị đạt-hoa-lỗ-xích của chúng...); ta đều viện cớ từ chối.


      III. GIAI ĐOẠN GIÓ BÃO


      1278: Nghe tin ta có quốc tang (vua Thái Tông mất năm 1277), nhà Nguyên cử Sài Thung (Xuân) sang đòi vua Thánh Tông sang chầu; ta từ chối

      - Sứ ta bị nhà Nguyên giữ lại.

      1281: Trần Di Ái (chú vua), Lê Mục, Lê Tuân đi sứ.

      1282: Nguyên phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, sai Sài Thung đem một ngàn quân đưa về; ta bắn mù một mắt Sài Thung, bắt Trần Di Ái về kinh, đồ (đày) làm lính.

      1283: Nhà Nguyên đòi ta giúp binh lương để đi đánh Chiêm Thành, ta từ chối.

      1285: Con Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong Trấn Nam Vương để đi đánh Việt Nam.


      Giai đoạn tranh đấu bằng ngoại giao kết thúc. Từ nay ta sẽ nói chuyện với giặc bằng gươm đao.

      Trong thời gian đấu tranh bằng ngoại giao, một nhân vật lỗi lạc đã nổi bật, đó là Đinh Củng Viên. Trước sự uy hiếp của triều đình Mông Cổ, Đinh sứ giả đã thản nhiên lý luận với họ, không quá mềm để làm nhục mệnh nước nhưng cũng không quá cứng để gây ra đổ vỡ. Một nhà ngoại giao xuất sắc như thế đáng để ta tìm hiểu thêm.


      ĐINH CỦNG VIÊN - NHÀ NGOẠI GIAO LỖI LẠC


      TIỂU SỬ:


      Người Đông Sơn, Thanh Hoá, học rộng, có tài văn chương.

      Giữ những chức vụ quan trọng dưới các triều Trần Thánh Tông (1258-70), Trần Nhân Tông (1279-93) và Trần Anh Tông (1293-1314).


      Năm 1270, cùng với Lê Đà đi sứ Nguyên bàn về cương giới; năm 1282, được phong chức Hàn Lâm Viện Học Sĩ Phụng Chỉ. Khi quân Nguyên xâm lăng nước ta, được giao chức Nội Mật Viện.

      Được thăng chức Thái Tử Thiếu Bảo, tước Quan Nội Hầu.


      Năm 1291, khi phò vua Trần Anh Tông tiếp sứ Nguyên Trương Lập Đạo, ông đã cứng cỏi đối đáp sứ Nguyên làm y không bắt bẻ vào đâu được.

      Khi mất được phong chức Thiếu Phó.

      Tác phẩm chỉ còn tìm lại được một bài thơ.


      CUỘC TRANH LUẬN VỚI MÔNG CỔ


      Sau khi phong vua ta làm An Nam Quốc Vương, Hốt-Tất-Liệt bắt ta cứ ba năm phải cống một lần, ngoài các phẩm vật quí còn phải nộp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, v.v..., và đặt chức đạt- lỗ-hoa-xích để giám trị nước ta.


      Năm 1269, vua Trần Thánh Tông sai Đinh Củng Viên và Lê Đà đi sứ cống phương vật nhưng xin bỏ việc nộp tú tài và thợ


      Thấy thái độ ương ngạnh ấy, Vua Mông Cổ mắng sứ ta:


      "Quân của Thiên Triều chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan..., sá chi một nước nhỏ như các ngươi mà dám chống cự?"


      Đinh Củng Viên cứng cỏi đáp lại:

      "Nhà vua đem nhân nghĩa khiến mọi người kính nể thì mới thuyết phục được nước tôi. Nếu đem binh lực hùng hậu ra dọa nạt thì dù nhỏ, nước tôi cũng có binh hùng tướng mạnh, có núi non hiểm trở để ngăn chặn và thù tiếp binh Thiên Triều..."


      Nhờ cuộc cãi lý ấy, vua Mông Cổ bằng lòng bỏ lệ cống người nhưng sau đó lại sai sứ sang đòi sáu việc khác, trong đó có việc vua ta phải thân sang chầu và nộp con em làm con tin. Ta nhượng bộ một phần đồng thời sửa soạn chiến tranh, vì biết rằng trước sau cũng có chiến tranh.


      ĐINH CỦNG VIÊN, NHÀ THƠ


      Nếu lịch sử ghi tên Đinh Củng Viên như một nhà ngoại giao lỗi lạc thì văn học lại ghi ông như một nhà thơ xuất sắc. Thơ ông làm rất nhiều, nhưng tất cả đã bị quân Tầu đốt sạch, chỉ còn tìm lại được một bài nhan đề Cù Đường Đồ (Bức tranh Cù Đường).


      Bài thơ ấy như sau:


      PHIÊN ÂM


      CÙ ĐƯỜNG ĐỒ


      Sương lạc thiên nhai, điểu đạo hoang,

      Giang lưu bất chuyển thị Cù Đường.

      Tinh kỳ cố luỹ nhàn thu thảo,

      Cổ giốc không sơn tống tịch dương.

      Thiên địa hữu thùy cùng biến diệt,

      Bút đoan vô khẩu ngữ hưng vương (vong).

      Khả liên nhất phiến Tây Nam cảnh,

      Phong vũ tiêu tiêu không họa tường.


      DỊCH NGHĨA


      [ĐỀ] BỨC TRANH CÙ ĐƯỜNG


      Sương rơi trên ngàn ngọn núi, đường chim bay hoang vu.

      Giòng sông chảy mà không lưu chuyển, đó là [bức tranh] Cù Đường.

      [Trên] cổ luỹ tinh kỳ [không thấy, chỉ thấy] cỏ nhàn nhã [mùa] thu.

      Núi không một bóng người, tiếng trống, tiếng tù và [trong cô tịchj đưa tiễn bóng ngả chiều.

      Trong trời đất, có ai biết đến cùng lẽ thịnh suy?

      Ngọn bút đoan chính không lời [vẫn] bàn hưng phế.

      Đáng thương quang cảnh vùng Tây Nam,

      Mưa gió thê lương trên bức họa.


      BẢN DỊCH CỦA ĐÀO PHƯƠNG BÌNH


      Chót vót đèo cao ướt đẫm sương,

      Sông trôi chẳng chuyển, ấy Cù Đường.

      Cờ bay thành cũ, thưa cây cỏ,

      Trống rộn đồi hoang tiễn bóng dương.

      Đời có ai tường điều biến diệt?

      Bút khọng lời mách chuyện hưng vương.

      Thương thay phong cảnh Tây Nam ấy,

      Mưa gió tiêu điều một mảnh tường.


      CHÚ GIẢI


      : binh khí giống như cái kích - thấy mà nao lòng, mà giật mình - nhìn như cú vọ. Đường: bờ đê - cái ao, cái đìa. Cù Đường = tên một khúc sông huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu, địa thế hiểm trở, hai bên bờ vách núi dựng đứng; xưa là một trọng điểm quân sự.


      Đồ: tranh vẽ - bản đồ. Lạc: rơi, rụng. Nhai: ven núi, bờ sông. Điểu đạo: đường chim bay; ý nói núi non hiểm trở, chỉ có chim bay qua. Hoang: hoang vu, không có ai qua lại. Chuyển: chuyển dịch, di dời, thay đổi vị trí. Tinh: lông cắm trên đầu ngù cây cờ. Kỳ: một thứ cờ có vẽ hình con rồng. Lũy: thành đắp bằng đất. Cổ: cái trống. Giốc: tù và (làm bằng sừng trâu). Cũng đọc là Giác = sừng. Không: không có gì cả, trống vắng. Tống: đưa tiễn.


      Thuỳ: ai? Cùng: nghiên cứu tìm tòi - cuối hết không còn gì nữa, sau rốt, nghèo, túng quẫn. Biến: biến đổi. Diệt: mất đi, tiêu diệt. Bút: bút viết. Đoan: ngay thẳng - mở đầu, mối đầu nguyên nhân, tra hỏi... Liên: thương, thương sót.


      Phiến: tấm. Tiêu: buồn bã. Họa tường = bức tường vẽ.


      LỜI BÀN của VÔ NGÃ


      Bài thơ có hai điểm đáng để ta bàn thêm, một là về đề tài cửa bức tranh, hai là về chính bài thơ.


      A. ĐỀ TÀI CỦA BỨC TRANH


      Cù Đường là tên một địa điểm chiến lược đồng thời là tên một con sông ở Tứ Xuyên. Cảnh này ở bên Tầu nên chỉ có một trường phái hội hoạ nào đó thôi, vì nó đi ra ngoài khuôn sáo thông thường là mai lan cúc trúc, cầm thú chim muông, hoặc sông, núi trông rất thanh bình như ta thường thấy. Đề tài rất lạ nên bức tranh quí hiếm cũng phải, và có lẽ nhà thơ đã mua được nó nhờ những chuyến đi sứ Nguyên, đặc biệt là đi sứ ở Vân Nam, một tỉnh giáp Tứ Xuyên.

      Không nhìn thấy bức hoạ mà bàn thêm nữa e rằng ngoại suy quá xa nên ta tạm dừng việc phân tích ở đây.


      B. BÀI THƠ và TÁC GIẢ


      Cái đặc sắc của bài thơ là ý tứ rất nhiều mà mỗi tư tưởng được gói ghém trong ba bốn chữ nên bút pháp súc tích đến cùng cực. Tài nghệ của nhà thơ như vậy là đã đạt tới mức siêu đẳng.


      Thường thường làm thơ mà dùng trí tuệ nhiều thì sẽ giảm đi phần xúc cảm. Trái lại, ở đây, ta thấy cảm xúc của nhà thơ vẫn dồi dào. Có lẽ vì ngắm bức tranh, nhà thơ đã trở về quá khứ, về thời mà quân Nguyên rầm rập ngoài cửa ngõ, vua tôi chạy thất điên bát đảo, tiếng tù-và rúc trong đêm. Tất cả chỉ còn trong tâm tưởng, người thắng cũng như kẻ bại. Sự xúc động của nhà thơ cũng làm ta bồi hồi.


      Tinh kỳ cổ luỹ nhàn thu thảo,

      Cổ giác không sơn tống tịch dương.

      .....

      Cờ bay xí vẫy đâu chừ?

      Còn nghe trống thúc, ốc tù tịch dương.


      VÔ NGÃ phóng dịch:


      1. Sương giăng ngàn đỉnh núi,

      Đường chim bay trong mây,

      Hoang vu.

      Ào ào vách đá, sông biền biệt,

      Trôi về xuôi khói toả mịt mù.


      2. Cổ luỹ tinh kỳ đâu thấy?

      Chỉ thấy nắng chiều úa thu.

      Tiễn tà dương, thảng thốt,

      Tiếng ốc dồn âm u.


      3. Ai biết đời dâu biển,

      Công bình ngọn bút kể hưng vương.

      Thương cho quang cảnh Tây Nam ấy

      Mưa gió đìu hiu một mảnh tường.


      VÔ NGÃ phóng tác:


      1. Thành cổ hoang tàn trấn lũng sâu

      Tinh kỳ xơ xác giữa hoa lau.

      Cù Đường hờ hững soi hưng phế

      Tiếng ốc chiêu hồn vọng mãi đâu?


      2. Vách đá âm thầm ngóng tịch dương

      Sườn non chìm lắng tiếng đao thương

      Khá thương ngọn bút công bình ấy

      Kể lại không lời chuyện bá vương.


      Phạm Khắc Hàm

      Tạp chí Khởi Hành số 141 tháng 7.2008

      TRANH VẼ CÙ ĐƯỜNG

       VIÊN LINH

                        Tặng anh Vô Ngã

      Sương rụng chim không ngàn núi hoang

      Dòng sông không chảy khúc Cù Đường.

      Luỹ đồn cờ lệnh thu màu cỏ

      Trống ốc non không tiễn tịch dương.

      Trời đất ai người cùng biến dịch

      Bút nghiên không tiếng nói hưng vong.

      Thấy thương cái cảnh tây nam trước

      Mưa gió mù không nét vẽ tường.

      Little Saigon, 2008


      GHI CHÚ: Hàn lâm học sĩ Đinh Củng Viên nổi tiếng là sứ giả nhà Trần, đời Thánh Tông (1258-1278) đã thuyết phục dược vua Nguyên (Mông Cổ) hủy bỏ những cái tệ hại tàn ác khi bắt nước Đại Việt phải triều cống trí thức và thợ giỏi, cùng bàn cãi thắng lợi về việc cương giới giữa hai nước, ngay tại Nguyên triều. Nhưng ở đây người dịch chỉ xin nói về bài thơ duy nhất còn lại của ông.


      Ai đã thiêu huỷ thi ca văn học trước tác của nước Việt, Bắc phương hay chính các Triều đại sau của nước nhà, như Nguyễn triều đào mả phá thành Lê, Trịnh; như cộng sản huỷ diệt văn phẩm Cộng Hoà? May mà còn một bài thơ của Đinh Củng Viên, chỉ một bài Cù Đường Đồ cũng đủ để có người con ông là thi bá.


      Thi sĩ nhìn vào cái tĩnh (bức tranh trên tường) để tả cái động (dòng sông, lá cờ, tiếng trống, tiếng tù-và, mưa gió); và tâm trí không quên nhắc: đó là những cái động của một sự tỉnh, và ngược lại. Ông đã dùng nhiều tiếng phủ định tuyệt vời ngay sau động từ biểu hiện trước đó: những chữ hoang, bất, nhàn, và đặc biệt mấy chữ không: không sơn, vô ngữ, không hoạ tường.


      Từ bốn, năm năm trước, nhà thơ Vô Ngã để nghị tôi dịch chung thơ Lý Trần với anh, tôi đã không dám nhận, vì biết rõ hạn chế của mình, và những gì ông Nội tôi, cụ Tú tài Hán học Nguyễn Hữu Khắc huyện Duy Tiên, thi đậu khoá cuối cùng của triều Nguyễn (1915, Trường thi Nam Định), dạy cháu từ lúc 4 tuổi đến lúc 15 tuổi học ở nhà, đã bay theo gió; nhưng từ đầu năm 08, với ý thức sự nô lệ nhu nhược của Hà Nội trước Bắc phương, với lòng ngưỡng vọng Sử Thi, Thơ Anh Hùng, Thơ Hào Kiệt của tiền nhân, tôi nghĩ hậu thế có nhiệm vụ phải truyền bá thơ văn hịch, cáo... có tính Lịch Sử ấy càng nhiều càng tốt, đặng khơi lại sĩ khí xưa, nay đang mai một, bởi vậy mới có bài dịch thơ Đặng Dung ở số trước, và bài dịch thơ Đinh Củng Viên trên đây. Xin có vài dòng cẩn bạch, và xin được tặng bài dịch này cho nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, vị giáo sư khả kính của Đại học Khoa Học Sài Gòn trước 75, hiện là vị cố vấn Hán Nôm mà chúng tôi thường xuyên tham khảo. Trân trọng. VL.

      Khởi Hành số 141 tháng 7.2008


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ Phạm Khắc Hàm Biên khảo

      - Sự Diệu Kỳ Của Thư Họa Phạm Khắc Hàm Biên khảo

      - Gọi Hồn Thiên Cổ Phạm Khắc Hàm Tạp luận

      - Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Vị Sứ Thần Lỗi Lạc Đinh Củng Viên Phạm Khắc Hàm Khảo luận

      - Thanh Bình Dưới Bóng Cờ 'Thiên Triều?' Phạm Khắc Hàm Nhận định

      - Quá Phong Khê, Một Bài Thơ Kỳ Tuyệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận

      - Phạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận

      - Đặng Dung, Bậc Anh Hùng Lỡ Vận và bài thơ "Cảm Hoài" Phạm Khắc Hàm Biên khảo

    3. Nhân Vật (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Nhân Vật

        Cùng Mục (Link)

      Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)

      Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)

      Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)

      Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)

      Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Anh Thư (Song Thao)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)


      Danh Nhân Trong Và Ngoài Nước


      Phim Tài Liệu

       

      L'exode du Nord Viet Nam


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
       

        DANH NGÔN


        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)